Vladimir Soloviev
Trong số những nhà văn hóa hoạt động ở Nga nửa sau thế kỷ XIX, Vladimir Soloviev (1853-1900) chiếm giữ một vị trí cao quý đặc biệt. Theo sự đánh giá nhất trí của người Nga, ông là triết gia lớn nhất của nước Nga, là “một biểu hiện ngời sáng của thiên tài triết học Nga”, “một tên tuổi mà chúng ta (những người Nga - P.V.C.) có thể đem ra đối sánh với những cây đuốc vĩ đại của triết học thế giới” (lời của S. L. Frank, một hiền triết lớn của thế kỷ XX). Sự nghiệp của Soloviev là một kỳ công mà ngay những đối thủ tư tưởng của ông cũng không phủ nhận. Trước Soloviev, nước Nga với lịch sử nghìn năm chưa có nền triết học của riêng mình, mà mới chỉ có những tư tưởng triết học, chúng nảy sinh nhiều hơn cả trong thế kỷ XIX được gọi chuẩn xác là “thế kỷ vàng” của văn hóa Nga.
Trong thế kỷ ấy, khi mà nhân loại chứng kiến “phép lạ” của sự lớn mạnh vượt bậc của văn học Nga, từ nền văn học chưa có nhiều thành tựu lớn trong vòng chỉ năm - sáu thập niên đã trở thành một trong những nền văn chương vĩ đại nhất thế giới - vĩ đại không chỉ vì khối lượng đồ sộ những kiệt tác mà nó đã làm nên, mà còn vì chiều sâu nhân bản đặc biệt của nó, vì những nhận chân và những cật vấn về thế giới và con người mà nó đặt ra - cũng trong thế kỷ ấy, hơn một nhà tư tưởng Nga ấp ủ hoài bão kiến tạo những học thuyết triết học có sức cạnh tranh với những học thuyết của các đại gia Tây Âu cùng thời. Nhưng công việc ấy hóa ra chỉ vừa sức với một mình Soloviev. Chỉ Soloviev bằng hệ thống triết học của mình - một hệ thống đa diện, sâu sắc, độc đáo, đi ngược lại dòng chủ lưu của triết học phương Tây, gắn nối triết học với tư cách một hình thức nhận thức thế giới với những bình diện cốt yếu khác của tồn tại con người - mới khẳng định được mình như một triết gia có tầm cỡ thế giới, đặt nền móng vững chắc cho truyền thống triết học của dân tộc mình.