Giới thiệu sách
Viết & Đọc - Chuyên Đề Số Mùa Đông 2019
VIẾT & ĐỌC ( chuyên đề mùa đông 2019) VÀ MỘT CÚ ĐỘT PHÁ
Khi tổ chức cuộc gặp gỡ cộng tác viên nhân Viết & Đọc tròn một tuổi, thay mặt những người tổ chức thực hiện Viết & Đọc tôi đã phát biểu : “ Sau một năm ra đời, Viết & Đọc sẽ có một thay đổi lớn về nội dung và hình thức. Lời hứa của chúng tôi là một nguyên tắc sống”. Và chúng ta thực sự đã làm được điều đó.
Văn xuôi của Viết & Đọc trong chuyên đề mùa đông vô cùng ấn tượng với sự xuất hiện của các nhà văn ; Nguyễn Văn Thọ ( tác giả của tiểu thuyết Quyên, một cuốn tiểu thuyết tái bản đều đều và vẫn gây sức nóng của một vấn đề lớn trong thời đại chúng ta), Lê Vĩnh Tài với chùm truyện mini độc đáo và đầy suy ngẫm, Hoàng Anh Thư, một nhà văn sinh sống ở Australia với một truyệ ngắn trong suốt và sâu thẳm và đặc biệt là Bảo Ninh. Suốt gần 30 năm, kể từ khi Nỗi buồn chiến tranh ra đời, đồng nghiệp và bạn đọc luôn đợi chờ cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông. Hiếm có nhà văn đương đại nào của Việt Nam được chờ đợi như Bảo Ninh. Họ muốn ông công bố cuốn tiểu thuyết tiếp theo để được thưởng thức. Nhưng cho tới lúc này, hầu như không ai biết gì về cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông. Năm 2018, nhà văn, nhà báo Rohit ( Ấn Độ) đã bỏ công sang Việt Nam mười ngày chỉ để gặp Bảo Ninh và mang theo một câu hỏi quan trọng nhất: “ Sau Nỗi buồn chiến tranh, cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông là gì và bao giờ ông có thể công bố”. Nhưng Rohit chỉ nhận được sự im lặng với một cái nhún vai từ nhà văn Bảo Ninh.
Và vào một ngày đẹp trời, Viết & Đọc đã được nhà văn Bảo Ninh gửi cho phần I ( gần 15.000 từ) của tiếu thuyết mang tên Đường về. Ông nói tên của cuốn tiểu thuyết cũng chỉ là cái tên tạm thời và bản thảo toàn bộ của Đường về vẫn nằm trong dạng bản thảo đang sửa chữa. Cho dù chỉ là một phần và thực sự chưa được nhà văn vừa ý, nhưng nó đã chứa đựng một câu chuyện lớn của thời đại.
Các nhà thơ xuất hiện trong Viết & Đọc mùa đông 2019 sẽ mang lại một bất ngờ không nhỏ cho người đọc. Người điên hát là một bài thơ dài của cố nhà thơ Trần Vàng Sao có lẽ lần đâu tiên được công bố chính thức. Bài thơ này nằm trong những bài thơ lưu trữ của gia đình nhà thơ và được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm gửi cho chúng tôi. Trong chuyên mục thơ, tôi đã viết một lá thư gửi cho một tác giả năm nay mới 13 tuổi. Đó là Minh Anh hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Lá thư bày tỏ niềm hạnh phúc lạ lùng của tôi khi đọc được những bài thơ của tác giả 13 tuổi này. Cô bé 13 tuổi Minh Anh đã ám ảnh tôi một cách kỳ lạ. Hãy đọc thơ của thi sỹ quá trẻ này cho dù sau đó bạn có thể phủ nhận cái nhìn của tôi. Rồi những nhà thơ khác mỗi người thực sự đã mang tới một giọng nói riêng biệt và đầy tâm thế ; Đỗ Trọng Khơi, Trần Quốc Toản, Nguyễn Giúp, Nguyễn Hữu Kiên và Phạm Quyên Chi.
Trong 90 ngày qua, có không ít những câu chuyện mà mỗi người dân Việt Nam cần phải lên tiếng. Đó là những vấn đề liên quan đến ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc tìm mọi cách để áp đặt cái chủ quyền vô lý của họ. Đó là câu chuyện đau buồn về những người Việt Nam đã chết trong chiếc công tơ nơ đen tối. Nhà văn Tạ Duy Anh, Di Li, Trần Nhã Thụy đã lên tiếng về những điều trên với giọng văn thấu tình đạt lý và đầy lương tâm của mình.
Văn học nước ngoài đã dành một số lượng trang rất lớn để nói về hai nhà văn đoạt Giải Nobel văn học 2018 và 2019 cùng một số tác phẩm của họ. Từ đó thấy hiện lên quan niệm nghệ thuật, quan niệm sống và nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của hai nhà văn danh tiếng thế giới này.
Rất nhiều người chúng ta chắc vẫn còn nhớ ký sự Cái đêm hôm ấy đêm gì của nhà văn Phùng Gia Lộc in trên Văn nghệ của Hội Nhà văn như một tiếng bom. Sau ký sự ấy, nhà văn Phùng Gia Lộc đã phải đương đầu với muôn vàn thách thức và cả đe dọa. Ông đã viết một ký sự dài về những ngày khó khăn ấy sau Cái đêm hôm ấy hôm gì. Nhà báo Trần Trọng Chức là người lưu giữ toàn bộ ký sự ấy và những bài thơ chưa từng công bố của nhà văn Phùng Gia Lộc và nhà báo Trần Trọng Chức đã gửi cho Viết & Đọc toàn bộ tư liệu của nhà văn Phùng Gia Lộc và chúng tôi đã giới thiệu trọn vẹn tư liệu quí giá này.
Phần Phê bình & Tiểu luận đề cập đến một nhà văn danh tiếng Vũ Trong Phụng qua bài viết sâu sắc và mới mẻ của nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Và bài nghiên cứu của Tiến sỹ Ngô Bích Thu về nghệ thuật thơ của nhà thơ Trần Lê Khánh – một nhà thơ chưa được nhiều người biết đến nhưng Trần lê Khánh đã tạo ra một thế giới ngôn từ, hình ảnh và cảm quan riêng biệt và độc đáo của mình, một người đã tạo ra một cách nhìn mỹ học mới trong thơ ca đương đại.
Nhà thơ, tiến sỹ Văn Cầm Hải đã thực hiện một cuộc trò chuyện với một giao sư danh tiếng của Đại học Harvard về những vấn đề giáo dục đương đại, về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về cách mà người Việt Nam “thoát” khỏi sự áp đặt của những kẻ mạnh không thiện chí….Đây là bài phỏng vấn độc quyền của Viết & Đọc
Nhân Giáng sinh năm 2019, Viết & Đọc trân trọng giới thiệu những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giám mục Lê Hữu Từ. Qua những bức thư ấy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, về sự đoàn kết dân tộc được hiện lên một lần nữa đầy tính thuyết phục. Và cũng nhân Giáng sinh, Viết & Đọc xin giới thiệu bức thư của Giáo hoàng John Paul II gửi văn nghệ sỹ Ba Lan – một đất nước với hơn 20 triệu người đã sinh ra 5 nhà văn, nhà thơ đoạn Giải Nobel văn học. bức thư nói về sự sáng tạo của nghệ sỹ và sứ mệnh thực sự của nghệ sỹ trong mọi thời đại
Phần ghi chép là những trang viết da diết và sống động về những vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Còn trong chuyên mục chân dung, nhà phê bình Ngô Thảo đã dựng lên một không gian khác đầy ám ảnh và chứa đựng một thông điệp sâu sắc về cố nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Một phần vô cùng quan trọng và hấp dẫn xuất hiện trong Viết & Đọc chuyên đề mùa đông 2019 là những phụ bản của những họa sỹ tên tuổi của nền hội họa đương đại Việt Nam : Thành Chương, Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Phạm An Hải, Trần Vinh, Đỗ Trung Quân, Phạm Trần Quân, Đỗ Duy Minh. Nguyễn Mạnh Quỳnh, Trần Thắng và đặc biệt tranh dùng làm bìa 1 và bìa 4 là 2 bức tranh trong bộ tranh đặc biệt của họa sỹ Phạm Hà Hải.
Và Viết & Đọc đã dành một trang ở phần cuối sách ( theo sáng kiến của HS Lê Thiết Cương) để “khắc” vào đó những lời vàng ngọc của các danh họa thế giới về sáng tạo. Những lời đó không chỉ dành cho hội họa mà là chân lý chung cho mọi sáng tạo nghệ thuật.
Sách Viết & Đọc - Chuyên Đề Số Mùa Đông 2019 do Nhiều tác giả thực hiện, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark