Giới thiệu sách
Người Đi Vắng (Bản Đặc Biệt)
Người đi vắng, tự cái tựa đó đã nói rất nhiều. Cô đơn. Vô hình. Bí ẩn. Khoảng trống. Người đi vắng (1999) là một trong những khởi điểm của dòng chảy Nguyễn Bình Phương vào thế giới vô thức, mộng mị, hồng hoang, sẽ được tiếp nối bằng Trí nhớ suy tàn (2000) và Thoạt kỳ thuỷ (2004).
Cư dân của Người đi vắng là những hồn ma, những kẻ sống dở chết dở, những dòng sông, giọt sương, tiếng chuông... Nhưng có lẽ nhân vật nữ, Hoàn, chính là người đi vắng ly kỳ nhất. Tiểu thuyết dành phần mở đầu mô tả mối tình tay ba của Hoàn với Thắng và Cương, người chồng và người tình. Hoàn lao xe xuống vực, cơ thể huỷ hoại còn hồn phiêu diêu. Từ đó, xen kẽ những giấc mơ của Hoàn là kỷ niệm, âm hưởng, dư vị, dấu ấn mà tấm thân nhục dục trước đây của cô để lai trong hai người đàn ông. Trong Người đi vắng, tình yêu/tình dục/tâm linh gắn với nhau như hình với bóng. Chúng hiện lên lung linh, lẫn lộn vật chất tinh thần, chồng chéo giằng co nhau qua những sợi dây thần bí. Người đi vắng là truyện tình bất thường của những người tình bất kham và bất an.
Không chỉ Hoàn, Thắng, Cương, Thư, hầu hết các nhân vật của Nguyễn Bình Phương đều là những kẻ bất an, những người đi vắng. Tiểu thuyết của anh là một hợp âm với vô vàn đối thoại, độc thoại, mà người đọc không phân biệt được ai là kẻ phát ngôn. Đó cùng là những giọng nói cất lên từ cõi âm, hay tiếng rao "khàn khàn ủ ê" của ông thiến lợn vang lên trong suốt tác phẩm nhưng không ai biết mặt. Các nhân vật của Nguyễn Bình Phương thường có bộ phận thính giác cực kỳ tinh nhạy. Thế giới của anh vì vậy vừa vắng vừa đầy, im lặng nhưng ồn ào, vô hình và hữu hình, thật và ảo, âm dương lẫn lộn.
Thông tin tác giả Nguyễn Bình Phương
Sinh tại Thái Nguyên từng nhiều năm công tác tại biên giới phía Bắc. Từng biên kịch tại đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nguyễn Bình Phương xuất thân lính. Thi đậu trường viết văn Nguyễn Du khóa 4 anh vẫn mang quân phục lính. Ra trường chuyển về đoàn kịch quân đội, và sau đó là Nhà Xuất bản QÐND. Ở cương vị này Nguyễn Bình Phương là bà đỡ cho nhiều nhà văn với mảng văn học chiến tranh.
Những năm 90, “Những đứa trẻ chết già” là một bước tiến vượt bậc của Nguyễn Bình Phương nhưng giới văn chương tiếp nhận dè dặt, cánh phê bình im tiếng. Chỉ khi Phương thành danh với một loạt tiểu thuyết không lẫn vào ai thì họ mới ào ạt tiếp cận với đủ chủng loại lý luận gán vào thậm chí là phong thánh cho tác giả một mình một ngựa một con đường này.
Sau “Những đứa trẻ chết già”, Phương tiếp tục cho ra đời một loạt tiểu thuyết cùng một phong cách không lẫn vào người khác như “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi”…và mới nhất là cuốn tiểu thuyết có số phận kỳ lạ, “Mình và họ”. Ðây là cuốn tiểu thuyết được Phương viết xong năm 2010 nhưng bị các nhà xuất bản trong nước từ chối in ấn và nó được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên “Xe lên xe xuống”. Mãi đến năm 2014 nó mới được nhà xuất bản Trẻ chấp nhận. Ngay lập tức “Mình và họ” nhận được hoan nghênh hưởng ứng của giới văn chương và độc giả.
Sách Người Đi Vắng (Bản Đặc Biệt) của tác giả Nguyễn Bình Phương, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark