Việt Nam, Tình Yêu Của Tôi
Ernst Frey sinh năm 1915 ở thành phố Vienna. Năm 1934 gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng Sản. Nhiều lần bị giam giữ dưới chế độ phát xít Áo. Tháng 4 năm 1938 trốn chạy sang Thụy Sĩ, ở đấy ông bị giam giữ nhiều tháng. Khi được tự do ông đến Pháp với mục tiêu tham gia Binh đoàn Quốc tế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nhưng ông lại rơi vào Đội Quân Lê Dương và đến Algeria. Từ năm 1941, ông đến Đông Dương với tư cách Tình nguyện quân. Tháng 3 năm 1945 Nhật bản xâm lược Đông Dương. Tháng 9 năm 1945 Frey bị Nhật bắt làm tù binh. Nhưng chỉ ít lâu sau ông trốn sang hàng ngũ Việt Minh, ở đấy đầu tiên ông tham gia huấn luyện quân sự, rồi được phong hàm đại tá. Tháng 9 năm 1950 ông rời Việt Nam về Vienna và mất năm 1994 tại đó.
Ernst Frey, cuộc đời ông không chỉ mang bản chất của một người chiến sĩ, mà còn cả của một người đi tìm kiếm, là người chứng kiến những năm 1930 giết chóc ở Áo, bị xua đuổi kép vì vừa là người Do Thái vừa là đảng viên cộng sản, đã bị bỏ tù đôi lần rồi cuối cùng, vào năm 1938, bỏ trốn bọn Quốc xã.
Qua những con đường vòng vèo, ông đến được Việt Nam, ở đó ông tham gia Việt Minh và đấu tranh cho nền độc lập của nước này.
Chỉ ít dòng này đã cho thấy trải nghiệm của ông phong phú đến nhường nào - và qua đó cũng có cả vấn đề đặt ra cho tôi: thực ra, vấn đề ở đây xoay quanh bao nhiêu câu chuyện lịch sử?
Các trải nghiệm ở Áo, cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ phát xít Áo, sự lớn mạnh của bọn Quốc xã và cuối cùng là cuộc trốn chạy - tất cả những điều đó đã cung cấp đủ chất liệu cho một cuốn sách. Thế nhưng tiếp theo là những chuyện khó tin song đầy quyến rũ về cuộc sống ở Đông Dương thời ấy, về thời gian bị Nhật bắt làm tù binh, sự kết thúc Thế chiến II và quyết định tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của đất nước - riêng điều đó đã có thể cung cấp đủ chất liệu cho một cuốn sách nữa. Vậy là ở đây không chỉ có hai cuốn sách - như ngay từ đầu có vẻ như vậy - đấy là hai câu chuyện mà chúng rất khó gộp thành một. Dù sao cuối cùng thì đấy cũng là một cuộc đời và điều đó đưa đến quyết định phải thể hiện câu chuyện trong toàn cục của nó.