Tất cả danh mục

Khám Phá Muôn Mặt Sài Gòn Qua 14 Quyển Sách Đầy Tâm Huyết Của Các Tác Giả

Sài Gòn, Sài Gòn! Có đôi khi bạn cảm giác rằng, dù đang được Sài Gòn ôm ấp vỗ về, thì trong lòng vẫn mang một nỗi nhớ không nguôi về mảnh đất này?

Bởi có quá nhiều cung bậc cảm xúc về Sài Gòn mà biết bao tác phẩm đã ra đời, để nhắc nhớ về một Sài Gòn xưa với nét đẹp cổ điển, thanh tao. Với những tác giả trẻ, câu chuyện về Sài Gòn lại mang màu sắc khác, tươi trẻ, năng động hơn nhưng cũng không kém phần duyên dáng.

NetaBooks xin phép được góp nhặt 14 quyển sách đầy tâm huyết của 14 tác giả, ghi lại dòng chảy của Sài Gòn xưa và nay, mời các bạn xem phần tóm tắt và trích lược dưới đây nhé!

1. Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không Gian Gia Vị Sài Gòn là tập tùy bút thứ hai của tác giả Trần Tiến Dũng sau tập Món ngon và gia vị cảm xúc. Hàng ngày ở Sài Gòn và miền Nam, khi đứng trước tổng hòa các mùi hương của đời sống đang từng giây, từng phút hiện hữu trong không gian, tác giả luôn cảm nhận thấy mình đang thụ hưởng một đặc ân được bao bọc, hàm dưỡng trong nguồn hương Sài Gòn với toàn bộ sự phong phú vô ngần của nền văn hóa ẩm thực đa bản sắc, đa dân tộc vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

" Ngày nay, nếu một sáng nào đó bạn muốn đổi món điểm tâm bằng cách chọn món bánh mì, có nghĩa là bánh mì luôn được lưu trong bộ nhớ ẩm thực của bạn như món phở, hủ tíu, bún bò… Không kể đến chuyện bánh mì bị chụp mủ theo gót thực dân, chỉ riêng quá trình bánh mì vượt qua hàng rào “kỳ thị” vì có gốc từ xứ Tây cũng đủ đáng nể. Người Việt, nhất là người nông thôn ăn bánh mì không còn thấy đó là món mắc nghẹn muốn chết, mà lại thấy: Thèm bánh mì quá, ghé chợ mua dùm một vài ổ coi bây!

Người bình dân Sài Gòn trước đây thường ăn bánh mì nóng hổi để trong bội cần xé, đậy bằng bao bố hoặc giấy dầu. Ngày trước khắp các con hẻm Sài Gòn, sáng sáng, chiều chiều lúc nào cũng có bóng những người đàn ông khòm lưng trên xe đạp rao: “Bánh mì nóng hổi đây”. Con nít thì thích móc ruột bánh mì ăn trước còn người lớn thì khoái ăn vỏ bánh dòn dòn. Nhưng ăn bánh mì không hoài cũng ngán nên dân lao động chế ra món bánh mì chấm nước tương. Cái chén nước tương rắt chút tiêu xay, nặn chút chanh đúng là chấm bánh mì ăn ngon bá phát. Tất nhiên trong các món bánh mì giản dị nhưng lại thành ký ức khó phai mờ của dân đô thành Sài Gòn và phố tỉnh miền Nam còn có món bánh mì chấm đường cát, bánh mì rưới sữa bò hiệu Ông Thọ, Kim Cương.”

Trích Cám ơn bánh mì

2. Di Sản Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh
Không gian kiến trúc Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh thực sự bắt đầu được kiến tạo từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Hơn 300 năm qua, những công trình kiến trúc, những nét sinh hoạt văn hóa tại vùng đất này đã lắng đọng vào phố thị và tâm hồn của cộng đồng dân cư nơi đây, kết tinh thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách Di Sản Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, bao quát lịch sử – văn hóa – xã hội vùng đất này. Đó là những công trình kiến trúc như: dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cầu đường,…; là những nét văn hóa trong đời sống thường nhật như: đám cưới, hát bội, đờn ca tài tử, đua ngựa…; là đặc sắc ẩm thực Sài Gòn với quán cà phê, gánh hàng rong…
3. Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Với một dân tộc mà cái ăn ám ảnh đến mức đi vào… lời ăn tiếng nói, thì dễ hiểu, bàn ăn không chỉ để dọn lên đó món ăn, mà còn là nơi phóng chiếu lịch sử, văn hóa, tâm tính cộng đồng và nhiều thứ khác. Viết về cái ăn của người Việt khó vô cùng. Khó là bởi sành ăn thôi chưa đủ, hiểu biết và ham mê kê cứu sách vở thôi chưa ổn, giàu ký ức về chuyện ăn uống thôi cũng chưa xong… mà phải nhập cuộc vào “cõi ăn” với một tâm thế tự do, cái tự do của người làm chủ thứ “cú pháp ăn uống” để một mặt không rơi vào cái bẫy phàm tạp, không đi lạc vào địa hạt nữ công gia chánh, càng không cao đạo, thiêng hóa mọi thứ theo kiểu “chủ nghĩa lưỡi dân tộc”.

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó "xôm tụ" ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” cùng cuốn sách mới nhất của Ngữ Yên được giới thiệu trong đợt này có tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.

4. Sài Gòn Những Biểu Tượng

Khởi đi từ ý tưởng bài viết trong phần Biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, chúng tôi mạo muội đặt tựa cho tập sách này là Sài Gòn, những biểu tượng. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề, mà là gợi mở, mời gọi những cuộc tìm tòi, khảo cứu, khai quật, khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn.

Góp vào ý hướng chủ đạo đó, còn có bài nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp – “Thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn”. Bài viết điểm lại những đóng góp của làn sóng thương nghiệp, sự trỗi vượt của một số thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn, bước đầu xác lập vị thế kinh tế cho một đô thị, mà về sau, chúng ta gọi là “đầu tàu kinh tế”, “trung tâm kinh tế” quan trọng của đất nước.

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù của thị dân, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn.

Các bài viết của quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, dịch giả Trần Đức Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương, nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Lưu Vĩ Lân, Nguyễn Quốc Việt về cảnh quan tinh thần, đời sống con người Sài Gòn trong quá khứ cho đến các cảm nhận, thao thức về cuộc chuyển dời hôm nay của các tác giả: Phan Triều Hải, Nam Thụ, Bảo Uyên, Nguyễn Cường, Trương Gia Hòa… đặt trong cảm thức không gian biểu tượng, phần nào, như đã nói, có thể gợi mở hứng thú cho những cuộc kiếm tìm dấu chỉ văn hóa đô thị Sài Gòn trong thời gian tới.

Sài Gòn, những biểu tượng là cách tiếp chạm nhỏ nhẹ, bặt thiệp và truyền cảm hứng với một vấn đề lớn lao của đô thị. Sài Gòn trong tập sách này, dù là quá khứ xa hay hiện tại gần, dù là tiếng nói nghiêm cẩn của khoa học hay là những xúc cảm bay bổng, dù nói về con người hay cửa nhà, di sản hay môi trường… thì đều hàm chứa những tâm tình và nỗ lực tìm tòi hiểu biết.

5. Sài Gòn Cứ Vội

Này người.
Có lần, người bảo ta rằng người thấy Sài Gòn này sao cứ vội vã quá!
Người biết vì sao không?
Ừ thì Sài Gòn cứ vội, mới có những con người chạm được vào nhau!
Ừ thì Sài Gòn cứ vội, mới có những con người sau chạm là tan!
Ừ thì Sài Gòn cứ vội, mới có những thứ tan là mau thành cũ!
Ừ thì Sài Gòn cứ vội, người cứ bỏ lại nhau, đâu đó còn một nỗi đau rất thực.
Ừ thì Sài Gòn cứ vội đi, để ta còn chạm mặt người, tay còn chạm tay, môi còn chạm môi.
Thôi thì Sài Gòn cứ vội đi, để ta, để người còn những ngày như thế!

Tập tản văn Sài Gòn cứ vội từ hai tác giả trẻ Tử An và Ngọc Hoài Nhân hứa hẹn sẽ đưa bạn đọc tới một Sài Gòn vừa sôi động, tình cảm, lại vừa trầm lắng, bâng khuâng.

6. Sài Gòn Bao Giờ Cũng Thế

Sài Gòn với bạn là ai? Là người phụ nữ sang trọng trong tấm áo dài tha thướt hay ông công chức lịch lãm bộ đồ Tây? Là bác xích lô niềm nở, chị hàng rong nhẹ nhàng lời mời chào? Là người miền Tây lên hay người vô từ miền Trung miền Bắc? Thậm chí, là “giang hồ” nơi bến cảng chợ búa hay kẻ liều lĩnh cướp giựt trên đường phố? Là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người, sau tất cả những phức tạp, bất ổn và cả những nguy cơ, sau cuộc sống gấp gáp ồn ào tựa như “vô cảm” của một đô thành lớn, người Sài Gòn vẫn dung dị bên ly cà phê mỗi sáng, ly bia mỗi chiều, bình thản bên máy tính hay tờ báo ngồn ngộn thông tin, cần thì vẫn lao ra đường làm ăn, khi bị xe của “trật tự đô thị” làm khó thì như chị hàng rong “vui vẻ mà chạy”, và những người mua ổ bánh mì hay ly cà phê vẫn chờ gặp chị để trả tiền và ngày mai họ vẫn ghé mua như thường lệ, để giúp một con người, một gia đình… Sài Gòn có bao nhiêu cuộc đời như vậy.

7. Sài Gòn – Thị Thành Hoang Dại

Sài Gòn - Thị thành hoang dại là quyển sách viết về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.

Tập tản văn Sài Gòn - Thị thành hoang dại của Khải Đơn là được chia thành 4 phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn - tại sao để yêu, Chợ giấc mơ, kỷ niệm đóng đinh vào phố.

Với phần Thị Thành hoang dại: Sài Gòn trong mắt Khải Đơn là một thế giới như "miền Viễn Tây", với đủ những hỗn loạn, nỗi sợ, sự bất an, cả những mất mát khi một người nhập cư sống ở Sài Gòn. Đó là một Sài Gòn ngập ngụa kênh đen, nơi trở thành điển hình của những mỏi mệt trong cuộc sống hàng ngày, là gương mặt của những người trẻ ẩn nấp trong quán cafe - hay thực ra là một giờ khắc bình an hiếm hoi giữa cuộc sống mưu sinh hàng ngày vất vả.

Trong bài viết "Ăn sáng", tác giả ngồi đợi một phụ nữ trong công viên giữa quận 1, móc từng thùng rác ra, tìm những thức ăn còn sót lại, cũng tươm tất gọn gàng, chuẩn bị một bữa sáng cho một ngày nữa giữa đô thị xa hoa.

Với Thị thành hoang dại, Sài Gòn được vẽ nguệch ngoạc lại bằng những bất an không giấu diếm. Thành phố triệu dân và quá tải phải chịu đựng những phần xấu xí nào nó, rồi ám ảnh lên con người, làm người đến mưu sinh vất vả hơn bao giờ hết. Họ sống với Sài Gòn nhưng không thể yêu nó, bởi trái tim để ở quê nhà, họ đợi chờ ngày tháng để rời bỏ nó, về lại với yêu thương quê mùa. Sài Gòn hỗn loạn đó, khủng khiếp đó, dữ dội đó, nhưng cô đơn biết bao.

Không bi quan đến thế vì những bất an của thành phố, Sài Gòn - tại sao để yêu và Kỷ niệm đóng đinh vào phố là những nốt trầm mềm mỏng, như thể tác giả tự nhắc nhở mình vì sao Sài Gòn vẫn đáng yêu, dù nó khói bụi, kẹt xe, nhức nhối, mỏi mệt...

Đó là bởi vì Sài Gòn quá đáng yêu. Sài Gòn hiện ra với những tiệm sách cũ đầy ắp bí mật, hàng hoa bán vỉa hè chỉ 2000đ/cành và cánh hoa đã cũ, dập nát, đó là bình trà đá miễn phí căng mình ra giữa mùa hè ngột ngạt. Người bán vé số, phát tờ rơi, dân làm ve chai ở Sài Gòn phơi mình dưới nắng mùa hè hẳn thấm thía cái khốn khổ của thiếu miếng nước uống, thiếu bóng râm mát nghỉ chân. Những người tốt lành đâu đó đã xuất hiện, ẩn danh và tự nhiên, họ "gieo" những bình trà đá miễn phí trên cung đường, treo cả cốc giấy, bỏ trà tươi... tiếp sức cho người lao động nghèo. Sự lương thiện đó làm giảm đi áp lực của hỗn loạn, làm người xa xứ bớt sợ, khiến họ được nâng đỡ bước chân để sinh tồn được giữa thành phố lạ. Khải Đơn đã viết về những mảnh đáng yêu đó, để thuyết phục người đọc tin rằng tại sao Sài Gòn đáng sống đến vậy.

Trong Sài Gòn - Thị thành hoang dại, Khải Đơn cũng đề cập đến một giác độ khác của đô thị: Đó là sự bất an. Sự bất an được nóu đến trong những bài viết "Mẹ có thể nhét con vào bụng không?", "Sài Gòn - chỉ là một giọt lệ rơi", "hẹn hò dưới hàng cây bê tông".

Là một người nhập cư, cô viết về sự khốn khổ của những người quê lên phố chờ đợi người thân mình chết vì căn bệnh ung thư. Sài Gòn bất an trong tim của từng người, trong buổi chiều tan sở triều cường gặp tai nạn, về những hàng cây bị cắt trụi, về giấc ngủ đêm của người lái xe ôm không nhà cửa. Sự bất an lan ra khi người ta đồn thổi về cướp tiền ở máy ATM, về những kẻ chạy theo xe giật đồ, về tên giật điện thoại, và người ta xa lìa nhau ra, xa lạ vì quá sợ hãi.

Một phần những bài viết trong tập Thị thành hoang dại được viết lại từ những phỏng vấn Khải Đơn thực hiện với những người tình nguyện để cô ghi lại câu chuyện. Bằng cách đối thoại, Khải Đơn gặp những người bạn xa lạ ở quán cafe, họ kể cho cô nghe những tâm sự, tình cảm hay cả những kỉ niệm đắng với thành phố. Ghi lại, ẩn danh, hay viết lại hoàn toàn thành một chuyện hư cấu, Khải Đơn cố gắng chuyển tải những tâm sự mà cô bắt gặp từ người nhập cư đến Sài Gòn sinh sống và cuộc chiến mưu sinh họ phải đối mặt hàng ngày.

Tập tản văn Sài Gòn - thị thành hoang dại cố gắng chạm tới những phần sâu kín trong tâm thức một người nhập cư lui tới Sài Gòn. Họ đơn độc, gồng mình lên để cứng cỏi, tàn nhẫn, nhưng rồi cũng chính họ lại chìa tay ra, giúp đỡ một ai đó xa lạ hệt như mình, để cảm thấy bớt cô đơn, cảm thấy bớt bấp bênh trước những điều không lường tới được hàng ngày.

Theo một cách nào đó, Sài Gòn đẹp vì nó như một cái cù lao, phù sa bốn phương trôi theo con nước vào bờ, người ta chở theo ước vọng, giấc mơ, cả tài hoa để về thành phố mưu sinh, thăng hoa.

8. Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ

Sách tập hợp những truyện ngắn và ký viết về miền đất Nam Bộ, vùng ruộng đồng sông nước của nhà văn Võ Đắc Danh. Bàng bạc trong các truyện là nỗi niềm của những người nông dân đã một đời thân cò lặn lội, oằn vai dưới gánh nặng đau khổ của chiến tranh hôm qua, rồi lại vì miếng cơm manh áo hôm nay nhưng vẫn bất khuất, trung kiên chống lại áp bức, bất công.
Nhờ có thế, Sài Gòn trở thành một nét văn hoá - cái văn hoá "hoang dại", bất cần, thư thả và mạnh mẽ không gì kìm hãm được.

9. Sài Gòn Thương Và Nhớ

Sài Gòn thương và nhớ... Dành cho những ai yêu Saigon! Ừ, Saigon của tôi đó. Không phải là những bờ biển, đồi thông... mà là nơi thân quen từng nhận bao tiếng cười cũng như giọt nước mắt của tôi và bạn bè với những thăng trầm trong cuộc sống. Một nơi náo nhiệt, ồn ào, là đất hứa cho những người muốn làm một cuộc đổi đời. Và khi buồn phiền, tôi vẫn có thể tìm cho mình những dấu lặng ở những nơi từng là kỷ niệm của một thời đã xa lắm. - Tác giả Nguyễn Ngọc Hà.

10. Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Một là nhà, nơi có cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một là thời niên thiếu nhiều kỷ niệm… Một là nơi sống, làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời lớn hơn và được là mình hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một lại là mai cúc chói chang… Dễ tới cả trăm lần, dân xa xứ ngay trên chính quê hương mình như tôi, tự hỏi: phải nghiêng về nơi nào?

Thôi thì đành Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn.


11. Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn

Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thời cuộc.

Ký ức một ảnh viện Sài Gòn hay Câu chuyện Viễn Kính có thể xem như một dự án du khảo được tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện trong suốt gần một năm. Cuốn sách hơn 220 trang là một câu chuyện đồ sộ về nhiếp ảnh, những hình ảnh quý giá một thời vàng son lẫn cay đắng của lịch sử.

Ông Đinh Tiến Mậu, nhân vật chính của câu chuyện – chủ hiệu ảnh Viễn Kính tiếng tăm của Sài Gòn, kể về sản nghiệp của một đời thợ ảnh cứ như không có chuyện vậy, nhẹ tênh, phẳng phiu, liền lạc. Như chẳng có chuyện gì, tay thợ ảnh ấy từng trở thành chứng nhân của lịch sử hay có ảnh đăng trên những trang báo hàng đầu. Như chẳng có chuyện gì, ảnh viện của ông là chỗ chụp chân dung của các ngôi sao hàng đầu làng giải trí miền Nam.

12. Sài Gòn – Ký Ức Vượt Thời Gian

Sài Gòn – Ký Ức Vượt Thời Gian là sách về Sài Gòn của tác giả Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh năm 1956, người Sài Gòn gốc. Tốt nghiệp khoa Nông Nghiệp trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật năm 1980, tốt nghiệp khoa Anh, trường Đại Học Ngoại Ngữ năm 1997.

13. Sài Gòn Vang Bóng

Sài Gòn vang bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang là một cuốn sách đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện thời; chuyện xây dựng Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập được xây dựng như thế nào; chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường được giải mã ra sao…

14. Sài Gòn Năm Xưa

Tập khảo lược này nghiên cứu khái quát về lịch sử hình thành, cũng như tính chất con người Việt và văn hóa đa dạng của Sài Gòn từ thuở Cao Miên với tên gọi Prei Nokor cho đến sự hình thành của Bến Nghé, Đê Ngan, cũng như tên gọi gần với ngày nay nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn.