Giới thiệu sách
Việt Nam Sử Lược (Ấn bản cao cấp)
“Việt Nam Sử Lược” là bộ thông sử Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ do học giả Trần Trọng Kim biên soạn. Dưới đây là bìa chính thức bản cao cấp “Việt Nam Sử Lược” do Đông A phát hành - ấn bản kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu (1920 - 2020).
Một số điểm đáng chú ý của ấn bản “Việt Nam Sử Lược” lần này:
- Về phần văn bản, Đông A in lại theo bản in lần thứ năm (1954) của Nhà xuất bản Tân Việt, là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối, đồng thời có đối chiếu với bản in năm 1971 của Trung tâm Học liệu.
- Về phần hình ảnh minh họa, chúng tôi dựa theo bản in lần thứ hai năm 1928 của Imprimerie Vĩnh & Thành Hà Nội. Đồng thời, chúng tôi tuyển chọn thêm minh họa bổ sung cho các phần - từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo đã in.
- Về phần bản đồ, chúng tôi sao chụp trực tiếp từ ấn bản năm 1954.- Ngoài ra, chúng tôi cũng bổ sung phụ lục từ các ấn bản để phiên bản này thêm phần hoàn chỉnh như “Sách dẫn” trong bản in năm 1971 để giúp độc giả tra cứu nhanh chóng nhân danh, địa danh được đề cập trong sách…
Bìa cứng, khổ 18.5 x 26.5 cm, bìa áo bọc metalize vàng hồng.
- Ruột in trên giấy định lượng 100 gsm, có minh họa, in 2 màu.
- Quà tặng kèm: Bản đồ, postcard và bookmark
Đầu thế kỷ XX, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử của phần đông dân chúng, thì Việt Nam sử lược, với tư cách là bộ thông sử chi tiết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, đã xuất hiện và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả lẫn giới nghiên cứu cả nước. Từ đó đến nay đã 100 năm trôi qua, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và là quyển sách vỡ lòng quen thuộc cho những ai bắt đầu tìm hiểu lịch sử Việt Nam.
Để góp phần hoàn thiện và phổ biến “tấm Nam sử” mà học giả Trần Trọng Kim đã dệt những sợi đầu tiên cách nay đúng một thế kỷ, Đông A tiến hành tái bản tác phẩm Việt Nam sử lược, dựa theo bản in của nhà Tân Việt năm 1954, có bổ sung một số chi tiết từ các bản in năm 1920, 1928 và 1971. Đồng thời, chúng tôi tuyển lựa và thêm vào một số hình ảnh minh họa từ nguồn tranh dân gian, bảo tàng và một số tư liệu sách báo xưa, với mong muốn gửi tới bạn đọc một ấn bản không chỉ chỉn chu về mặt nội dung mà còn trang nhã về mặt hình thức, nhân kỷ niệm 100 năm ngày tác phẩm ra đời 1920 - 2020.
Nhận xét về tác phẩm và tác giả:
“Cái văn cổ kính điềm đạm, lời thuật sáng sủa dồi dào, cách xếp đặt có trật tự phân minh, ý cai quát được rõ ràng khúc chiết, ấy là những cái đặc sắc của bộ Việt Nam sử lược...” - Thiếu Sơn, trong Phê bình và cảo luận.
“Ông (Trần Trọng Kim) được xem là một nhà giáo gương mẫu, một học giả bậc thầy, một con người nghiêm túc.” - Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh.
Thông tin tác giả Trần Trọng Kim
Sinh (1882-1953). Bút hiệu Lệ Thần, người làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, ông dành cả cuộc đời cho ngành giáo dục và cho nền văn hóa Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Khởi đầu sự nghiệp trứ tác từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương tạp chí bên cạnh Việt Nam sử lược (1920) và Nho giáo (1930-1933) là hai công trình đồ sộ và quan trọng nhất. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị vượt thời gian như Sơ học luân lý (1914), Sư phạm khoa yếu lược (1916), Quốc văn giáo khoa thư (1916), Truyện Thúy Kiều (1925, soạn chung với Bùi Kỷ), Phật lục (1940), Việt Nam văn phạm (1940, soạn chung với Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ), Một cơn gió bụi (1949-1969), v.v.
Trần Trọng Kim còn là một chính trị gia, một nhà giáo mẫu mực, có uy tín trong xã hội. Cuộc đời ông là tấm gương về tư cách của một học giả.
Sách Việt Nam Sử Lược (Ấn bản cao cấp) của tác giả Trần Trọng Kim, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark