Giới thiệu sách
Đức Phật Trong Tù
Những câu chuyện trong cuốn sách này được ông tập hợp trong sáu năm làm cố vấn tinh thần trong các nhà tù tại Hà Lan. Cuốn sách đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều quốc gia. Phiên bản tiếng Việt do chính tác giả hiệu đính, do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam và Công ty Cổ phần Văn hoá An Lạc hợp tác xuất bản, phát hành vào tháng 12 năm 2022.
Đây có lẽ là một cuốn sách hiếm hoi khi các “nhân vật chính” của câu chuyện, rất nhiều câu chuyện, đều là những người tù – những trọng phạm đang trong thời gian giam giữ thụ án. Đức Phật trong tù, tự cái tên đã nói lên tinh thần của cuốn sách. Trong mắt nhìn của tác giả Cường Lữ, người tù không phải là biểu tượng của tội ác, mà là những con người khổ đau, đã trải qua một cuộc đời đầy kinh dị, để trở thành một Đức Phật bị trọng thương.
Cuốn sách gồm 52 câu chuyện nhỏ có thật về sự chuyển hoá kỳ diệu của người tù khi tiếp xúc với Phật pháp, do tác giả ghi chép lại trong những năm tháng làm cố vấn tâm linh cho trọng phạm trong các nhà tù Hà Lan. Rất đơn giản, rất ngắn gọn, nhưng mỗi câu chuyện lại là một sự bừng tỉnh.
Xuất phát từ chân đế thứ nhất của Phật giáo – khổ đế, tác giả đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về khổ đau và hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc không phải hai cực đối lập, khổ đau không phải kẻ thù của hạnh phúc, mà khổ đau và hạnh phúc có mặt cùng nhau. Nhận diện được khổ đau, ta sẽ nhận diện được hạnh phúc. Là những con người bất hạnh từ thuở ấu thơ, nhiều tội phạm sẵn sàng gây tổn thương cho chính mình và người khác; là những con người liều lĩnh và sắt đá, họ thích chứng tỏ sự gan góc của mình và từ chối đối diện với khổ đau. Giống như những con người cương cường chúng ta, với họ, thừa nhận khổ đau là yếu đuối và đáng hổ thẹn. Nên trước tiên, tác giả đã hướng dẫn người tù cảm nhận được nỗi đau, bằng cách ngồi yên và quán chiếu bên trong, bằng cách tôn trọng và thấu cảm, bằng những bài pháp thoại giản dị, ngắn gọn nhưng đi thẳng vào chiều sâu nội tâm, phá vỡ xiềng xích, bật mở cánh cửa từ bên trong. Ngay khi nhận diện được khổ đau, họ sẽ được giải thoát khỏi bất hạnh. Nếu như có cách khiến người tù cảm thấy hạnh phúc và tìm ra lối thoát cho bản thân ngay trong cảnh tù đày, vậy thì họ sẽ được chuyển hoá triệt để và không bao giờ tái phạm nữa
Mở đầu cuốn sách, tác giả đã viết rằng, điều bất hạnh lớn nhất của người tù là bị giam hãm trong căn phòng mà chìa khoá nằm trong tay kẻ khác. Nhưng đó không phải nỗi bất hạnh của riêng người tù. Ta thường mặc định rằng, ta phải khác họ, nhưng nếu như ta không tìm được chìa khoá cho cánh cửa bên trong mình, khi ta giao chìa khoá tự do của mình cho một khách thể khác, ta cũng sẽ biến thành một người tù. Như tác giả đã viết: “Đức Phật dạy rằng tất cả chúng ta đều bị giam hãm trong nhà tù của thân thể và tâm thức. Vì không hiểu được bản chất chân thực của mình nên ta mất tự do và đau khổ. Phật pháp – những lời dạy của Đức Phật về sự tỉnh thức – là để trao cho ta chiếc chìa khoá để tự giải thoát chính mình, khi bị giam cầm trong tù ngục kiên cố hay là trong tù túng chật hẹp của những cố chấp riêng ta.”
Bởi vậy, đây không chỉ là một cuốn sách viết về và viết cho những người tù, ta dễ dàng nhận thấy ta trong câu chuyện của những người tù, và nhận diện được người tù ở trong ta. Nếu những người tù có thể cảm nhận được tự do và hạnh phúc ngay trong chốn tù đày, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể. Bởi vì khổ đau cần được tiếp nối để có thể tồn tại. Nếu chúng ta ngừng nuôi dưỡng khổ đau, sự gián đoạn sẽ xuất hiện, thức ăn cho khổ không còn, thì khổ đau cũng sẽ chấm dứt.
Thông tin tác giả Cường Lữ
Sinh năm 1986 tại Việt Nam, theo gia đình di cư sang Hà Lan từ thuở nhỏ. Ông đã có 16 năm tu tập tại Làng Mai Pháp Quốc. Hiện tại, ông là người sáng lập Học viện Quốc tế Mind Only chuyên về tâm lý học Phật giáo ứng dụng tại Hà Lan, người sáng lập trường No Word Zen, một dòng thiền dấn thân cho thời đại của chúng ta tại miền Nam nước Pháp.
Sách Đức Phật Trong Tù của tác giả Cường Lữ, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark