Sài Gòn Vang Bóng
Trong nhiều năm qua, những tác phẩm viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh luôn được người đọc đón nhận một cách yêu thương, nồng nhiệt. Đặc biệt là những trang viết về những không gian ký ức, nối quá khứ đến hiện tại, đưa xa về gần, dẫn ráp nhiều thế hệ.
Dường như bao nhiêu trang viết về Sài Gòn cũng chưa đủ, như con đường chưa đi đến cuối cùng, như dòng sông chưa uốn lượn hết các luồng rạch, như bầu trời chưa mở hết các chiều kích của nó. Như thế, những trang sách về Sài Gòn còn là một thách thức không nhỏ đối với những người cầm bút.
Viết để thỏa tâm tình riêng tư mình rất khó, nhưng viết để thỏa niềm mong nhớ, kỳ vọng của độc giả lại càng khó hơn. Viết để bộc bạch chân thành thẳng thắn những suy tư không dễ, viết để cung cấp những tư liệu thú vị mà chuẩn xác lại càng không dễ chút nào.
Sài Gòn vang bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang là một cuốn sách đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện thời; chuyện xây dựng Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập được xây dựng như thế nào; chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường được giải mã ra sao...
Có thể nói, những câu chuyện liên qua đến những di tích lịch sử và các nhân vật nổi tiếng trong Sài Gòn vang bóng thoạt nghe qua thấy rất quen, tưởng như đã đọc đã biết từ lâu rồi. Thế nhưng, bên cạnh những điều quen thuộc vẫn có những góc lạ. Cái sự lạ ấy trước hết là do sự khúc xạ của ký ức tác giả, thứ nữa là nhờ vào những “kỳ duyên” mà tác giả có được những tư liệu gốc. Những tư liệu này, hầu hết được xử lý một cách thận trọng, có sự đối sánh ở nhiều góc độ, trong đó có sự rà soát ở những nhân chứng sống. Đó là may mắn mà không phải tác giả nào cũng có được.