Bản in lần này gồm 46 bài viết về nhiều lĩnh vực, phân chia thành hai chủ đề: “Huế - Di sản văn hóa” (32 bài) và “Triều Nguyễn - Những vấn đề lịch sử” (15 bài). So với lần tái bản thứ ba thì lần này tác giả đã rút bớt 2 bài ở chủ đề “Huế - Di sản văn hóa”, nhưng bổ sung thêm 3 bài cho chủ đề “Triều Nguyễn - Những vấn đề lịch sử”, là những bài khảo cứu tác giả mới viết trong 3 năm gần đây, công bố nhiều tư liệu lịch sử mới, với nhiều kiến giải thú vị, giúp độc giả hiểu thêm những vấn đề lịch sử của Việt Nam vào thời Nguyễn, vốn đang bị khuất lấp bởi nhiều lý do khác nhau.
Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế Vĩnh Cao nhận xét : "Điểm đáng để chúng ta lưu tâm hơn cả là tác phẩm Huế - triều Nguyễn. Một cái nhìn đã giúp chúng ta thấy được « cái nhìn » của người đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa cùng di tích cổ. Dù là « cái nhìn » của một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn thấy được sự gắn bó cùng hoài bão và sự trân trọng đối với di sản văn hó, một tấm lòng hoài cổ, cộng thêm nỗi trăn trở suy tư của lớp người trẻ đương đại. Chính với tấm lòng vả nỗi niềm đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn văn hóa của ông cha."
TS. Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: "Sự đa chiều chính là điều thú vị của cuốn sách. Có thể nhận thấy sự đa chiều từ nhìn nhận về sinh thái nhân văn, để tìm hiểu, phân tích, đánh giá lịch sử - sự kiện, để liên kết các yếu tố, thành tố văn hóa. Đa chiều để đặt Huế và Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu : tâm thế cởi mỏe và thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái chiều, cởi mở về sự đánh giá tư liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện…"
Cuốn sách nằm cùng trong bộ những cuốn sách về Huế và Triều Nguyễn của tác giả Trần Đức Anh Sơn gồm : Huế - Triều Nguyễn: Một cái nhìn, Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn.