Giới thiệu sách
Bước Tới Thảnh Thơi
Sa di nam, tiếng Phạn là Sramanera, và Sa di nữ là Sramanerika. Sa di thường được dịch là tức từ. Tức là chấm dứt, quyết tâm chấm dứt nếp sống hệ lụy và khổ đau. Từ là thương yêu, học hỏi thương yêu mọi người và mọi loài bằng trái tim của một vị Bổ tát, không vướng mắc, không phân biệt. Sa di cũng có nghĩa là cần sách, nghĩa là chuyên cần và luôn luôn được nhắc nhở. Sa di cũng có nghĩa là cầu tịch, nghĩa là mong cầu đạt đến quả vị niết bàn, chấm dứt mọi vọng tưởng, vọng động, phiền não và khổ đau.
Bản chất của đời sống một vị Sa di là sự thực tập mười giới và các uy nghi. Mười giới và các uy nghi đều là những biểu hiện cụ thể của sự thực tập chánh niệm, bởi vì chánh niệm là bản chất của tất cả các giới và các uy nghi, và vì vậy giới và uy nghi cũng là chánh niệm. Nhờ có giới mà ta có định và có tuệ. Sự thực tập giới, định và tuệ đưa ta vào con đường Thánh, giúp ta thực hiện an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Thực tập mười giới và các uy nghi đưa người Sa di tới sự tiếp nhận Giới lớn và Giới Bồ tát.
Giới luật và uy nghi không phải là những yếu tố hạn chế và bó buộc, trái lại đó là những phương tiện bảo vệ tự do cá nhân và tạo nên sự hòa hợp và an lạc cho đoàn thể tu học của mình. Bụt dạy trong năm năm đầu của đời sống xuất gia, ai cũng phải chú tâm đặc biệt tới sự học hỏi và hành trì giới luật và uy nghi. Năm năm ấy là nền tảng cho sự thành công của cả đời sống một người xuất sĩ. Thực tập mười giới và các uy nghi, người xuất sĩ trẻ sẽ nuôi dưỡng hàng ngày được tâm Bồ đề và sẽ không bao giờ cô phụ chí hướng xuất gia cao cả của mình. Chúng ta đã có danh từ cư sĩ có nghĩa là những người sống nếp sống tại gia. Trong quyển sách này, chúng ta sẽ dùng một từ mới: xuất sĩ để chỉ những người đã xuất gia, danh từ này có nguồn gốc từ cụm từ xuất trần thượng sĩ.
Sách Sa Di Luật Nghi Yếu Lược của thầy Châu Hoằng (trụ trì chùa Vân Thê, 1535-1615) viết vào cuối thế kỷ thứ mười sáu, đến nay đã tròn bốn trăm năm. Sách này không còn đáp ứng được một cách đầy đủ những nhu yếu hiện thời của các vị Sa di, cho nên các vị Giáo thọ của đạo tràng Mai Thôn đã quyết định biên soạn cuốn Bước Tới Thảnh Thơi này. Ta biết rằng trong lãnh vực sách giáo khoa, khoa học cũng như văn chương, mỗi năm đều có nhiều tác phẩm mới ra đời để cung ứng cho nhu cầu học hỏi và thực tập. Bốn trăm năm là một thời gian quá lâu. Các vị Sa di không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Trong cuốn này, tất cả những châu báu của các sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu (của thiền sư Độc Thể), Sa Di Luật Nghi Yếu Lược (của thiền sư Châu Hoằng) và Quy Sơn Đại Viên Thiên Sư Cảnh Sách (của thiền sư Quy Sơn), vẫn còn được trân quý và bảo tổn. Tuy nhiên, thêm vào đó, rất nhiều châu báu mới, hoa trái của kinh nghiệm hành trì trong năm mươi năm qua đã được đưa vào sách. Chúng tôi tin tưởng sách này sẽ được các vị Sa di nam và nữ sử dụng, học hỏi và hành trì với rất nhiều hân hoan, vì sách đã được hình thành ngay trong hoàn cảnh của sự thực tập, mà không phải là đã được nghiên cứu và biên chép từ các tài liệu khác. Mong rằng sách Bước Tới Thảnh Thơi sẽ đóng góp được một phần tích cực vào công trình đào tạo ra một thế hệ người xuất sĩ trẻ có khả năng làm mới đạo Bụt và đáp ứng được những nhu yếu học hỏi tu tập của xã hội ngày nay.
Trích dẫn sách Bước Tới Thảnh Thơi
"Này người xuất gia trẻ, tôi có thể nhận ra em từ lúc em còn
chưa xuất gia. Nhìn em, tôi biết trong em có hạt giống tốt của người xuất gia, và tôi thường tâm tâm niệm niệm để em có đủ nhân duyên đi xuất gia sớm. Em đã xuất gia rồi, tôi mừng biết mấy. Tôi làm đủ những gì có thể làm để tạo điều kiện cho em được học, được tu, được nuôi dưỡng chí hướng của em. Tôi xót xa khi thấy em buồn khổ. Tôi vui mừng hạnh phúc khi thấy em hạnh phúc. Tôi hãnh diện khi thấy em giúp được gia đình, giúp thầy em xây dựng tăng thân, và mang hạnh phúc đến cho người. Tôi mong ước nuôi dưỡng được em như những chiếc lá đầu của cây chuối nuôi dưỡng những cuộn lá kế tiếp nằm trong lòng cây chuối. Mới thọ giới Sa di, Sa di nữ hay đã thọ giới lớn, em đang mang chí hướng của Bụt, mang lý tưởng Bồ tát đi vào đời. Em là niềm tin cậy của tôi, là sự tiếp nối của Bụt, là bảo bối của Pháp, là tinh hoa của Tăng. Tâm sự được với em hôm nay, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi không bi quan, không lo lắng, bởi vì tôi có đức tin nơi em. Tôi sẽ có mặt bên em mãi. Tay em trong tay tôi, tay tôi trong tay Bụt, chúng ta hãy vững chãi đi về tương lai." - Thích Nhất Hạnh
Mục lục sách Bước Tới Thảnh Thơi
- Lời nói đầu
- Thi kệ thực tập Chánh niệm
- Mười giới Sa di (nữ)
- Bốn mươi mốt thiên uy nghi
- Lời cảnh giác và khích lệ của thiền sư Quy Sơn
- Nói với người xuất gia trẻ
- Viết thêm cho người xuất gia trẻ
- Nguồn gốc và nội dung sách Bước Tới Thảnh Thơi
- Nghi thức tụng mười giới
- Năm cái lạy
- Ba cái lạy
- Bước Tới Thảnh Thời
Thông tin tác giả Thích Nhất Hạnh
Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, là một thiền sư, giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam. Ông sinh ra ở Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, ông đã sống tại Pháp hơn 40 năm. Ông đã về nước và hiện sống tại Huế kể từ năm 2018.
Thích Nhất Hạnh được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Việt Nam: Hoa sen trong Biển lửa (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) của ông xuất bản năm 1967. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Sách Bước Tới Thảnh Thơi của tác giả Thích Nhất Hạnh, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark