Giới thiệu sách
Bánh Mì Thơm Ban Mai
Tập thơ được chú thích trên nhan đề là “thơ thiếu nhi”, hiểu là tác giả hướng về đối tượng cụ thể: trẻ em. Tập bánh mì thơm ban mai chia thành 3 phần:
Phần 1- Bánh mì vừa ra lò, là tập hợp 29 bài thơ ngắn có đánh số, xâu chuỗi lại thành một loạt cảm nhận của một đứa trẻ từ lúc chào đời đến lúc bắt đầu nhận thức sự vật xung quanh nhà. Mỗi bài thơ là từng góc nhìn của đứa trẻ về cây cỏ, thú vật, hoạt động con người như con gà, con chó, cây cỏ rồi cả chiếc ra-đi-ô của ông, chiếc tàu chạy dưới sô Đọc cả phần người ta hiểu đây là lời tưởng tượng của ông nội về sự ra đời của đứa trẻ, và thể nghiệm góc nhìn của một đứa trẻ về cuộc sống theo thời gian, không gian tuổi thơ. Cách viết này tạo ra cảm giác hồn nhiên nhưng đậm chất thơ một cách tự nhiên.
Này bông cỏ may
sau vườn lộng gió
bay, bay, bay, bay
em ngồi em xỏ
trăng treo lên ngày.
Ba dòng thơ cuối là những hình ảnh tạo liên tưởng lạ. Liên tưởng của trẻ con không có những ràng buộc, không nhìn quan điểm người khác để cân phân lựa chọn mà nhìn bằng bản ngã ngây thơ qua đôi mắt mình. Cũng như:
mẹ ơi, trăng sáng
qua bàn tay thưa
em và chạng vạng
thêu hoa lên mùa.
Nhiều so sánh được sử dụng:
Có chú sẻ nâu
sáng ra chíp chíp
huê trên giàn bầu
vàng như ai thắp
đèn lồng ông sao.
Phần 2 - Cóc & đồng dao là câu chuyện về cánh đồng trong góc nhìn của một nhân vật xưng là “Cóc”. Với 11 đoản khúc tứ tuyệt, nội dung của phần này bắt đầu mang tính ẩn dụ cao, bối cảnh và cấu tứ nhìn qua cũng là đồng quê, có con vật, có cây cỏ, có rong rêu. Nhưng ý nghĩa bắt đầu dịch chuyển thành những ngẫm nghĩ triết lí:
Phố cũ rêu xanh
Một bầy ký ức
Trở mình chợt thức
Trong mùa hanh hao.
Phần 3: Chuyện của chú Sóc nâu – là những lời ru, lời trò chuyện khi đứa trẻ bắt đầu biết nói, biết hỏi sự vật xung quanh nhưng bắt đầu đi xa hơn, ra khỏi căn nhà quen thuộc. Phần nầy mỗi đoạn đối đáp được bố trí trong 3-4 cặp lục bát. Câu chuyện với trẻ con bao giờ cùng không đầu không đuôi. Nhưng chính cái không đâu vào đâu đấy lại là cơ hội để tác giả mang đến mọt giọng thơ mới, một cách bộc lộ mới: sự đối thoại với truyền thống, với những kí hiệu được xem là đã định khung trong giao tiếp và trong văn hóa. Những câu thơ trò chuyện với cháu chính là những lời đối thoại với quá khứ bằng cách dùng chất liệu dân gian làm nền.
Ai gom mây đổ vào lu
Trăng ông ngộp nước lừ đừ mà thương
Trong đầm Sen đẹp hơn tiên
Kêu bằng vẻ đẹp siêu nhiên chớ vừa
Sẻ nâu nhỏ nhẹ với Lừa
“Chậm mà chắc” chớ hơn thua làm gì?
Tập thơ bánh mì thơm ban mai, bạn đọc sẽ thấy hình như không chỉ là những lời thơ giản dị mộc mạc dành cho con nít như hình thức ban đầu mang lại mà đó chính là lời đối thoại với kiếp nhân sinh đa đoan và vụn vặt, cao cả mà thấp hèn, sang trọng trong xề xòa. Thành Dũng tiếp tục mang lại cho bạn đọc một tập thơ đầy cảm xúc mới lạ. Như nhiều tập thơ trước, cơ chế chính để tạo nên chất thơ vẫn là những liên tưởng vượt khỏi sự vật hiện tượng hằng ngày theo kiểu của anh. Và đó chính là kiểu thơ của Thành Dũng, chất của Thành Dũng. Chúc anh đã có được một tập thơ đậm chất đối thoại với quá khứ (ca dao) và tương lai (cháu nội) trong một kiếp nhơn sinh đầy bất trắc nhưng cũng êm đềm.
Huỳnh Vũ Lam
Sách Bánh Mì Thơm Ban Mai của tác giả Thành Dũng, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark