Giới thiệu sách
Về Pháp Quyền
Đây có thể coi là cuốn sách đầu tiên trên thị trường cung cấp cho độc giả những thông tin đầy đủ, chi tiết và dễ tiếp thu nhất về pháp quyền.
Trong tác phẩm, Tom Bingham, một trong những bộ óc sắc bén nhất thế giới về pháp lý, đã bàn luận ý sự hình thành và nghĩa của pháp quyền. Theo ông, pháp quyền không phải là một lý thuyết khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự đảm bảo của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo cho sự hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.
Cuốn sách trình bày ngắn gọn về lịch sử các nguyên tắc pháp quyền, tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của khái niệm này, đồng thời thảo luận những căng thẳng đối với pháp quyền đến từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Về Pháp Quyền gồm có ba phần chính:
- Phần thứ nhất, gồm hai chương đầu, bàn về tầm quan trọng của pháp quyền và một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp quyền.
- Phần hai (Chương 3-10) bàn về tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của pháp quyền
- Phần ba (Chương 11-12) thảo luận về những căng thẳng đối với pháp quyền từ chủ nghĩa khủng bố và nguyên tắc chủ quyền nghị viện (Anh).
Pháp quyền là nền tảng của xã hội văn minh. Và theo lời tác giả “trong một thế giới bị chia rẽ bởi những khác biệt về quốc tịch, chủng tộc, màu da, tôn giáo và của cải, pháp quyền là một trong những yếu tố vĩ đại nhất (và có thể chính là yếu tố vĩ đại nhất) giúp chúng ta đoàn kết lại”. Có thể thấy pháp quyền, luật pháp là những tri thức căn bản cần có với mỗi công dân trong xã hội, chứ không chỉ riêng ai làm trong ngành Luật.
Tác phẩm “Về Pháp Quyền” xuất bản lần này cũng như những tác phẩm tới đây thuộc Tủ sách kinh điển Pháp luật của Omega Plus hy vọng sẽ đáp ứng được mong muốn trau dồi tri thức lĩnh vực Luật học của độc giả trên cả nước.
Một số đánh giá/nhận xét tác phẩm Về Pháp Quyền
“Cuốn sách là một viên ngọc sáng … hợp thời và đầy cảm hứng. Mọi người đều nên đọc nó.” - Independent
“… cuốn sách ngắn của ông là một bài luận đáng chú ý về chủ đề này, đi từ bao quát đến các điển cứu ngắn gọn nhưng chi tiết theo các vụ án mà chính ông đã tham gia…” - Stephen Sedley, The Guardian
Một số trích đoạn trong tác phẩm Về Pháp Quyền
“…cốt lõi của pháp quyền là mọi người và mọi cơ quan quyền lực tại một quốc gia, dù công hay tư, đều được bảo vệ và bị ràng buộc bởi các quy tắc pháp luật được tạo lập công khai, có hiệu lực chung trong tương lai và được áp dụng công khai bởi các tòa án.” (p.16)
“Không người tự do nào có thể bị bắt giữ, bị cầm tù, bị tước đoạt quyền lợi hoặc tài sản, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật hay bị tước đoạt địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp bởi những người ngang hàng với người đó hoặc theo pháp luật nơi sở tại.”
“Một chức năng quan trọng của luật hình sự là làm nản lòng những người có ý định thực hiện tội phạm, và chúng ta không thể nản lòng nếu không biết, hay thậm chí không thể suy luận một cách hợp lý, điều mà đáng ra không nên làm. […] Để được hưởng những quyền dân sự mà mình có, hay để thực hiện những nghĩa vụ mà luật dân sự yêu cầu, điều quan trọng nhất là mỗi người phải biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì. Nếu không, chúng ta sẽ không thể hưởng những quyền hay hoàn thành những nghĩa vụ ấy. […] Sẽ không có ai lựa chọn đầu tư hay kinh doanh, nhất là với một khoản vốn lớn, vào một quốc gia có hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý về thương mại mơ hồ và không chắc chắn.” (p.53)
“Pháp quyền không yêu cầu tước hoàn toàn quyền quyết định tùy nghi của công chức hay thẩm phán, mà yêu cầu không có sự tùy nghi nào là không giới hạn để tránh việc họ trở nên độc đoán. Do vậy, không sự tùy nghi nào có thể thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật.” (p.74)
“Có một nguyên tắc căn bản là bất kỳ ai thực thi một quyền hạn luật định đều không được hành động vượt quá những giới hạn của quyền lực đó.” (p.85)
“Có những quốc gia trên thế giới mà tất cả các quyết định của tòa án đều có lợi cho các cơ quan quyền lực, nhưng có lẽ không ai trong chúng ta muốn sống ở những quốc gia như vậy.” (p.87)
“…một nhà nước đàn áp hoặc ngược đãi một bộ phận công dân của mình không thể được coi là một nhà nước tuân thủ pháp quyền, ngay cả khi họ ban hành các đạo luật chi tiết và nghiêm ngặt về việc đưa nhóm thiểu số bị đàn áp đến trại tập trung, hay ép buộc bỏ rơi các bé gái mới sinh bên sườn núi.” (p.89)
“Chắc chắn có người sẽ muốn nhốt tất cả những nghi phạm khủng bố và những tội nghiêm trọng khác lại, sau đó vứt chìa khóa đi. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, nghi phạm là một người chưa được chứng minh là phạm tội. Sự nghi ngờ, ngay cả khi hợp lý, vẫn có thể sai. Rất nhiều vụ oan sai đã chứng minh điều đó. Cảnh sát và nhân viên an ninh không phải lúc nào cũng có các quyết định đúng đắn. Sẽ là bất công nghiêm trọng nếu tước đi, trong một khoảng thời gian đáng kể, quyền tự do của một người chưa và không hề có ý định phạm tội. Không quốc gia văn minh nào nên dung thứ cho những bất công như vậy." (p.96)
“Quyền cá nhân không được xâm phạm đến quyền của người khác, và điều này đòi hỏi phải đặt ra những ranh giới rõ ràng.” (p.101)
“Việc các cơ quan công quyền tuân thủ các quy định của pháp luật là một khởi đầu tốt, nhưng sẽ là không đủ nếu luật pháp của quốc gia đó không bảo vệ những gì được coi là quyền căn bản của con người.” (p.109
Ai phù hợp với tác phẩm Về Pháp Quyền này?
Độc giả phổ thông thích tìm hiểu về pháp luật
Ý nghĩa của ảnh trên bìa sách Về Pháp Quyền
Lady Justice cầm gươm trên bìa sách thể hiện tính thượng tôn của pháp luật. Bìa hai cuốn Về Pháp quyền và Một lý thuyết về công lý (sắp xuất bản) ghép lại thành hình ảnh hoàn chỉnh của Lady Justice.
Giải thưởng của tác phẩm Về Pháp Quyền
Sách giành Giải Orwell dành cho sách chính trị hay nhất năm 2011.
Sách Về Pháp Quyền của tác giả Tom Bingham, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark