TẤT CẢ DANH MỤC

Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng)

Miễn phí giao hàng

  • Giá bán: 640.000 ₫ 800.000 ₫
  • Tiết kiệm: 160.000 ₫-20%

Bộ sách gồm 2 cuốn:

  1. Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX (487 trang) Đọc thử
  2. Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp (740 trang) Đọc thử

Khuyến mãi & Ưu đãi tại NetaBooks:

  1. MIỄN PHÍ GIAO HÀNG cho đơn hàng từ 150.000đ ở TP.HCM, 300.000đ ở Tỉnh/Thành khácXem chi tiết
  2. Mã giảm CHAO2025 - GIẢM THÊM 5% CHO ĐH từ 299k
  3. Mã giảm NETA100K - GIẢM 100k CHO ĐH từ 1.499k
  4. Bao sách miễn phí (theo yêu cầu)Xem chi tiết
100% Sách thật
Đổi trả miễn phí nếu hàng lỗi
  • Tác giả:

  • Dịch giả:

    Nguyễn Duy Chính;
  • Ngày xuất bản:

    05 - 2022
  • Kích thước:

    16 x 24 cm
  • Nhà xuất bản:

    NXB Tổng hợp TP.HCM
  • Hình thức bìa:

    Bìa cứng
  • Số trang:

    1227

THÔNG TIN SẢN PHẨM

Giới thiệu sách Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng)

Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn; Bìa Cứng) -; Nguyễn Duy Chính Long Chương

1. Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX

Một khảo cứu mới của TS. Nguyễn Duy Chính, đầy ắp thông tin về một giai đoạn éo le của lịch sử cận đại Việt Nam. Bài này sẽ được in trong sách QUAN HỆ VIỆT - THANH THẾ KỶ XIX: TƯ LIỆU VÀ BÌNH LUẬN, do Tao Đàn Thư Quán liên kết với Nxb Tổng hợp TPHCM xuất bản, sẽ phát hành vào tháng 4/2022.

TỪ TỜ CHIẾU CẦN VƯƠNG ĐẾN LÁ THƯ CẦU VIỆN CỦA VUA HÀM NGHI

Bài của TS. NGUYỄN DUY CHÍNH

1. CHIẾU CẦN VƯƠNG

Ngày mồng 9.4. 2018, công ty La Gazette Drouot tại Paris có bán đấu giá một số cổ vật Đông Dương trong đó có một tờ chiếu của vua Hàm Nghi kêu gọi người dân Việt Nam hợp lực nổi lên đánh đuổi người Pháp với giá phỏng định khoảng 5.000 đến 8.000 euro.(1)

Từ những chi tiết kèm theo thì từ một bản dịch năm 1890, tờ chiếu này có nhan đề Grande Proclamation Imperiale Dressee Aux Officiers Et Aux Masses Populaires De La Resistance Du Sud (Chiếu gửi quan dân nổi dậy ở miền nam) được ban bố ngày mồng 1 tháng Sáu năm Hàm Nghi 5 nhằm ngày mồng 3 tháng Juillet năm 1889 dương lịch, nội dung vua Hàm Nghi gửi lời kêu gọi nổi lên chống Pháp với sự giúp đỡ của nước Đức (L’ Empereur Ham Nghi, Lance Un Appel A La Resistance Contre La France Avec L'aide De l’Allemagne). Tờ chiếu này do nhà cầm quyền Pháp lấy được năm 1889.

Ngoài chiếu thư, chúng tôi cũng phiên dịch một văn bản khác yêu cầu nhà Thanh giúp cho việc thiết lập một căn cứ ở Bảo Lạc, Mục Mã là đất giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa để làm nơi nương náu. Cứ như nội dung và sự tình lúc bấy giờ, việc tìm một mảnh đất “hương hỏa” có thể coi như biện pháp sau cùng của triều đình Hàm Nghi, tương tự như gần 100 năm trước khi người nhà Lê xin vua Càn Long yêu cầu vua Quang Trung dành cho họ một nơi nương náu, không khác gì nhà Mạc thuở nào xin nhà Minh một mảnh đất ở Cao Bằng để dung thân mà không bị đối phương làm hại.

So sánh với hoàn cảnh chung của những triều đại thất thế, từ Mạc, Lê, Tây Sơn, Nguyễn thì chúng ta thấy tất cả đều đi theo giải pháp “chạy sang Tàu cầu cứu” và nếu việc nương nhờ quân sự không khả thi thì biện pháp sau cùng là xin cho một vùng ở sát biên giới hương khói tổ tiên.

Xuyên qua lý giải này, chúng ta có thể nhìn lại tờ chiếu Cần Vương mà người Pháp tìm thấy và cảnh ngộ của những vong thần nhà Nguyễn đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn khi an tháp ở Trung Hoa. Cho nên, việc nhận định về hai văn bản này đều dựa vào hoàn cảnh thực của những người soạn thảo - tức nhóm Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích - chứ không liên quan gì đến bản thân vua Hàm Nghi, khi đó đang ở trong tay người Pháp và không còn liên lạc gì với các nhóm Cần Vương đang hoạt động.

1.1. Đính chính một vài sai lầm

Những chi tiết trên thông cáo trong quảng cáo của La Gazette Drouot có vài điểm cần đính chính. Theo ngày tháng đề trên tờ chiếu chúng tôi đọc được thì là ngày mồng 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi thứ 5 (chứ không phải ngày mồng 1). Trên những văn thư quan trọng số 6 (六: lục) đều dùng chữ lục kép (陸) để người khác không thể chữa được. Chữ này khác với chữ nhất kép (壹) mà người ta đã đọc nhầm. Sở dĩ tờ chiếu được xem là kêu gọi người nổi dậy ở phương nam vì nội dung bao hàm ý là nhà vua đã chạy được sang Trung Hoa và từ đó gửi lời hiệu triệu cho thần dân ở trong nước.

Cũng một chữ khác, Đức quốc trong bản văn mà nhà vua nêu ra không phải là nước Đức ở Âu châu (Allemagne) mà là một chữ tôn xưng Trung Hoa. Đức có nghĩa là vĩ đại, tương tự như Đức Phật, Đức Chúa… mà người ta vẫn gọi. Chỉ cần suy nghĩ bình thường chúng ta cũng loại trừ được khả năng triều đình Hàm Nghi có thể sang Đức cầu viện trong lúc này.

Sửa lại những chi tiết về ngày tháng, chúng ta có thể kết luận rằng tờ chiếu này được ban bố ngày mồng 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi thứ 5. Theo Đại Nam thực lục, đệ ngũ kỷ, quyển V thì ngày Quí Mùi (tức ngày 11) năm Giáp Thân (1884) tháng Sáu, mùa hạ “quần thần rước tự quân đến điện Cần Chính nhận bảo tỉ truyền quốc và áo bào muôn năm nối ngôi, dâng thư rước lên ngôi vua … Giáp Thân (tức ngày 12), Tự quân lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy sang năm là Ất Dậu (1885) làm năm Hàm Nghi thứ nhất, ban bảo chiếu cho khắp trong ngoài …”.(2)

Tính ra như thế, ngày vua Hàm Nghi lên ngôi là ngày 11 tháng Sáu năm Giáp Thân, nhằm ngày mồng 1.8.1884. Ngày tờ chiếu này được ban bố là ngày 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi 5 (Kỷ Sửu), nhằm ngày 3.7.1889. Tuy nhiên, vua Hàm Nghi đã bị Pháp bắt từ cuối năm 1888 mặc dầu ngày được ban bố có thể khác với ngày đã soạn tờ chiếu này.

Sử nước ta chép rằng vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết và các người thân tín đưa vào trong rừng núi vùng biên giới Lào Việt để tổ chức một chiến khu. Sau mấy năm lẩn trốn trong rừng, vua Hàm Nghi bị nội gián nên người Pháp đã tập kích và bắt được ông rồi đem sang Algérie an trí. Ông ở đây cho đến khi qua đời.

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, họ Nguyễn Phúc nhưng khi lên ngôi thì lấy theo kim sách qui định từ thời Minh Mạng nên lấy tên là Nguyễn Phúc Minh gọi là “lễ thay tên”.(3) Ông cũng còn một biệt hiệu tự đặt khi vẽ hay viết là Tử Xuân. Theo Amandine Dabat trong Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger (Paris: Sorbonne Université Presses, 2019), căn cứ trên một bản báo cáo của đại uý Boulangier là người chỉ huy cuộc vây bắt thì vua Hàm Nghi bị bắt ngày 29.10.1888 mặc dù tài liệu Việt Nam có những ghi chép khác hơn.(4)

Sau khi bị bắt, vào khoảng ngày 22.11.1888, vua Hàm Nghi bị đưa đến Thuận An để Viện Cơ Mật xác định được chính là ông rồi từ đó ông bị đưa đi Đà Nẵng đêm hôm 24.11.1888. Từ lúc bị bắt, nhà vua giữ im lặng, không xưng tên hay biểu lộ thân thế của mình. Vì ông không nhận mình là vua Hàm Nghi nên người Pháp phải cho gọi những người trong triều, các thị thần và thân nhân đến nhận diện.(5) Để ngụy trang, ông vua trẻ làm như một người dân thô lỗ không biết lễ nghi triều đình nhưng người Pháp có hơn một cách để xác định chính là cựu hoàng. Lúc đầu họ định an trí ông ở Saigon để ông đứng ra kêu gọi những nhóm cần vương giải tán nhưng sau đó thấy việc đó có thể gây ra bất lợi nên họ đưa ông sang Algérie.

Tuy dùng niên hiệu Hàm Nghi, những dụ chỉ hay hịch văn của nhóm người theo ông vào lập chiến khu trong rừng thường không phải do ông ban bố. Khi chạy ra khỏi hoàng thành, nhà vua mới có 14 tuổi, mọi việc đều ở trong tay quan phụ chính Tôn Thất Thuyết nên chúng ta hãy coi như đây chỉ là nhân danh, dù đúng, dù sai ông cũng không dự phần.

1.2. Diễn tiến giao thiệp với nhà Thanh

Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, những người đi theo liền phát hịch đi các nơi kêu gọi dân chúng nổi lên đánh Pháp. Ngày 16 tháng Một năm Quang Tự 11 (1885), vua Hàm Nghi sai Hoàng Tá Viêm (黄佐炎), Nguyễn Quang Bích (阮光碧) đem quốc thư chia làm hai đường sang Vân Nam và Quảng Tây để báo với nhà Thanh và xin giúp đỡ.

Cuối năm Ất Dậu (1885) quan nhà Thanh đã biết tin về biến động tại Huế. Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động điện cho Tổng Lý Nha Môn ở Bắc Kinh: “Hàm Nghi mới dời ra Cam Lộ, lại chạy sang phủ Trấn Trại, nghĩa quân nổi lên khắp nơi, giáo dân cũng chống lại người Pháp”.(6)

Tổng đốc Vân Quí Sầm Dục Anh, và nội các học sĩ Chu Đức Nhuận tâu lên:

“Cứ như thượng thư bộ Lễ của Việt Nam là Nguyễn Quang Bích kể ra thì Việt Nam đã suy tôn con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Minh bị người Pháp ép đuổi đi nên chạy sang Quảng Trị, hiệu triệu chư quân ứng nghĩa ở Bắc Kỳ để cố sức hưng phục, rồi lại chạy ra Nghệ An, Hà Tĩnh, chặn giữ những nơi hiểm yếu để cố thủ, dân chúng đi theo càng nhiều. Người Pháp biết thần dân hạ quốc chưa quên chủ cũ, khó mà tự lập nên đến tháng Tám, Quang Tự 11 (1885) cùng với bọn phản thần Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Hữu Độ ủng lập con nhỏ của tiên quốc vương là Nguyễn Chánh Mông, chiếm cứ Phú Xuân, cải hiệu Đồng Khánh nhưng dân chúng không theo”.

Nguyên tổng đốc Sơn Hưng Tuyên sung hiệp thống quân vụ của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận (阮廷潤), nguyên Lạng [Sơn] [Cao] Bằng tuần phủ sung tham tán sự vụ Lã Xuân Uy (呂春葳), Sơn Tây tuần phủ tham tán quân vụ Nguyễn Văn Giáp (阮文甲)… cùng với các thân hào kỳ lão ở Bắc Kỳ cũng gửi thư cầu xin Trung Quốc viện trợ để mưu tính việc khôi phục.

“… Bọn chúng tôi phụng mệnh vua của hạ quốc, tập hợp thân hào trung nghĩa ở Bắc Kỳ, tuỳ cơ mà đánh hay giữ, nay lo liệu lương thực để đợi thiên binh.

Hiện nay sĩ dân các tỉnh của hạ quốc là Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên hưởng ứng, hễ chúng đưa phu dịch đi chuyên chở binh lương đều không ai chịu theo. Còn như các binh lính đã chiêu mộ và phủ huyện thuộc về chúng nay cũng đều quay về. Gần đây ở Thạch Sơn, Cảnh Lộc mấy lần thắng được địch, họp thành đoàn tập luyện, liên lạc lẫn nhau để cùng làm việc. Người Pháp ra lệnh nhưng không nghe theo, từ Nghệ Tĩnh về phía nam, sĩ dân các tỉnh đều nổi lên chiếm giữ các nơi để chia thế của giặc.

Liên tiếp có quốc tang, vua trẻ kế vị, nguy thay sáng không lo nổi buổi chiều, chỉ sợ một ngày sụp đổ, để thiên triều phải lo, chống đông, đỡ tây, không được ngày nào rảnh tay. Lại thêm giống người kia tìm đủ cách để chặn đường sứ giả, e rằng bầy tôi nước Sở khóc đấy nhưng không được khóc ở sân nước Tần, chim nhạn đất Lỗ ai oán kêu than, nhưng đâu vang tới tận nước Tấn?

Quốc vương nước tôi một thân mang nặng trách nhiệm triều đình xã tắc, đâu có thể ngồi mà chờ mất, đành phải chạy ra mà lo giữ nước”, “như bọn kẻ dưới chúng tôi, nước vỡ vua dời đi, phận mình chỉ còn một cái chết, thế nhưng chưa dám chết, vì chưng vua cũ trước đây, một lữ có thể lấy lại nước, nghìn nhà có thể còn nước Việt, dựa vào núi non hiểm trở để cùng với quốc vương nước tôi lo việc sống còn”. Nếu như “đại binh sớm tới, mặt trời lại lên, không phải chỉ là quốc vương nước tôi, mà miếu xã cũng được trở lại vậy”.(7)

2. LÁ THƯ CẦU VIỆN

Hiện nay, trong bộ Trung Pháp Việt Nam giao thiệp đáng còn có những văn bản của triều đình Hàm Nghi liên lạc với nhà Thanh.( Theo những chi tiết, chúng ta thấy có hai giai đoạn mà mỗi thời kỳ thì sự trông đợi của nhóm Tôn Thất Thuyết có khác.

Khi vừa đem triều đình chạy ra Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết liền cho người sang cầu viện nhà Thanh, yêu cầu họ xuất quân đánh Pháp để quân Việt Nam hưởng ứng và nổi lên ở trong nước, tạo ra thế người Pháp phải đối phó với sự chiến đấu ở nhiều nơi. Đó là nội dung tờ bẩm ngày mồng 6 tháng Một, năm Ất Dậu (1885).

2.1. Tờ bẩm của vua Hàm Nghi xin nhà Thanh xuất quân giúp đánh Pháp (tháng Một, Ất Dậu 1885)

Ngày mồng 6 tháng Chín (năm Quang Tự 12, 1886), tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động gửi tấu thư lên Thanh triều trong đó có chép lại một số văn thư của “triều đình lưu vong” và một tờ bẩm của quốc vương Nguyễn Phúc Minh, có lẽ đây là bản đầu tiên [viết từ tháng Một năm Ất Dậu (1885) và do các quan chuyển sang Trung Hoa tháng Giêng năm Bính Tuất (1886)]. Khoảng nửa năm sau, không thấy hồi âm, các quan Việt Nam ở miền bắc [có lẽ theo lệnh Tôn Thất Thuyết] lại gửi sang một tờ bẩm để nhắc lại lời thỉnh cầu, trích lục ra như sau:

… Con thừa tự của tiên quốc vương nước Việt Nam Nguyễn Phúc Thì là Nguyễn Phúc Minh kính cẩn bẩm lên Quảng Tây phủ bộ viện thiên triều đại nhân các hạ xem xét. Xét hạ quốc vốn được thiên triều vun trồng, ban cho chức phận một phương đã mấy trăm năm qua. Tiên phụ Minh tôi là Nguyễn Phúc Thì đã bị bệnh qua đời vào tháng Sáu năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), người trong hạ quốc đưa em ông ta là Nguyễn Phúc Thăng (阮福昇) [Hiệp Hòa] trông coi việc nước, được bốn tháng, Nguyễn Phúc Thăng tự thấy thân thể bệnh tật không kham nổi nên nhường lại cho con kế nghiệp của cha tôi là Nguyễn Phúc Hạo (阮福昊) [Kiến Phúc] lên kế nghiệp, đó chính là thân huynh của Minh vậy.

Ấy là vào tháng Sáu và tháng Một năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), mọi việc đã bẩm lên cho tổng đốc Lưỡng Quảng đại nhân và Vân Quí đốc bộ đường đại nhân khẩn khoản xin đề đạt cửu trùng ở xa không biết đã lên tới chưa.

Đến tháng Sáu năm Quang Tự 10 (Giáp Thân, 1884), tiên huynh của Minh là Nguyễn Phúc Hạo bị bệnh chết, di chúc cho Minh theo thứ tự mà lập nên, nối tiếp sự nghiệp của cha Minh, lo liệu việc nước để đợi ân mệnh.

Nay các tỉnh ở Bắc Kỳ của nước tôi đều bị người Pháp chiếm cứ, cửa biển dọc theo duyên hải đều bị họ phong cấm, thuỷ lục đều bị bế tắc, nạn gấp của hạ quốc, không thể bề trên không nghe đến. Thế nhưng trong mấy năm qua người Pháp thường gây sự với hạ quốc, tháng Bảy năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), toàn quyền Pháp Hà La Mang (Harmand) đem binh thuyền xông vào bên ngoài đô thành của hạ quốc là cửa biển Thuận An, công phá các đồn luỹ, ép phải ký hiệp ước 27 điều khoản để đổi điều ước cũ năm Giáp Tuất (1874).

Khi đó tang sự của tiên phụ vương Minh này là Nguyễn Phúc Thì chưa xong, trong ngoài đều sợ không thể không theo. Đến tháng Năm năm Quang Tự 10 (Giáp Thân, 1884), tiên huynh vương của Minh [Kiến Phúc] đang lúc bệnh nặng, toàn quyền Pháp là Ba Đức Na (Patenôtre) lại đem thêm binh thuyền vào cửa Thuận An, bộ binh đột nhiên tấn công đô thành của hạ quốc, ép đổi lại hoà ước khác thay cho các điều khoản Hà La Mang đã định, lại ép lấy nguyên phụng tích phong quốc ấn đem nấu chảy. Y lại ép phải cho đem binh vào đóng ở trong thành nội và phế bỏ quan lại đang ở các tỉnh Bắc Kỳ, ép mấy vạn dân đinh xua ra chiến địa.

Mấy lần binh của thiên triều sang giúp đỡ thì hễ đến nơi nào, hoặc là lương thực trên đường đi, hoặc theo quân để nấu ăn, hoặc thông hỏi tin tức để do thám thì đầu bắt hết một lượt, dân chúng nhiều phần bị thiêu giết cực tàn khốc. Người Pháp ở nước tôi lúc đầu tàm thực, sau muốn nuốt chửng. Mấy năm nay nhờ có thiên triều ra lệnh cho tướng đem quân qua để chủ trì nên họ cũng còn có chỗ e dè, đến khi thua trận mấy lần nên đành phải xin hoà và được chấp thuận, tưởng bọn họ sẽ mãi mãi không còn dám đè nén hạ quốc, mà tuân theo những điều khoản trong hoà ước, thế thì vua tôi hạ quốc cũng thật may mắn vậy.

Nào ngờ bọn họ nhân thế mà đắc chí, tháng Năm năm nay (Ất Dậu, 1885), đô thống của họ đột nhiên tăng thêm binh thuyền đưa tới, hợp với những thuyền đã có từ trước, tính chuyện bức chiếm để bảo hộ. Từ đó hành hoành hung bạo, thế không nhịn được nữa nên ngày 22 tháng đó cùng với bọn họ giao chiến, ước chừng 4 giờ, giết được số đông bọn chúng. Không ngờ chúng bắn đại pháo kịch liệt, sức của hạ quốc không chống nổi nên phải dẫn bầy tôi, chạy ra các tỉnh dựa vào núi mà đóng quân, kêu gọi dân chúng, bầy tôi trong nước lo chuyện chống lại.

Đến tháng Sáu (Ất Dậu, 1885) lập tức gửi thư kể rõ tình trạng bẩm lên quí phủ bộ viện đại nhân, cùng với Vân Quí đốc bộ đường đại nhân, cứ thực tình mà xin giúp đỡ. Thế nhưng đường sá khó khăn, e rằng chưa tới được. Nay Minh này đang đóng trong vùng núi non tỉnh Hà Tĩnh [cách Bắc Kỳ bẩy tám ngày đường], thân hào các tỉnh đều thiết tha nhớ cũ nên đều tụ tập nghĩa binh đứng lên. Từ Thanh Hoá, Ninh Bình trở về bắc thì bị binh thuyền của họ chiếm cứ, hiệu lệnh khó thi hành nên sức lẻ loi khó mà tự lập, vậy mong tích phong quốc ấn như tổ tiên ông cha của Minh này từng nhận của thiên triều vậy.

Khi anh của Minh còn tại thế, quốc ấn cũng không giữ được, nay lại không bảo vệ được đô thành, đắc tội rất nhiều. Gần đây người Pháp lại ủng lập người khác lên làm quốc trưởng, cùng ở đô thành, mọi điều khoản đều tuân theo, thật là khinh khi coi rẻ tiểu quốc. Lại dám khinh mạn giềng mối của thiên triều, thật công pháp của các nước không thể nào dung tha được. Minh tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng còn chút trí năng, không thể không cố gắng. Thế nhưng đang lúc bôn ba nếu không dựa vào cái đức tái tạo của thiên triều thì không thể nào mưu tính gì được.

Vậy trông lên quí đại thần xem xét cái tình hình bức thiết của nước dưới, theo như thế mà thay mặt tâu xin cho, may được dụ chỉ chấp thuận mà ra lệnh cho tướng xuất quan, kể tội đánh dẹp. Hạ quốc nguyện hết sức đem quân sĩ mà đi theo. Lại mong được xá tội ban cho phong chương (quốc ấn phong cho) để dựa vào ân sủng mà hiệu lệnh người trong nước, thu phục cương thổ để được mãi mãi làm ngoại phiên mà giữ vững được lòng nhân nuôi nấng kẻ nhỏ của thiên triều, cái nghĩa cứu kẻ bị tai ương, vỗ về người bị nạn. Như thế thì không phải chỉ một mình Minh này ghi lòng tạc dạ không quên, mà trăm họ hạ quốc cũng đều đội ơn vô hạn vậy.

Nay xin hết lòng thành thật giãi bày tội để xin lệnh trên, tự biết là mạo muội quấy rầy, gửi thư không khỏi không trông ngóng. Thêm nữa quốc ấn đã bị bọn chúng ép lấy mất rồi nên điểm chỉ để giao cho tỉnh Lạng Sơn đệ nạp cho khỏi trở ngại mong được xét đến mà sớm ban cho phúc thư. Nay cúi bẩm.

Quang Tự 11 (Ất Dậu, 1885), ngày mồng 6 tháng Một.

Nguyễn Phúc Minh.(9)

2.2. Tờ bẩm xin được cho sống tại Mục Mã, Bảo Lạc (khoảng nửa sau năm Bính Tuất, 1886)

Theo lời trình của Trương Chi Động thì tiền tổng đốc Sơn Tây của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận (阮廷潤) đã sai người là Vũ Khắc Khoan (武克寬) thay mặt đem sang Quảng Tây một tờ bẩm nhân danh các quan ở Bắc Kỳ nhưng có lẽ là lời của Tôn Thất Thuyết (con dấu tham tán quân vụ), nguyên văn như sau:

“… Tiền tỉnh lại Sơn Tây của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận, tỉnh lại của Lạng Sơn là Lã Xuân Uy (呂春葳), tỉnh lại Cao Bằng là Nghiêm Xuân Phương (嚴春芳) cúi bẩm lên viên môn tổng đốc Lưỡng Quảng thiên triều Trương đại nhân xem đến.

Hạ quốc hồi tháng Năm năm ngoái (Ất Dậu, 1885) bị người Pháp áp bức nên tự quân nước tôi phải chạy trốn, đã đem tình hình do tổng đốc Vân Quí và tuần phủ Quảng Tây bẩm lên đề đạt nhưng chưa nhận được ân mệnh. Tháng trước ở sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, lại soạn văn bản tuân theo lệ bẩm lên phủ bộ đường tỉnh Quảng Tây.

Đầu năm nay ngày mồng 6 sai người mang đến, bọn hạ chức tuân lệnh phụng nạp rồi sau đó chờ ở Nam Quan nhưng chưa được trả lời, sợ rằng sự việc khẩn cấp chưa đề đạt lên. Tự quân nước tôi chiêm ngưỡng lòng thành thiết tha, không thể tự kêu xin, bọn kẻ dưới nay sao nguyên văn bẩm lên do cung bảo Phùng [Tử Tài] chuyển lên quí bộ đường xem xét mong được coi đến.

Hạ quốc gặp phải nhiều nạn, thần dân không ai là không đau lòng, có điều như lửa cháy tới áo, khó mà tự mình lo liệu được. Tháng Một năm ngoái (Ất Dậu, 1885), bọn chúng tôi cũng đã sai người mời đón tự quân đến vùng Mục Mã, Bảo Lạc, giáp với nội địa, dựa dẫm vào uy linh của thiên triều để mưu tính việc khởi sự lần nữa. Nào ngờ vùng đó hiện nay bị lính dõng địa phương chiếm cứ quấy nhiễu, nhà buôn Mục Mã là Lương Tuấn Tú (梁俊秀) đã dùng lời khuyên nhủ nhưng cũng không đến đâu.

Tự quân nước tôi sống ở Hà Tĩnh đã lâu, súng ống không có cách nào mua được nên muốn đến vùng biên giới Bắc Kỳ, nhưng không có một tấc đất nào yên ổn, sự thế nguy khốn quẫn bách như thế, mong cái lòng bao trùm khắp nơi của hiến đài mà không nhẫn tâm ruồng bỏ. Ngoại trừ bẩm riêng lên phủ bộ viện Quảng Tây xem xét, cũng liều mạo muội bẩm lên để mong chiếu cố tính toán mà tự quân nước tôi được dựa vào những vùng nội địa giáp với Mục Mã, Bảo Lạc thuận tiện cho việc điều động thần dân khôi phục nước cũ mà lệ thuộc vào thiên triều để làm phên giậu lâu dài thì hạ quốc rất là mong mỏi vậy.

Nếu như trông xuống mà thuận cho lời thỉnh cầu này thì xin mau trả lời rõ để dựa vào đó mà chuyển đạt cho tự quân nước tôi tuân theo biện lý. Tình hình nước tôi đang nguy cấp, lời lẽ không được mạch lạc, mong được lượng thứ cho”.(10)

Xem lá thư trước, chúng ta biết được triều đình Hàm Nghi đã yêu cầu nhà Thanh một số điểm sau đây:

  • Xin lại một quốc ấn đã bị nấu chảy ngày 6.6.1884 (13 tháng Năm, Kiến Phúc nguyên niên)(11) để thừa kế vai trò phiên thuộc với nhà Thanh.
  • Xin nhà Thanh cho quân sang, quân Cần Vương sẽ tiếp tay để cùng chống Pháp.
  • Yêu cầu này được viết từ cuối năm Ất Dậu (1885) và gửi sang nhà Thanh đầu năm Bính Tuất (1886) nhưng không được phúc đáp. Chỉ trong khoảng một năm, chúng ta cũng thấy một số biến chuyển như sau:
  • Năm 1885, vua Hàm Nghi chỉ yêu cầu quân Thanh tiến sang và nghĩa binh sẽ nhất tề hưởng ứng nhưng căn cứ của triều Nguyễn vẫn còn ở Hà Tĩnh gần kinh đô.
  • Năm 1886, khi tình hình càng lúc càng quẫn bách, theo tính toán của Tôn Thất Thuyết, ông có ý định lập một căn cứ chiến đấu ở biên giới Trung Hoa rồi di chuyển vua Hàm Nghi lên Bảo Lạc để tiện việc phối hợp lực lượng.

3. AN THÁP NHÓM CẦN VƯƠNG

3.1. Đường lối giải quyết của tổng đốc Lưỡng Quảng

Tuy nhiên, báo cáo của Trương Chi Động lên Tổng Lý Nha Môn vẫn chỉ là tin tức nội bộ của họ, còn việc trợ giúp cụ thể như thế nào cho nhóm Cần Vương của Việt Nam thì nhà Thanh vẫn không hề lên tiếng, chỉ khuyên đãi bôi là nên cố gắng để có một nơi thờ cúng tổ tiên ở trong nước.

“… Xét rằng Việt Nam từ lâu từng là phiên phong, vốn là thần tử của thiên triều. Từ thời Hàm Phong, Đồng Trị đến nay, nước đó mấy lần có giặc giã đều phải nhờ vào vương sư [quân Thanh] tiến đánh tiễu trừ được cả, phù lúc nguy, định lúc nghiêng, nước ta chưa ngày nào quên chuyện đó. Thế nhưng quốc vương nước kia mờ tối [chỉ vua Tự Đức] không biết cai trị giữ nước, năm trước từng cùng người Pháp mấy lần lập minh ước riêng, dần dần ra khỏi phên giậu, mất đất bại binh, tự gây hoạ hoạn.

Năm trước Điền Quế ra quân, bản bộ đường tuân theo dụ chỉ ra sức trù liệu kế sách cho Việt Nam, đưa quân vận lương, tính toán đủ đường nhưng nước kia chẳng hề sai một người, lo một xu đến trước quân bày tỏ bàn tính việc hai bên giáp công. Đợi đến khi đại binh phá địch ở Nam Quan, khắc phục Lạng Sơn, Trường Khánh, cũng không tập hợp nghĩa binh, hiệp trợ quan quân thừa cơ đánh giặc. Trìều đình không nỡ để cho sinh linh phải chịu chinh chiến lâu năm nên mới bằng lòng cùng người Pháp bàn việc nghị hoà, nay cục thế đã định, nước đó đã thuộc về người Pháp bảo hộ.

Gần đây thế vẫn không lên thêm được nên mới bắt đầu xin cứu giúp, xét theo tình cảnh thì thật là đáng thương nhưng cơ hội đã đánh mất rồi, không thể bổ cứu được, minh ước đã rõ ràng đâu có thể nào nói khác được. Việc xin vùng Bảo Lạc, Mục Mã để cho quốc vương nước kia cư trú vốn không có trong điều ước, bản bộ đường thật e ngại không dám tâu lên xin, chỉ có thần dân ở nước kia tính đức lượng sức, đồng tâm hiệp lực cố mà duy trì để giữ được nơi tế tự.

Còn như việc quan Việt Nam là Vũ Khắc Khoan đường sá xa xôi đến đất Việt [tỉnh Quảng Tây] thì trông xuống cái ý hoài nhu của triều đình nên đã cho doanh vụ xứ truyền dụ đến quan nước kia biết rõ ràng, vỗ về cho ổn thỏa, cấp cho lộ phí, sai biền binh hộ tống. Lại phát cho viên quan Việt Nam một tấm hộ chiếu chuyển cho nhận lãnh rồi ra lệnh theo đường biển đến Liêm Châu, từ Thượng Tư, Ninh Minh đi Long Châu trở về Việt Nam. Lại do ti đạo chuẩn bị văn thư trả lời cho tiền tổng đốc Sơn Tây nước đó là Nguyễn Đình Nhuận biết. Hịch này ngoài việc phê phát ra cũng tư trình tương ứng lên quí nha môn, kính cẩn xin tra chiếu thi hành. Chiếu lục niêm đơn”.(12)

Bản án chung thẩm mà Trương Chi Động gửi lên nhà Thanh, tựu trung cũng không khác gì những quan điểm cố hữu hường nhắc đi nhắc lại, từ việc Lê Duy Kỳ chạy sang Trung Hoa đến cách đối xử với anh em Nguyễn Quang Toản. Sau khi chặn hết mọi ngả để người Việt Nam không thể làm gì có thể phương hại đến tình hữu nghị mới giữa Pháp và Trung Hoa, họ Trương lại đưa ra một giải pháp đượm mùi nhân nghĩa của nước lớn. Đó là an tháp nhóm Tôn Thất Thuyết ở Quảng Tây.

3.2. Định cư nhóm Tôn Thất Thuyết

Có lẽ sau khi nghe tin vua Hàm Nghi đã bị Pháp bắt và tình hình càng lúc càng bi quan, Tôn Thất Thuyết và ban tham mưu của ông đành phải đánh nước bài sau cùng là lẻn sang Trung Hoa trực tiếp cầu viện. Không thấy tài liệu nào nói ông rời vua Hàm Nghi để ra đi từ bao giờ, chỉ biết rằng ông theo đường núi ra Thanh Hoá, ngược dòng sông Mã lên Lai Châu, sang Vân Nam và được tổng đốc Vân Nam đưa sang Quảng Tây. Những gì xảy ra sau đó được tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động tâu lên Thanh đình để trình bày việc nhóm người Việt Nam được an tháp ngay tại Long Châu. Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động [張之洞] gửi văn thư ngày mồng 8 tháng Một (11) [năm Quang Tự 15, 1889] nói rằng:

“Chiếu theo những việc từ trước, các quan Việt Nam Nguyễn Phúc Thuyết [阮福說], Trần Xuân Soạn [陳春撰], Nguỵ Khắc Kiều [魏克喬], Trần Chi Đống [陳之棟], Hồ Quỳnh [胡瓊] dẫn theo binh dịch 10 người đến tỉnh Việt [Quảng Đông, Quảng Tây] khai rằng bị người Pháp giảo quyệt khinh thị, hung hăng càn rỡ, bắt bớ trả thù nên vì thế mà phải đề đạt lên xin giúp đỡ. Việc này đã bàn luận từ lâu và định rằng khó có thể chuẩn thuận được nên đã sức cho cục phát ngân 500 lượng và ra lệnh cho lập tức quay về nước.

Thế nhưng quan nước Việt bẩm rằng đường đi khó khăn không cách nào trở về được nữa nên xin ở lại Khâm châu tuỳ tiện sinh sống, cấp cho lương ăn khỏi đói khổ. Nay việc hoạch định biên giới ở Khâm châu đã hoàn thành mà vùng giáp Hoa - Việt thì kẻ cướp qua lại rất nhiều nếu như bảo họ đến đây sinh sống thì việc phòng phạm khó mà chu toàn e rằng sẽ sinh rắc rối.

Thế nhưng đám quan nước Việt kia nay vào đường cùng không còn chỗ nào về không thể không rộng lượng cho an tháp nên đã ra lệnh cho tạm sống ở trong tỉnh và sức cho cục cấp phát cho họ đồ ăn và tiền tiêu vặt, mỗi tháng tất cả 57 lượng 3 tiền 6 phân. Lại ra lệnh cho phó tướng chịu trách nhiệm hiệp Quảng Châu phái binh dũng đến nơi các quan người Việt ở đi tuần tra xét, không để cho họ được qua lại lai vãng với người ngoài, nay những người Việt đó sinh sống tại tỉnh cũng đã yên thân.

Có điều khuôn viên tỉnh lại gần kề với cửa biển nơi mà người Trung Hoa người Tây Dương lẫn lộn, ở tại trong vịnh thì sáng tối lúc nào cũng có kẻ ra người vào, rất là phồn tạp, việc phòng phạm khó khăn, không thể không sinh chuyện nên không thể để tại Khâm châu mà nơi khác cũng khó an tháp. Chỉ có ở địa phương La Định là nơi không có đường đi thông suốt, hẻo lánh xa xôi mà dân chúng cũng hiền lành nên đã sức cho hiệp phó tướng Quảng Châu phái binh dũng hộ tống các quan Việt Nam đến nơi đó sinh sống và ra lệnh cho văn võ phụ trách ở tỉnh thành ước thúc đề phòng, phái binh lính luân chuyển tuần phòng quan sát, không để cho họ giao thiệp với những người qua lại hay từ bên ngoài đến đây. Lại cũng cấm không cho tự ý rời khỏi châu thành để đến ở một nơi khác.

Nhà cửa cho họ ở thì do châu đó thay mặt thuê mướn còn tiền ăn và tạp dụng mỗi tháng phát cho 57 lượng 3 tiền 6 phân và thêm cả tiền thuê nhà thì do châu ấy lấy tiền thuế quế mà cấp cho. Số người thì chỉ hạn cho 15 người lúc đầu đến đây không được tăng thêm. Tuỳ thời mà hiểu dụ bọn quan người Việt rằng nên biết an phận theo định mệnh chứ đừng mong mỏi chuyện giúp đỡ gì khác.

Vậy châu đó và doanh hãy thay phiên trông chừng, để họ khỏi bỏ đi mà không báo hay đến nơi khác gây rắc rối.

Còn việc các quan văn võ châu đó hỏi thì trừ việc phân biệt trên giấy tờ, các quan Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) tương ứng theo danh hàm mà mỗi ngày cấp phát tiền ăn uống, tiêu pha theo danh sách trình lên.

Đây là danh sách gửi quí nha môn, kính cẩn xin tham chiếu để thi hành:

Chiếu lục niêm đơn, sao tên tuổi quan Việt Nam và người đi theo, cùng tiền ăn theo ngân số.

(xem bảng ở ảnh 7)

Tất cả trên đây tính cộng lại mỗi tháng tiền ăn là 51 lượng 6 tiền.

Mỗi tháng lại cấp cho tiền dầu đèn và lặt vặt 5 lượng 7 tiền 6 phân.

Tổng cộng chi mỗi tháng là 57 lượng 3 tiền 6 phân.(13)

4. KẾT LUẬN

Suốt trong mấy năm liền, nhóm Tôn Thất Thuyết vẫn lẩn trốn trong rừng, chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau để tránh sự lùng bắt của Pháp và chờ đợi phản ứng từ phía nhà Thanh. Có lẽ với tin tức ít ỏi, những người kháng chiến Việt Nam không biết rằng nhà Thanh và Pháp đã giảng hoà và bận rộn với việc thi hành hiệp ước Thiên Tân (1885). Đến năm 1888 thì tình hình giữa người Pháp và Trung Hoa đã không còn thế đối đầu như hồi năm 1883 khi vua Tự Đức mới mất.

Sau những trận hải chiến khốc liệt ở ngoài biển Phúc Kiến và Đài Loan, nhà Thanh biết rằng họ không mạnh như đã tự lượng giá. Sự thất thế quân sự đưa nhà Thanh tới việc thoả hiệp với Pháp và từ bỏ can thiệp vào Việt Nam cũng là một trong những đổi chác có lợi cho họ, vừa ngoa ngôn với quốc dân rằng “chấp thuận cho người Pháp cầu hoà”, vừa nhân đó đòi hỏi một số yêu sách (như việc không phải trả chiến phí cho người Pháp, chuyển giao một số kỹ thuật về điện và đường sắt, và nhất là để đổi lấy một số ưu đãi thuế má và thương mại, người Pháp sẽ nhường cho họ một số đất đai ở Bắc Kỳ …)

Về phía quân cần vương, tâm lý mòn mỏi nên Tôn Thất Thuyết tìm cách vận động sức mạnh trong nước để chống Pháp xuyên qua việc quyên góp tài lực, vật lực nên đã tung ra bản chiếu thư làm như vua Hàm Nghi đã xuất bôn để phối hợp với quân Thanh ở mạn bắc và kêu gọi toàn dân yểm trợ chống Pháp ở phía nam. Tuy nhiên, thực tế không xảy ra như mong đợi, vua Hàm Nghi thì vì nội gián nên bị người Pháp bắt (khoảng tháng 10.1888) nên chúng ta có thể nghĩ rằng kế hoạch chỉ do Tôn Thất Thuyết và ban tham mưu tưởng tượng ra, căn cứ vào những hiểu biết của họ trong chính sách ngoại giao truyền thống với Trung Hoa.

Còn triều đình Hàm Nghi sau ba năm kháng chiến (1886 - 1889) thì càng lúc càng thêm bi đát. Những thư gửi sang Trung Hoa chỉ như hòn sỏi ném xuống biển hoàn toàn không thấy tăm hơi gì cả. Thực tế lúc đó, nhà Thanh đã ký hòa ước với Pháp và hai bên đang tiếp tục củng cố những giao ước sao cho có lợi nhất, không dại gì tiếp tay với nhóm cần vương của Việt Nam khiến Tôn Thất Thuyết phải đích thân chạy sang Tàu, nhân danh một phụ chính đại thần để xin giúp đỡ.

Những biến chuyển không đồng bộ, tin tức không cập nhật như việc vua Hàm Nghi đã bị bắt từ cuối năm 1888 và tờ chiếu Cần Vương tung ra cũng vào khoảng này khiến cho người sau cảm thấy hoang mang khi nhận định về giả thật của văn kiện, đồng thời kết án Tôn Thất Thuyết đã bỏ chạy để mưu cầu sinh lộ cho riêng mình.

Việc thất thủ kinh đô và những nỗ lực kháng chiến chống Pháp của triều đình lưu vong vẫn là một đề tài được nhiều tác giả nghiên cứu, cả về bản thân của ông hoàng lưu vong lẫn những người theo ông, kẻ bị giết, kẻ lưu lạc sang Trung Hoa.

Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, người Pháp nhanh chóng đưa lên một ông vua mới, dễ điều khiển hơn và bộ máy hành chánh Nam triều vẫn vận hành như một phó sản để hoạt động trên toàn cõi Việt Nam. Về phần nhà Thanh, sau một số đụng độ ở Bắc Kỳ và vùng biên giới Quảng Tây, họ mau chóng nhận ra rằng nếu đàm phán với người Pháp sẽ dễ dàng có thêm một số quyền lợi hơn là tiếp tục đi theo đường lối bí mật liên kết với Việt Nam để chống Pháp hồi cuối đời Tự Đức. Nhà Thanh khi nhắc đến người đứng đầu triều đình Huế cũng gọi là Việt vương (chỉ vua Đồng Khánh), còn một Nguyễn Phúc Minh (Hàm Nghi) thì trước nay họ chưa công nhận và cũng không có lý do gì để công nhận. Đối với nhóm cần vương thì việc ủng hộ của dân chúng cũng chỉ danh nhiều thực ít còn guồng máy quan lại nay ngả sang tân vương, tuy chỉ là một ông vua không có thực quyền nhưng ít ra cũng ban phát cho họ được một số bổng lộc.

Trong giao thiệp giữa Pháp và Trung Hoa, nay không còn đối đầu mà là tương nhượng, bận rộn với công tác thi hành các giao ước của hiệp ước Thiên Tân (1885) trong đó hai khoản quan trọng nhất là khám định biên giới và thiết lập các cửa thông thương giữa Bắc Kỳ với Quảng Tây, Vân Nam. Thế nhưng vì thiếu thông tin hay vì chủ quan vẫn tin vào lòng tốt của thiên triều, nhóm Tôn Thất Thuyết đánh liều vượt biên sang Tàu để toan làm việc “Thân Bao Tư khóc trước sân vua Tần” xin đem viện quân về phục quốc. Chúng ta lại thấy hình ảnh của nhóm Lê Quýnh ngày nào cũng đã từng có tâm tư như thế.

Ở Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi bị quân Pháp xông vào rừng bắt sống và khi biết chắc rằng đây chính là ông hoàng mà họ đang tìm, nhà vua bị đưa sang Alger an trí. Ở Quảng Tây, việc dung túng cho nhóm nhà Nguyễn lưu vong hoạt động có thể đưa tới những bất lợi ngoại giao nên Trương Chi Động đưa những người chạy sang Tàu an tháp, với số lương đủ sống qua ngày.

Ngoại sử kể rằng, Tôn Thất Thuyết nay đã hoá điên, chiều chiều ra bờ sống chém vào những tảng đá nên người Tàu gọi ông là “trảm thạch công”. Khi ông qua đời, có người điếu một câu đối:

Thù nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận

Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, thiên niên tàn cốt táng Long Châu.(14)

(Thù giặc không đội trời chung, vạn cổ danh thơm còn nơi Tượng Quận

Phò vua riêng tìm đất lặng, nghìn năm xương tàn gửi đất Long Châu)

Câu trên có vẻ như khen sự quyết tâm chống Pháp của Tôn Thất Thuyết nhưng câu dưới xem ra có giọng dè bỉu khi nói ông “biệt tầm tĩnh địa”, bỏ vua mà đi lo riêng cho mình. Tuy nhiên xét về thời thế lúc đó, những người chạy sang Trung Hoa thực tế nay là những người tù giam lỏng nên có muốn làm gì cũng đành chịu và phẫn uất của họ không phải là điều đáng ngạc nhiên.

N.D.C.

-----

Phụ lục: Bản dịch Chiếu Cần Vương

Nguyên văn

皇猷大誥南忠官員黎庶週知。

咸宜伍年陸月初陸日。

這大誥密詔嚴正協勦宣誥。

纉承大統,紹述鴻基。 國運屯蒙, 其賊子鯨。

吞勢甚漸。不可偷安。

玆焉密召諸臣。

入機密院。歃血誥誓。

期先攻破金城,次則長驅嘉定。 不意文詳懷二, 而甘露駕遷於此。

君臣再相告誓, 以圖恢復,計决他邦遊援。

奚惜微驅,故不避山海之勞。 冐死親臨大德國求援。

事蒙伊國准允逕囘廣東。 接見官員, 會賚辨白。

朕心倍慰, 蒙恩仍命。 嚴正協勦, 奉旨密告。

凡在耳目, 共悉見聞,則水土之同仇。

不共戴天, 方議賢人, 君子閔辰志氣。

今滅號假虞。

計定清夷早,憑于外國。 苐聚得多人, 無財何養。

朕獨憂之。 知南忠臣。

庶義宜出貲助國。 將名数列于金籍。

他日功成,照数倍還。而償金封户, 不吝原恩勉哉。

將士體此朕心。

欽哉。

Bản dịch:

Đại cáo về kế sách cho quan viên, dân chúng trung thành với nước Nam được biết

Hàm Nghi thứ 5, ngày mồng 6 tháng Sáu

Đại cáo bí mật tuyên chiếu đồng lòng nghiêm chỉnh tiễu giặc

Trẫm

Kế thừa dòng chính, tiếp nối nghiệp lớn, Gặp lúc vận nước truân chuyên.

Giặc mạnh dần dần thôn tính, Không thể ngồi yên.

Đành ban mật chiếu, Cho gọi các bầy tôi vào Cơ Mật Viện.

Cắt máu ăn thề

Trước tấn công vào kinh thành, Sau đó chạy về Gia Định.

Ngờ đâu

Văn Tường [Nguyễn] hai lòng, Cam Lộ đưa vào nơi ấy.

Vua tôi nay lại thề nguyền, Nhất quyết lo toan khôi phục.

Định kế sang nước khác xin giúp đỡ.

Trẫm không tiếc thân cỏn con, Chẳng ngại gian lao trèo non vượt biển.

Liều chết đích thân sang nước lớn cầu viện

May được nước kia bằng lòng, Chấp thuận cho về Quảng Đông.

Tiếp kiến quan viên, cùng nhau bàn bạc.

Trẫm trong lòng an ủi, Được lệnh nghiêm chỉnh cùng đánh giặc.

Nên nhận chỉ hãy bí mật cáo tri

Phàm những ai tai mắt có lòng hiểu biết, Ắt đất nước cùng một mối thù.

Không đội trời chung

Các hiền nhân quân tử có chí khí thương xót,

Trẫm nay kêu gọi giúp đỡ để thanh trừ di tặc, Quét sạch chúng ra khỏi nước.

[Thế nhưng] cần phải đông người, Không tiền tài lấy gì nuôi dưỡng.

Trẫm lấy làm lo

Nếu như bầy tôi trung nghĩa nước Nam, Ứng nghĩa đứng ra trợ giúp.

Để tên tuổi trong sổ vàng, Ngày sau công thành, sẽ chiếu theo sổ mà bồi hoàn lại.

Trả vàng, phong tước, Không quên ơn cũ.

Hãy gắng lên các tướng sĩ, Lòng trẫm như thế.

Khâm tai.

-----

Chú thích:

(1) Theo một nguồn tin cá nhân, tờ chiếu này lọt vào tay một người Việt Nam ở hải ngoại trong kỳ bán đấu giá này.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, tập 9, (Hà Nội: Giáo dục, 2007), 97-98.

(3) Vua Minh Mạng cũng theo phương thức của nhà Thanh nên đặt ra đế hệ, phiên hệ cho các dòng con của mình. Những người được lên ngôi vua sẽ chiếu kim sách mà đặt tên khi đăng quang. Hai mươi chữ vàng là Triền (Thiệu Trị), Thì (Tự Đức), Thăng (Hiệp Hòa), Hạo (Kiến Phúc), Minh (Hàm Nghi), Biện (Đồng Khánh), Chiêu (Thành Thái), Hoảng (Duy Tân), Tuấn (Khải Định), Điển (Bảo Đại), Trí, Tuyên, Giản, Huyên, Liên, Chất, Tích, Yến, Hi, Duyên. Ưng Trình, Việt Nam ngoại giao sử (Sài Gòn : Văn Đàn, 1970), chú thích 2, 44-45.

(4) Amandine Dabat, Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger (Paris: Sorbonne Université Presses, 2019) 37-39; Cố Nhi Tân trong : Tôn Thất Thuyết (1943) [bản in lại 2015] thì ghi là 26 tháng Sáu, Mậu Tí (3.8.1888).

(5) Amandine Dabat, Sđd., 39.

(6) Điện ngày mồng 3 tháng Một, năm Quang Tự 11 (1885). Thanh quí ngoại giao sử liệu, q. 62, 16 (dẫn theo Long Chương)

(7) Long Chương, Việt Nam dữ Trung Pháp chiến tranh (Đài Loan thương vụ ấn thư quán, 1993). Chương 13, chú thích 52, 384, trích theo: A. Thomazi, La conquête de l’Indochine (Paris, 1934). 273-276. [Bản dịch Nguyễn Duy Chính].

(9), (10), (12), (13) Quách Đình Dĩ, Vương Duật Quân (chủ biên). Trung Pháp Việt Nam giao thiệp đáng (tập VI) (Đài Bắc: Trung ương Nghiên cứu viện Cận đại sử Nghiên cứu sở, 1983), (Quang Tự 12, 1886) 3594-3597; (Quang Tự 12, 1886) 3595-3597; (Quang Tự 12, 1886) 3594-3595; (Quang Tự 12, 1886) 3594-3595; (Quang Tự 15, 1989) 3808-3810.

(11) Xem Quốc Ấn, từ An Nam quốc vương đến Việt Nam quốc vương, biên khảo của NDC.

(14) Cố Nhi Tân, Tiểu truyện danh nhân: Tôn Thất Thuyết và những văn thân trong phong trào Cần Vương. (TPHCM: Hồng Đức, 2015), 25-6.

(Theo Ts Trần Đức Anh Sơn)

2. Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp

Nguyên tác bằng tiếng Hoa, xuất bản tại Đài Loan năm 1996, là một biên khảo về cuộc tranh chấp Trung - Pháp vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng lại có liên quan mật thiết đến lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn. Dịch giả Nguyễn Duy Chính đã mất 2 năm để dịch 越南與中法戰爭 sang tiếng Việt và chuyển giao bản dịch (dày 354 trang A4). Dự kiến sách in sẽ dày 740 trang.

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương

1. THAM VỌNG CỦA TRUNG HOA

Khi người Pháp đánh Bắc Kỳ, những trận đánh giữa Pháp và quân triều đình, quân Cờ Đen và quân Tàu đã không vẽ ra được một khung cảnh rõ rệt. Hầu như ít ai tìm hiểu tại sao lại có mặt của nhiều thế lực trên cùng một địa bàn và hậu quả thế nào đối với vận mệnh đất nước. Trước đây, lịch sử ít khi đề cập đến những trao đổi hậu trường giữa Pháp và Trung Hoa để phân chia quyền lợi của họ trên đất nước Việt Nam. Nghiên cứu của Long Chương đã mở ra một hướng nhìn khác hẳn và cho chúng ta thấy trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, vận mệnh của đất nước mình không phải được quyết định ở Hà Nội, Huế hay Saigon mà ở những nơi xa xôi như Paris, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải … Những tranh biện ngoại giao, những nhượng bộ thương mại đưa đến nhiều khu vực biên giới được giữ lại cho nước ta hay thuộc về lãnh thổ của Tàu. Những thương thuyết đó triều đình Huế không được tham dự đã đành mà có khi còn không biết đến, cũng chẳng thấy đề cập đến trong quốc sử.

Trong quá trình đó, Hòa ước Giáp Tuất 1874 là bản lề quan trọng nhất của người Pháp vì triều đình Huế phải nhường 6 tỉnh Nam Kỳ, “ba tỉnh lại chầu ba” như cụ Phan Thanh Giản đã than thở. Hiệp ước này đúng ra chỉ xác định một việc đã có sẵn vì Nam Kỳ đã mất từ 6 năm trước (1868) khi Phan Thanh Giản qua đời.

Tuy Hòa ước Giáp Tuất không mấy nổi trội nhưng chính từ những điều kiện của hiệp ước này đã đưa đến nhiều vấn đề. Quan trọng nhất, người Pháp phủ nhận cái quyền tông chủ của nhà Thanh đối với Việt Nam mà họ vốn chỉ coi là nghi thức ngoại giao, triều cống phương vật để biểu lộ sự phục tòng chứ không phải là một thuộc quốc theo nghĩa hành chánh.

Thế nhưng, một mặt do lòng tham của Trung Hoa muốn giải thích sao cho có lợi, đồng thời tạo một lý do chính đáng để đem quân can thiệp vào nước ta. Cũng chính từ lối giải thích mập mờ của quyền tông phiên [mà nhà Thanh cho rằng cũng không khác gì quyền bảo bộ của người Pháp], cộng thêm sự cầu viện ngầm của triều đình Huế, lấy tiếng là tiễu phỉ, để nhờ người Tàu sang đối đầu với người Pháp ở Bắc Kỳ. Kể từ đó, việc chống Pháp ở miền bắc do quân Thanh và quân Cờ Đen là chính, còn quân của chính triều đình Tự Đức thì lại xuống hàng thứ yếu, đưa đến những thất bại nhanh chóng khi một lực lượng nhỏ của Pháp cũng lấy được nhiều tỉnh trong vùng tam giác châu miền bắc, kể cả cố đô là Hà Nội. Hai vị lão thần Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu chỉ biết lấy thân đền nợ nước để tránh nỗi nhục bị xử án như Phan Thanh Giản ở trong nam.

Có lẽ, đúng như Phan Khoang nhận xét, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế không ý thức được sự yếu kém của mình mà tự lực canh tân, ngược lại còn đi sâu thêm vào việc tự cô lập, theo kiểu tự chui đầu xuống cát. Tác giả Phan Khoang viết:

“… Trong hoà-ước Giáp-tuất, hai khoản thứ ba, thứ tư biếu ta một số tầu, súng, và cấp ta người huấn-luyện quân-sự, kỹ-sư để giúp việc và bầy dậy cho, nếu vua quan ta biết khéo lợi dụng cơ-hội ấy thì có lẽ nước ta cũng đã tiến được một bước trên đường văn minh mới, ngặt vì tinh-thần bài Pháp quá hăng, chưa thấy rõ giá-trị của văn-minh mới, nhất định không chịu bắt chước gì của kẻ địch bầy dạy, nên hoà-ước ký rồi thì Triều-đình bỏ vào tủ, rồi trong mọi việc, đường lối nghìn xưa thế nào thì nay cứ tiếp theo thế mà làm, không chịu tự-tu, tự-chỉnh, tự-tân, tự-cường, cho nên chẳng bao lâu, mảnh đất Trung, Bắc-Kỳ còn lại cũng sa nốt vào lao-lung ngoại-quốc”.

Chúng ta thấy có hai giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 10 năm (1862 - 1874 và 1874 - 1883) nếu biết canh tân có lẽ cũng đi được những bước dài. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy nên gần như Việt Nam đứng tại chỗ, nếu không nói là đi giật lùi. Trong khoảng 20 năm đó, một khoảng thời gian có thể nói là sinh tử đối với vận mệnh của đất nước, triều đình Huế đã không đánh giá được đúng mức nhu cầu cải cách. Không nói gì đến những cường quốc kỹ nghệ, sự canh tân của nước ta xem ra còn kém xa những quốc gia có cùng hoàn cảnh như mình như Xiêm La, Nhật Bản.

Năm Mậu Thìn (1868) có kỳ thi Hội, đề thi “quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn luỹ khắc dân gian, vậy nên đánh hay nên hoà?”.

Vũ Duy Tuân (sau làm ngự sử nên thường gọi là ngự Lạc Tràng) trong bài làm có câu:

朝廷擁百萬之精兵,見義不爲無勇也.(Triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã: Triều đình sẵn hàng trăm vạn quân tinh nhuệ, thấy việc nghĩa không làm thì không phải là dũng vậy).

Vua Tự Đức châu phê vào bên câu này: "(今日請戰,明日請戰,戰而不勝,將置朕於何地. (Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?: Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh, đánh mà không thắng thì để trẫm ở chỗ nào?”.

Một trong những vướng mắc của Việt Nam là nước ta là phiên thuộc của Trung Hoa, mỗi lần thay đổi triều đại, thay đổi ngôi vua thì đều phải có khâm sứ Trung Hoa sang làm lễ thì mới “chính danh định phận”. Mặc dù quyền nội trị, ngoại giao của nước ta vẫn độc lập, có nước nào đến thông hiếu, giao thiệp triều đình Việt Nam đều được tự quyết không phải hỏi ai nhưng khi phải đối phó với sự xâm lăng của người Pháp, vua Tự Đức đã không còn giữ được sự độc lập – dù chỉ là hình thức - mà lại đi theo vết xe đổ của các triều đại trước khi thấy ngai vàng và vương quyền của mình bị đe doạ. Đó là cho người sang cầu viện Trung Hoa.

Thế nhưng triều đình Huế không biết rằng chính Trung Hoa cũng đang gặp nhiều khó khăn về cải cách. Mọi cơ cấu của Thanh đình đều giữ nguyên như cũ, một số cải cách và vận động chưa đi đến đâu. Đứng đầu triều đình là một “đại hoàng đế” còn rất trẻ. Vua Quang Tự lên ngôi năm 1875 khi mới có 3 tuổi, quyền hành nằm trong tay thái hậu Từ Hi. Thế nhưng đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch đang ở ngôi thiên tử và người đàn bà goá kia lại là chỗ cho nước ta bám víu. Điều khoản thứ 2 Hòa ước Giáp Tuất (1874) có ghi:

Đức Giám quốc nước Pháp nhận quyền độc lập của vua nước Nam không phải thần phục nước nào, và hứa khi nào vua nước Nam cần, sẽ giúp đỡ cho để đánh dẹp mà giữ cuộc trị an trong nước, chống với nước ngoài đến xâm lăng và phá tan bọn cướp bóc đương khuấy nhiễu ở một phần bờ biển nước Nam.

Thế nhưng nước ta lại không muốn áp dụng điều khoản này nên vẫn tiếp tục triều cống nhà Thanh theo lệ 2 năm một lần, 4 năm hai lần gộp một.

Để hiện thực hoá cái liên hệ vốn chỉ trên hình thức, nhân dịp có mấy vạn quân đóng trên đất nước ta, nhà Thanh đòi chia đôi để mỗi bên “bảo hộ” một nửa, lấy Quảng Trị làm ranh giới, rồi rút dần lên để trả giá với người Pháp rồi sau cùng đòi hỏi sáp nhập một nửa miền bắc Việt Nam vào thành một khu vực thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Những chi tiết đó không bao giờ được nhắc đến trong lịch sử nước ta vì là những mặc cả ở Paris, ở Thiên Tân, ở Bắc Kinh mà người Việt Nam không hề được biết đến.

Mỗi khi Trung Hoa can thiệp vào nội bộ nước ta, thường là lấy một cái cớ chính đáng thông dụng nhất là bảo vệ một triều đại vốn được công nhận nay đang thất thế. Việc can thiệp đó luôn luôn bị bắt buộc phải trả công cho họ, thường là tự nguyện dâng cho một số đất ở biên giới mà chúng ta đã thấy từ triều Hồ, triều Lê-Mạc, đến triều đại cuối cùng là triều Nguyễn. Việc chiếm đất của nước ta bao giờ cũng được nguỵ trang bằng một sự đồng thuận, tình nguyện, có khi nhân danh trả lại một khu vực nhưng thực ra là chiếm đoạt, là những nỗi hận không bao giờ quên.

Riêng lần này, Trung Hoa đòi phân chia nước ta một cách trắng trợn, một phần của Pháp, một phần cho họ. Từ những đòi hỏi phi lý như lấy sông Hồng làm ranh giới, họ rút về phía bắc nhưng vẫn còn rất rộng. Nếu người Pháp không quyết tâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa - hay ít ra cũng là một xứ bảo hộ Đông Dương thuộc Pháp - thì có lẽ giang sơn của chúng ta ngày nay không còn được như bây giờ, mặc dù cuối cùng cũng mất nhiều nơi giàu khoáng sản qua mấy lần vẽ lại biên giới mà chính triều đình Việt Nam không bao giờ được tham dự, hay không bao giờ lên tiếng vì còn vướng bận trong những vấn đề nội trị (những địa điểm hình sao là đất bị nhà Thanh lấn chiếm).

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương - 2

1.1. Khu vực ở Bắc Kỳ Trung Hoa tranh đoạt với Pháp

Ngay từ 1870, trước khi ký Hòa ước Giáp Tuất thì miền bắc nước ta đã có những lực lượng đông đảo quân Thanh đóng rải rác ở nhiều tỉnh phía bắc sông Hồng. Theo Đại Nam thực lục (quyển XLIII) thì:

“… Trước đấy, toán giặc nước Thanh là Ngô Côn (có tên là Á Chung) trốn sang Cao, Lạng quấy nhiễu, nước ta đưa thư cho quan Tuần phủ tỉnh Quảng Tây đệ lên nước Thanh. Đại hoàng đế nước Thanh [lúc này là vua Đồng Trị] bèn sai Đề đốc Phùng Tử Tài coi đem 31 doanh ra ngoài cửa quan cùng đánh (xuất quan hội tiễu)”.

Như thế, việc quân Thanh sang nước ta là do chính triều đình Huế viết thư mời họ. Ba mươi mốt doanh tính ra có đến hàng vạn quân (một doanh quân số khoảng 500 người), còn đông hơn cả đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị sang đánh Thăng Long. Xuất quan có nghĩa là ra khỏi Nam Quan, đưa quân sang nước ta. Quân Thanh không dẹp được bọn Cờ Đen, Cờ Vàng nên khi quân Pháp ra Bắc Kỳ, triều đình Huế đành phải dùng đám phỉ đó như những lực lượng đánh thuê, phong quan tước và trả lương để họ đánh Pháp. Những chiến công giết được Garnier, Rivière sau này cũng là của quân Cờ Đen, chứ lực lượng của Việt Nam không làm được. Từ đó trở đi quân Thanh qua lại biên giới nước ta không cần phải thông báo, quân lính sinh sống không khác gì dân bản xứ.

Việc nhà Thanh điều động lực lượng sang nước ta hoàn toàn vượt khỏi sự quyết định của triều đình Huế, cũng không biết họ có thông báo cho nước ta không nữa [chắc là không] vì tuỳ theo nhu cầu mà họ đưa sang nhiều hay ít, không khác gì một tỉnh của họ. Theo Long Chương thì tháng 10 năm 1883 (tháng Chín, Quang Tự 9), Quế quân ở Bắc Kỳ tăng thêm 22 doanh nữa, quân sĩ tổng cộng lên tới 15000 người. Quế quân nhận lệnh chặn giữ Bắc Ninh, Lạng Sơn. Đến đầu năm 1884, quân số Trung Hoa ở Bắc Kỳ ước chừng 27000 người.

Nếu tính thêm cả vài nghìn quân Cờ Đen, số lượng quân Tàu ở thường trực trên đất nước ta lên đến 3 vạn người, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một tổng đốc (Sầm Dục Anh), một tuần phủ (Từ Diên Húc), 1 đề đốc, 2 tổng binh.

Tuy nhiên, người Pháp không dễ bị mắc lừa nên đã đưa thêm viện binh quyết tâm thi hành cái giao ước mà nhà Thanh ký ở Thiên Tân là họ phải rút quân về ngoài biên giới.

1.2. Tham vọng của Trung Hoa

Tính đến năm 1883, quân Tàu đã chiếm đóng mấy tỉnh phía bắc trong gần một thập niên, ban đầu do lời yêu cầu của triều đình Huế. Số quân Thanh đóng ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Bắc Ninh, Sơn Tây lên đến mấy vạn người. Ngoài ra còn những đám thổ phỉ võ trang hùng cứ một phương như bọn Cờ Đen (Lưu Vĩnh Phúc), Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị) từ miền nam Trung Hoa chạy sang.

Trong khoảng gần ½ thế kỷ, Trung Hoa bị liệt cường o ép phải ký nhiều Hòa ước bất bình đẳng. Những nỗi “quốc nhục” đó cũng dấy lên một số cải cách nhất là sau khi nhờ canh tân quân sự và có sự giúp đỡ từ Tây phương, nhà Thanh đã đạt được một số tiến bộ quân sự. Nhiều cánh quân được huấn luyện, trang bị theo lối Tây phương như Tương quân (quân của Tăng Quốc Phiên), Hoài quân (quân của Lý Hồng Chương), Tuỵ quân (quân của Phùng Tử Tài)… Nhà Thanh cũng mua nhiều khí giới mới, thuê sĩ quan Tây phương huấn luyện quân đội, thuê đóng tàu, mở công xưởng và cũng tự hào về thành quả của họ nên nhiều tướng lãnh cũng muốn có dịp thử sức để cho thế giới biết rằng nhà Thanh nay không còn bạc nhược như 50 năm trước. Cũng vì thế, không ít tướng lãnh Trung Hoa muốn dùng miền bắc nước ta như một vùng để thử sức và khi quân Cờ Đen giết được Francis Garnier và Henri Rivière thì báo chí Trung Hoa đã làm ầm lên như một chiến công rửa mặt cho nỗi bại nhục của nước Tàu.

Vai trò và sinh mệnh Việt Nam ở trong tay Từ Hi, Lý Hồng Chương, Tăng Kỷ Trạch, Phùng Tử Tài và những vương công đại thần trong Tổng Lý Nha Môn. Việc triều đình Việt Nam nhờ người Tàu sang đánh Pháp là một kế sách rất tệ vì quân Tàu luôn luôn nhũng nhiễu, đòi hỏi cung ứng mà miền Bắc thì nghèo khổ nên dân chúng ta thán rất nhiều. Mà không phải chỉ vài tuần, vài tháng mà họ ở nhiều tỉnh trong 10 năm trời, nhiều người đã sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ người nước Nam, đến khi phải thi hành điều ước Thiên Tân rút về bên kia biên giới thì gồng gánh, lếch thếch rất bệ rạc. Ông Ích Khiêm, một đại thần phải làm bài thơ như sau:

“Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,
Đến khi có giặc phải thuê Tàu!Ư
Từng phen võng giá mau chân nhẩy,
Đến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp,
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.
Ai ôi hãy chống trời Nam lại,
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu”
.
Phải cạo đầu … và để răng trắng như hạt bầu … theo tục và theo lệnh Mãn Thanh.

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương - 3

2. KHÓ KHĂN KHI PHIÊN DỊCH

Việc chuyển ngữ từ một văn bản ngoại quốc sang tiếng Việt không bao giờ dễ dàng. Tuy Việt Nam và Trung Hoa có cơ sở đồng văn nhưng trong khoảng 150 năm qua, chúng ta đã đi theo một hướng mới không chỉ dùng văn tự Trung Hoa như trước đây.

Người Việt đã quen với văn pháp Âu Tây - do ảnh hưởng từ tiếng Pháp và gần đây tiếng Anh - nên chúng ta viết tương đối mạch lạc, tránh câu dài hay những câu “bông bênh” và nhất là phân biệt rõ các cách ngắt câu, dấu chấm, phảy … để người đọc nhận biết các ý chính, ý phụ mà không phải tiếp nhận nhiều chi tiết cùng một lúc. Tác giả Long Chương - dù là một học giả và nhân vật ngoại giao chuyên nghiệp - nhưng văn cách của ông vẫn còn ảnh hưởng Trung Hoa, dùng chấm, phảy lẫn lộn. Nhiều đoạn ông không xuống dòng khi ý tưởng cũ đã chấm dứt khiến việc theo dõi khó khăn nên nhiều khi người dịch phải tìm cách ngắt câu và sắp xếp lại cho mạch lạc.

Tác giả cũng không quan tâm đến vấn đề thời gian nên nhiều diễn tiến không chặt chẽ theo thứ tự, có lẽ vì ông không muốn bỏ phí những chi tiết trong khi tìm kiếm tài liệu. Chính vì thế, nhiều chú thích rất dài dẫn nhiều nguồn khác nhau, có lợi cho người muốn khảo sát tài liệu gốc được nhắc đến nhưng cũng khó cho người đọc sách khi theo dõi sự việc.

2.1. Việc dịch tên theo âm không trùng với nhau

Việc dịch thuật gặp nhiều khó khăn nhất là tên người, tên đất thường dựa theo cách đọc rồi phiên âm sang tiếng Trung Hoa nhưng không phải lúc nào cũng thuần nhất. Trong vài chục năm qua, người Trung Hoa có nhiều cách đọc, cách phiên âm theo kiểu lục địa, kiểu Đài Loan nên việc truy tìm những tên gốc không dễ dàng. Việc đọc và chuyển âm này theo cách đọc của người Trung Hoa, còn người Đài Loan đọc theo cách bính âm, trong khi người Việt chúng ta vẫn theo cách đọc Hán Việt. Ngoài cách phiên âm có khác biệt với sách vở cũ, chính Long Chương cũng không thống nhất, có khi cũng một người mà phiên âm theo nhiều cách khác nhau. Người Trung Hoa cũng không có cách viết hoa để chúng ta phân biệt được tên người, tên đất.

Cùng một chữ Von Hatzfeldt là tên họ của ngoại trưởng Đức, chúng ta thấy Long Chương dịch âm thành ba cách khác nhau, Cáp Tư Phỉ Đức (哈兹菲德), Cáp Tư Phí Nhĩ Đặc (哈兹費爾特) và Cáp Tư Phi Nhĩ Đức (哈兹菲爾德). Tên tướng người Pháp Ernest Millot thì có khi ông dịch âm là Mễ Lạc (米樂) nhưng cũng có lúc dịch âm là Mễ Ước (米約).

Chính vì thế, ngoại trừ tên người Trung Hoa hay người Việt chúng tôi đọc theo âm Hán Việt chẳng hạn Lý Hồng Chương, Từ Hi, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật … còn người ngoại quốc, chủ yếu là Pháp hay Anh thì chúng tôi truy tầm để giữ nguyên tên của họ [ít nhất cũng theo lối viết thông dụng của Anh hay Pháp] chứ không dịch âm như tác giả đã dùng vì rất khó cho người Việt nếu muốn biết ông Ba Đức Nặc (巴德諾) hay Lý Duy Diệp (李維葉) là ai mặc dù những tên Jules Patenôtre và Henri Rivière là những tên khá quen thuộc. Để tiện việc so sánh, chúng tôi có tổng kết thành một danh mục ở cuối sách để nếu cần thì độc giả có thể tìm ra những tên người, tên đất đã được phiên âm như thế nào?

2.2. Quan điểm

Mặc dù tác giả sử dụng hầu như chủ yếu là tài liệu tiên nguyên (primary sources) và cố gắng khách quan khi miêu tả sự việc nhưng đôi chỗ chúng ta vẫn thấy ông thiên về nhà Thanh và biện hộ cho “cái gọi là” quyền tông chủ của Trung Hoa ở nước ta. Thực ra, nếu không có sự can thiệp quyết liệt của người Pháp, nhân cơ hội nước ta suy yếu nhà Thanh sẽ lấn chiếm nhiều tỉnh của Việt Nam mà không bị sự phản kháng tích cực của triều đình Huế. Đọc lại lời tâu của Sầm Dục Anh, tổng đốc Vân Nam, chúng thấy rất rõ ý đồ và tham vọng khi muốn sáp nhập một khu vực lớn vùng tây bắc nước ta vào lãnh thổ của họ.

Sầm Dục Anh tuy không dám phản đối việc Trung Quốc rút quân nhưng chủ trương mở rộng lãnh thổ Trung Quốc về phía nam, y tâu lên: “Đất của mười châu Tam Mãnh, kéo dài hơn 500 dặm, phía bắc tiếp giáp với phủ Lâm An, các huyện Mông Tự, Kiến Thuỷ của tỉnh Điền, vòng qua phía tây, tiếp giáp với Nguyên Giang, Tha Lang, Tư Mao, Phổ Nhĩ biên giới các phủ; còn phía tây nam thì tới tận các xứ Xa Lý, Nam Chưởng, trong đó bao gồm 14 châu, 4 huyện, thật là nơi biên ải quan trọng của Việt Nam, là cửa ngõ của biên giới tỉnh Điền”. “Họ Đèo đời đời giữ đất này, dân chúng ai ai đều ngưỡng vọng, thần đã sai tri huyện Từ Phượng Trì (徐鳳池) đến chiêu dụ”. “Còn đất Điện Biên Phủ thì tri phủ là Đèo Văn Xanh (刁文撐) đã theo lệnh mà hưởng ứng, sai con là tri châu Lai Châu Đèo Văn Trì (刁文持), tri châu Luân Châu Đèo Văn Thao (刁文操), tri châu Mai Châu Đèo Văn Bão (刁文抱) mang theo vài trăm người, đến đây đầu phục”.

Sầm Dục Anh xin được cấp cho họ chức vụ tuyên phủ thổ ti “nếu được ân chuẩn thì lãnh thổ ở ngoài biên thuộc về bản đồ sẽ rất rộng lớn mà cửa ngõ tỉnh Điền nay thêm kiên cố”.

Tuy không phải vì thiện chí muốn giữ nước cho mình nhưng nếu không có sự hi sinh của đoàn quân viễn chinh Pháp, miền bắc Việt Nam có lẽ không còn được như ngày nay.

2.3. Âm Dương Lịch

Như thông lệ, ngày tháng viết số, chẳng hạn 1-3-1884 (ngày 1 tháng 3 [March, Mars] năm 1884 tức là ngày dương lịch, còn nếu viết ngày 1 tháng Ba thì đó là ngày âm lịch. Các tháng âm lịch viết nguyên chữ Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Một, Chạp.

Trong nguyên tác, Long Chương chỉ dùng niên hiệu của Trung Hoa nhưng khi phiên dịch, những thời kỳ hay năm nào liên quan đến lịch sử Việt Nam, chúng tôi tự ý đổi thành niên hiệu của vua Việt Nam cho độc giả dễ theo dõi.

Nguyên tác vốn không có hình ảnh (ngoại trừ một tấm hình Tăng Kỷ Trạch ở đầu sách) nên những hình ảnh thêm vào là do người dịch tự ý thêm vào trích từ nhiều nguồn sách vở một số được liệt kê dưới đây:

  1. Bennet, Terry. Early Photography in Vietnam. Folkstone, Renaissance Books, 2020.
  2. Buttinger, Joseph. The Smaller Dragon, A Political History of Vietnam. New York: Frederick A. Praeger, 1958.
  3. Chu, Thành Như (朱诚如) chủ biên. Thanh Sử Đồ Điển (清史图典): Thanh Triều Thông Sử Đồ Lục (清朝通史图录) [12 tập] Bắc Kinh: Tử Cấm Thành xbx, 2002.
  4. Guadalupi, Gianni. China Revealed: The West Encounters the Celestial Empire. Italy: White Star Publishers, 2003.
  5. Le Livre de Paris. Les Grands Dossiers de l’Illustration l’Indochine. Paris, 1995
  6. Loan de Fontbrune, Les premiers photographes au Viêt Nam. France: Riveneuve, 2015
  7. McAleavy, Henry. Black Flags In Vietnam – The Story of a Chinese Intervention. New York: The Macmillan Co. 1968.

Dù đã cố gắng, bản dịch không thể không có những sai sót. Người dịch mong được đón nhận những ý kiến và đề nghị để có thể hoàn bị hơn khi tái bản.

NGUYỄN DUY CHÍNH
(Tháng 6 năm 2021)

Sách Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng) của tác giả Nguyễn Duy Chính; Long Chương, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark

ĐÁNH GIÁ CỦA ĐỘC GIẢ

Hãy đánh giá Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng) để giúp những độc giả khác lựa chọn được cuốn sách phù hợp nhất!

Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng)

Bộ Sách: Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng)

Giá bán tại NetaBooks: 640.000 ₫ 800.000 ₫
Tiết kiệm: 160.000 ₫-20%
-
+
Chọn mua
0/5
(0 nhận xét)
  • 0% | 0 đánh giá
  • 0% | 0 đánh giá
  • 0% | 0 đánh giá
  • 0% | 0 đánh giá
  • 0% | 0 đánh giá
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi
 

Hơn 30.000 tựa sách hay

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

Miễn phí giao hàng

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

Quà tặng miễn phí

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

Đổi trả nhanh chóng

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng