Giới thiệu sách
Đường Hầm Tới Mùa Hạ - Lối Thoát Của Biệt Ly
Cậu biết đường hầm Urashima chứ? Nghe bảo bước vào bên trong thì mọi mong ước sẽ biến thành hiện thực, nhưng phải đánh đổi bằng tuổi tác…
Cậu học sinh cấp ba Tono Kaoru tình cờ nghe hóng được về truyền thuyết đô thị đó. Ngay đêm hôm ấy, cậu lại tình cờ tìm thấy một đường hầm có nét tương đồng…
Vào trong đường hầm, chưa biết chừng cậu sẽ đưa được đứa em gái đã mất năm năm trước quay về.
Sau giờ học, Kaoru tiến hành điều tra về đường hầm này, ai ngờ lại bị cô bạn Hanashiro Anzu – học sinh mới chuyển tới - phát hiện ra.
Hai cô cậu cộng tác với nhau để cùng đạt được mong ước của cả hai… Khởi đầu một mùa hè đầy những bất ngờ lý thú mà chưa ai từng biết tới.
Đường hầm tới mùa hạ - Lối thoát của biệt ly, câu chuyện đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình và tình yêu, là lời tạm biệt gửi tới những vui buồn trong quá khứ, tìm lại những điều đã đánh mất để có thể hướng tới tương lai.
Mục lục Đường Hầm Tới Mùa Hạ - Lối Thoát Của Biệt Ly
- Chương 1: Khoảng trời đơn sắc
- Chương 2: Mồ hôi và nước súc miệng
- Chương 3: Phong cảnh sau cơn mưa
- Chương 4: Ước mơ của cô gái, hiện thực của chàng trai
- Chương 5: Chạy
- Chương kết
- Lời bạt
Trích đoạn sách Đường Hầm Tới Mùa Hạ - Lối Thoát Của Biệt Ly
Đường hầm này khá nhỏ, độ cao chỉ tầm ba mét, xây bằng đá và phủ đầy rêu. Tôi đứng ngay chính diện mà không hề thấy đầu ra ở bên kia, cũng chẳng ước đoán được độ dài là bao nhiêu.
Nếu đường hầm này nằm ở một nơi dễ thấy hơn thì hẳn sẽ trở thành một địa điểm ma ám cho xem. Bầu không khí này dễ dàng gợi lên điều đó.
Một người tỉnh táo sẽ không bước vào nơi này. Cảnh tượng rùng rợn tới độ chỉ muốn thoái lui cho nhanh.
Tôi cũng tính vậy. Nếu không nhớ tới đoạn hội thoại hồi sáng.
“Cậu biết đường hầm Urashima không?”
“Làm gì có chuyện,” tôi lắc đầu.
Đó chỉ là một truyền thuyết đô thị. Làm gì có đường hầm giúp biến mọi mong ước thành sự thật. Kế đến, tình cờ tìm thấy một đường hầm mà vội vã liên kết nó với một truyền thuyết đô thị thì dễ dàng quá. Mình đã 17 tuổi rồi, còn mơ tưởng linh tinh cái gì. Ngốc nghếch. Quay về thôi. Kẻ quân tử phải biết tránh cái hại trước mắt, cứ coi như chưa từng trông thấy đường hầm này.
“Chán thật, mình không nên mò tới đây,” tôi vừa giễu cợt bản thân vừa leo ngược lên cầu thang.
Ở bậc thang cuối cùng, tôi bỗng dừng bước.
Giả sử. Chỉ là giả sử mà thôi.
Nếu đường hầm Urashima thật sự tồn tại, nếu nó giúp đạt được mọi mong ước… thì có thể mang Karen trở lại không?
Tôi bật đèn soi điện thoại, bước vào trong đường hầm.
Chỉ một chút thôi. Chỉ cần đi vào một chút. Không có gì xảy ra thì quay lại ngay lập tức.
Tôi thận trọng dò từng bước để tránh bị vấp ngã hoặc giẫm phải thứ gì lạ. Mùi đất ngai ngái. Tôi đã chuẩn bị tinh thần vấp phải một hoặc hai cái xác động vật, nhưng còn chẳng tìm thấy nổi một cái lá rơi. Nơi này không hề có rêu mọc và trông sạch sẽ đến đáng ngạc nhiên so với vẻ ngoài hoang phế. Tuy nhiên, cơn gió nồm không ngừng liếm láp toàn thân khiến tôi cảm thấy chờn chợn. Kết hợp với độ hẹp của đường hầm, tôi cảm giác mình đang đi xuyên qua cơ thể của một con rắn khổng lồ.
Nếu ánh đèn tắt vào lúc này, tôi sẽ bị hù một mẻ không chừng. Tôi lo lắng cho pin điện thoại, bèn kiểm tra màn hình và thấy chỉ còn khoảng 10% pin. Lượng pin ít đến đáng lo ngại.
Mau quay lại thôi nhỉ? Tôi vừa nghĩ tới chuyện đó, thì nhận thấy ánh sáng nhẹ nhàng lọt tới từ đằng xa. Lối ra sao? Trời ạ. Chả có gì xảy ra hết… Tôi thấy mất hứng nhưng vẫn rảo bước nhanh đi về phía đó. Ánh sáng dần lớn lên…
Không phải lối ra.
“Này là… gì thế?”
Một cánh cổng torii màu trắng gợi liên tưởng tới xương người, đứng sừng sững như đã chờ đợi chuyến viếng thăm của một người nào đó suốt hàng trăm năm. Mà không chỉ có một. Chỉ cần nhìn sâu hơn vào đường hầm, ta có thể thấy những cánh cổng torii xếp tuần tự như thể phải lên đến hàng nghìn cái.
Bản chất thực sự của thứ ánh sáng leo lét kia là những ngọn đuốc hướng lên trần hầm, được xếp đều đặn ở khoảng giữa những cánh cổng torii. Đầu lửa không hề lập lòe mà chỉ cháy nhàn nhạt. Chẳng rõ là vì tính tôn giáo, tính nghi thức hay điều gì khác, tôi cảm thấy nơi này thần thánh đến mức không dám bước vào.
Tôi không hề hay biết, cũng chưa từng nghe kể về nơi nào như thế. Tôi cố kiểm tra vị trí hiện tại của mình, phát hiện ra chiếc di động đã nằm ngoài vùng phủ sóng. Ở Kouzaki, việc điện thoại không có sóng cũng chẳng phải sự lạ, nhưng trong tình cảnh hiện tại, tôi cảm thấy chuyện này vô cùng dị thường. Nỗi sợ hãi đã bò trườn lên đầu óc tôi.
Quay về thôi. Không ổn chút nào.
Tôi vừa định quay trở ra thì ý thức bất chợt bị hút vào một thứ gì đó trong đường hầm.
“… Gì đây?”
Một vật thể màu đỏ rơi xuống mặt bên kia của cánh cổng torii. Chỗ đó khá tối nên không thể thấy rõ.
Mình chỉ cần kiểm tra coi thứ đó là gì rồi trở về thôi. Sau khi hạ quyết tâm, tôi thận trọng bước qua cánh cổng torii trước mặt và lại gần thứ đó.
… Dép xăng đan? Chiếc xăng đan màu đỏ đã đi tới cũ mèm. Cỡ khá nhỏ. Dép trẻ em.
Tôi ngồi xổm xuống, rụt rè cầm nó lên và ngắm nghía thật kỹ lưỡng.
Nín thở.
“Karen.”
Mặt cạnh chiếc dép hằn rõ chữ “Karen”.
Tôi thầm nhủ: “Đùa nhau sao?”
Chắc chắn là dép xăng đan của Karen. Không sai. Tôi vẫn nhớ rõ Karen từng hỏi xem đôi dép có hợp với mình không, nét chữ cũng tương đồng. Karen có thói quen viết chữ “n” gần giống chữ “ni”.1 Nhưng sao dép xăng đan của Karen lại ở nơi này?
Tôi không thể quên được, lần cuối cùng nhìn thấy chiếc xăng đan này cũng chính là ngày mất của Karen. Người ta không thu lại đôi dép khi khiêng con bé đi, nên tôi đã đơn độc bỏ vào rừng tìm. Tôi phát hiện ngay chiếc dép ghi chữ “Tono” nhưng tìm mãi không ra chiếc còn lại ghi chữ “Karen”. Tôi mất cả tháng trời mà không thấy, đành khóc một chập và từ bỏ việc tìm kiếm.
Khu rừng thưa cách đường hầm này tới năm cây số. Chiếc dép xăng đan của Karen xuất hiện ở nơi này quả là chuyện lạ lùng.
Chẳng lẽ đây chính là đường hầm Urashima thực thụ?
Không, mình khẳng định hơi sớm. Có thể chó hoang hay quạ đã tha cái dép tới nơi này. Khả năng đó cao hơn nhiều. Hơn nữa, tôi đã bỏ khá nhiều công sức tìm đôi dép của Karen, nhưng nếu ai hỏi rằng tôi có mong tìm ra chúng không thì lại chẳng thể thành thực gật đầu. Tôi muốn tìm Karen cơ.
Tóm lại, cứ tiến vào bên trong xem sao. Karen ở đây thì là thật, còn không thì là giả.
Niềm mong đợi đã thắng nỗi sợ hãi. Một tay cầm chiếc dép xăng đan, một tay cầm điện thoại và nhét chúng vào hai cái túi hai bên, tôi dấn sâu vào bên trong đường hầm.
Những cánh cổng torii và những ngọn đuốc cứ kéo dài mãi. Coi như bỏ qua những cánh cổng torii, tôi chỉ thắc mắc chỗ đuốc này đã cháy từ bao giờ? Tôi không nghĩ rằng có ai đó đã đốt chúng lên khi biết tôi sắp sửa bước vào đường hầm này, nên chúng đã phải cháy từ rất lâu rồi. Thế thì, nguồn oxy và nguồn cấp nhiên liệu là bí ẩn. Hay ai đó cài đặt cơ chế nào đó trong những ngọn đuốc. Nhưng nếu cài đặt cả cơ chế, thì người đó sao lại cất công đến vậy? Ở một chốn chẳng ai lui tới...
Không ổn. Nghĩ hoài nghĩ mãi cũng không thông.
“Karen…?”
Tôi nhỏ giọng gọi tên Karen.
Hiển nhiên là không có hồi đáp. Tôi đang băn khoăn thì nghe thấy tiếng đáp trả.
“…Ư…”
Yếu ớt và khó nghe. Không phân biệt được là giọng trẻ con hay người lớn, còn chẳng rõ là đàn ông hay phụ nữ.
Nhưng giọng vừa nãy chắc chắn là tiếng người. Không phải tiếng gió.
Trái tim đập dồn dập tới mức ồn ào.
Ai đó đang ở trong kia.
Ngộ nhỡ người đó là Karen thì tôi phải gấp gáp lên thôi.
Tôi vọt chạy. Trong lúc chạy, tôi cứ có cảm giác đang nghe thấy gì đó.
Tôi liền dừng bước, dỏng tai nghe ngóng.
Tôi nghe thấy tiếng sột soạt sột soạt sột soạt của côn trùng và động vật nhỏ đang di chuyển liên tục.
Nguồn âm thanh ở khá gần. Tôi không chắc vì chúng đang lẩn lút sau những cảnh cổng torii.
Nhịp tim tăng lên.
Chắc là chuột hay gì đó. Không có gì phải sợ. Tôi tự dặn mình không biết bao nhiêu lần. Khi rảo bước đi qua một cánh cổng, thứ gì đó bay vọt qua từ điểm tối của cổng torii.
“OÁIIIII!”
Tôi hét lên thất thanh, ngã dập mông tại chỗ.
Tôi lập tức ngẩng đầu lên và thấy một con chim nhỏ đang đậu trên đầu cổng torii. Nó nhìn xuống tôi đang ngã nhoài ra đấy, nghiêng đầu như thắc mắc.
“Trời ơi… hóa ra là con chim à…?”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nở nụ cười gượng gạo. Tôi thầm nghĩ mình thật ồn ào trong khi đứng dậy và ngước nhìn con chim.
Chú chim nhỏ với đôi cánh màu vàng ươm. Chắc là vật cưng chạy trốn khỏi nhà dân nào đó. Đám chim hoang dã ở Kouzaki không có màu sắc nổi bật như thế này. Nó lạc được vào sâu trong đường hầm cũng tài thật.
“Ơ kìa. Là vẹt sao…?”
Tôi quan sát nó thật kỹ lưỡng và khẳng định chắc chắn. Đôi mắt đen lay láy và cái mỏ tròn. Con chim này thuộc giống Vẹt yến phụng. Tôi biết rõ vì từng nuôi qua. Hồi đó, hai anh em nuôi một con vẹt tên “Kii”. Kii có màu lông khá giống con vẹt này, cả những đốm trắng nhàn nhạt trên cổ.
Con vẹt này thật giống Kii. Càng nhìn càng thấy giống.
… Không hẳn, đôi cánh vàng và những đốm lông trắng không phải đặc trưng hiếm có. Hơn nữa, Kii đã chết từ lâu. Chính tay tôi đã chôn cất cho nó cùng Karen. Còn xây một ngôi mộ tử tế nữa. Vậy nên… Đúng. Không thể có chuyện này.
Giờ tôi mới nhận ra hơi thở của mình đang dần gấp gáp hơn.
Luồng cảm xúc lớn lao của mong đợi và sợ hãi trộn với nhau, dâng lên từ sâu trong dạ dày.
“… Bà…”
Con vẹt đang nói gì đó.
Tôi ấn chặt trái tim đang chạy loạn từ bên ngoài lớp áo, nghiêng tai nghe ngóng.
“… Bài ca… con ếch…”
Trái tim tưởng như ngừng đập.
“Bài ca… con ếch… bài ca… con ếch…”
Ngốc nghếch. Sao có thể? Xảy ra chuyện này?
Tôi và Karen từng cố dạy Kii lời của “Bài ca con ếch” với mơ tưởng sẽ lập nên một dàn đồng ca với hai người và một con chim. Hai đứa từng hát bài này trước mặt Kii rất nhiều lần. Nhưng Kii như một cái đài rè, chỉ lặp đi lặp lại được hai câu đầu và chấm dứt thọ mệnh trước khi có thể ghi nhớ toàn bộ bài hát.
Mọi điểm đều giống y hệt. Cả màu lông, vệt đốm lẫn lời nói.
Bộ não quay cuồng hỗn loạn khi chứng kiến tận mắt một sự việc không thể tưởng tượng được.
Chắc chắn là ảo thanh. Tình huống bất thường như ở trong đường hầm vào lúc nửa đêm đã khiến tôi nghe thấy ảo thanh mất rồi. Con vẹt này cũng là ảo giác thôi.
Ảo giác không thể chạm vào. Tôi thầm nghĩ và chậm rãi giơ ngón trỏ lại gần nó. Con vẹt không hề chạy trốn. Ngón tay rờ vào phần dưới cổ. Lớp lông mao mềm mượt, cơ bắp không ngừng chuyển động và thân nhiệt hơi cao. Mọi thứ đều được truyền tải rõ ràng đến các ngón tay.
Không phải ảo giác. Con vẹt này là thực, là con Kii mà hai anh em từng nuôi ngày trước.
“Chuyện gì đang diễn ra thế này…?”
Đáng lẽ Kii đã chết rồi, sao lại xuất hiện ở đây? Chẳng lẽ nơi này thực sự là đường hầm Urashima? Ấy, thế thì tại sao Kii lại…
(Còn nữa)
Thông tin tác giả Mei Hachimoku, Kukka
Mei Hachimoku: Sinh năm 1994. Cư ngụ tại Kansai. Một kẻ mù đường hết thuốc chữa đang dốc toàn lực chạy giữa cuộc đời. Cũng không rõ đang chạy về hướng nào nữa. Tóm lại, đang cố gắng để mạch não không lạc lối theo.
Kukka: Sinh năm 1995. Xuất thân từ đảo Goto. Đam mê giống loài gặm nhấm và thích chuột hamster nhất hạng. Ăn mấy loại đồ ngọt có matcha là vui vẻ.
Sách Đường Hầm Tới Mùa Hạ - Lối Thoát Của Biệt Ly của tác giả Mei Hachimoku, Kukka, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark