Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ
Việt Nam thời Pháp đô hộ phác họa một bức tranh tổng thể về hình ảnh nước Việt Nam kể từ khi bị người Pháp chiếm cứ bằng quân sự với phát súng nổ đầu tiên ở Đà Nẵng năm 1858. Cuốn sách khai thác các nguồn sử liệu gốc phong phú của chính quyền thực dân Pháp, được tác giả chắt lọc, phân tích, lý giải một cách khoa học giúp người đọc dõi theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp khi lần lượt bằng quân sự chiếm cứ Nam kỳ, gây áp lực và vô hiệu hóa quyền lực của triều đình Huế, xâm nhập Bắc kỳ cho đến khi thiết lập nền hành chính đô hộ.
Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thế Anh còn cung cấp cho người đọc một lát cắt đối nghịch với chủ trương thực dân của chính quyền đô hộ Pháp, đó là phản ứng của nhân dân Việt Nam bằng các phong trào phản kháng, đáp trả với những xu hướng khác nhau nhằm chấm dứt chế độ thuộc địa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh cuốn sách được dùng làm tài liệu giảng dạy ở một trường đại học uy tín và được xuất bản ngay tại thủ phủ Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ XX, khi đất nước còn chia cắt, hai miền Nam - Bắc với hai chính thể khác nhau, thì những phân tích cố gắng có cái nhìn khách quan, không phán xét, đánh giá về từng cuộc vận động, phong trào quốc gia phản kháng đòi tự trị, đòi cải cách xã hội, xóa bỏ chế độ đô hộ là những điều đáng được ghi nhận về thái độ của tác giả Nguyễn Thế Anh - người làm công việc chép sử.