Claude Lévi-Strauss
Là một trong những nhà nhân học, dân tộc học, một nhà tư tưởng và nhà văn lớn nhất của thế giới trong nửa cuối thế kỷ 20. Ông sinh năm 1908, cha là họa sĩ chân dung, rất thích sưu tầm những đồ vật quý hiếm. Theo gương cha, cậu bé cũng say mê đi tìm những tác phẩm nghệ thuật của các dân tộc xa lạ. Học khoa triết ở đại học Sorbonne, anh thanh niên Claude gặp và quen thân với những trí tuệ lớn nhất của nước Pháp thời bấy giờ: Simone de Beauvoir và Merleau-Ponty.
Năm 1934, một cuốn sách đọc được tình cờ, cuốn Xã hội học nguyên thuỷ của Lowie, đã quyết định cả cuộc đời anh: trở thành nhà dân tộc học.
Năm 1935, được bổ nhiệm giáo sư ở đại học São Paolo, Brazil, Claude Lévi-Strauss lần đầu tiên có cơ hội tiến hành những chuyến khảo sát dân tộc học ngắn và viết tác phẩm dân tộc học đầu tay Góp phần nghiên cứu tổ chức xã hội của người Bororo. Bị gọi về Pháp để tham gia “cuộc chiến tranh kỳ quặc” vào năm 1939, đến năm 1941 được giải ngũ ông liền sang Mỹ, dạy ở trường New School for Social Research và viện Cao học New York. Ông còn sống và làm việc ở Mỹ cho đến năm 1947 với tư cách tùy viên văn hóa sứ quán Pháp.
Trở về Pháp sau đó, Claude Lévi-Strauss thực sự lao vào sự nghiệp sáng tác phong phú và đồ sộ của mình. Những tác phẩm quan trọng nhất của ông lần lượt ra đời: Đời sống gia đình của người Anh- điêng Nambikwara, Cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng, Nhiệt đới buồn, Nhân học cấu trúc, Tín ngưỡng tô-tem ngày nay, Tư duy man dã, và bộ sách lớn Huyền thoại học gồm bốn cuốn Cái Sống và cái Chín, Từ Mật ong đến Tro, Về nguồn gốc các lối ăn, Con người trần trụi, tiếp sau là Con đường đi của các Mặt nạ, Bản sắc, Gần và Xa…