Lấy cốt truyện Sự tích quả dưa hấu (Tây Qua truyện) trong Lĩnh Nam chích quái, Nguyễn Trọng Thuật đã viết nên một thiên tiểu thuyết về con người, đất nước, lồng ghép các yếu tố văn hóa, lịch sử, như một cách khẳng định đầy tự hào về nguồn gốc và bề dày lịch sử dân tộc Việt. Giữa buổi giao thời nhộn nhạo, Quả dưa đỏ chẳng những góp phần vào công cuộc chung tay bảo vệ thành lũy ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt, mà còn khơi lên âm hưởng huyền sử xa xưa một cách đầy kiêu hãnh.
Phần minh họa trong sách được thực hiện bởi họa sĩ Tạ Huy Long, người nổi tiếng với những tác phẩm mang đậm dấu ấn dân gian, lịch sử. Họa sĩ dường như đã tiếp nối vọng âm huyền sử từ thời thượng cổ mà tác giả Nguyễn Trọng Thuật khơi gợi trong cuốn tiểu thuyết. Mười hai bức minh họa màu nước đưa bạn đọc ngược dòng thời gian về với thời đại của những thần thoại, truyền thuyết, ngắm nhìn buổi bình minh của dân tộc Việt qua nét vẽ tài hoa của một trí tưởng tượng bay bổng.
Quả dưa đỏ nằm trong tủ sách Văn chương & Mỹ thuật của Đông A.
Nhận xét về tác phẩm "Quả Dưa Đỏ"
“Quả dưa đỏ là một quyển lịch sử tiểu thuyết dựa vào một lý thuyết hoang đường, nhưng trong truyện lại xen vào rất nhiều nghĩa lý của đạo Nho. Cả truyện có thể tóm tắt trong một câu luân lý này: Hễ có lòng tin cậy là thành công. Có một điều chúng ta nên biết là Đông Dương tạp chí chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn, và Nam Phong tạp chí cũng phải đợi đến khi Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng, còn trước kia người ta chỉ đăng toàn tiểu thuyết dịch, thỉnh thoảng mới có một vài truyện ngắn viết. Như vậy, trong buổi đầu, thật rất có ít người Nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật.” - Nhà văn Vũ Ngọc Phan
“Với tác phẩm này, ông được coi là một trong những nhà văn tiên phong viết tiểu thuyết bằng quốc ngữ ở miền Bắc. Có thể nói Nguyễn Trọng Thuật là một trong những cây bút viết báo buổi đầu thế kỷ đã cố gắng duy trì nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời tiếp thu nền văn hóa mới của Tây phương do người Pháp truyền bá sang nước ta.” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân