Giới thiệu sách
"Về thu xếp lại..."
Lời Ngỏ
Người ta nói đúng. Mình đang ở tuổi nào thì đó là cái tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn! Một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi 20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi 60… thật là đáng thương!
Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…
Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!
Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ, “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (NCT), nhưng cũng là tuổi có thể lại vướng víu, đa đoan nhiều nỗi, để một hôm ngậm ngùi ta là ai mà còn khi giấu lệ/ ta là ai mà còn trần gian thế? (TCS)
Nhớ hồi ở tuổi 55, mới hườm hườm, tôi ngẫm ngợi, ngắm nghía mình rồi lẩn thẩn viết Gió heo may đã về. Đến 60 thì viết Già ơi… chào bạn! như một reo vui, đến 75 còn… ráng viết Già sao cho sướng?… để sẻ chia cùng bè bạn đồng bệnh tương lân. Nhưng 80 thì thôi vậy.
Đã đến lúc phải “về thu xếp lại” rồi, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”… rồi đó thôi!
Khi viết “Gió heo may đã về”, tôi cảm xúc từ nhạc Trịnh, nên đã mượn những ca từ của anh làm tiêu đề cho mỗi chương sách. Trong Lời bạt cho cuốn sách này, Trịnh Công Sơn đã viết: “… Bạc đầu có phải đã chớm già không. Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc… Tôi nghĩ rằng, không có già, không có trẻ, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là vô lễ”.
Thế rồi, đến một hôm kia, anh đã lại viết:
“Ôi phù du/
từng tuổi xuân đã già/
một ngày kia đến bờ/
Đời người như gió qua…”
Tôi nhớ mãi lần đến thăm anh ở phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy năm đó, trông anh như một tàu lá chuối khô, dán sát giường bệnh, tôi bỗng ngộ, những câu chữ anh viết trong ca khúc thì ra đã đến từ một cõi nào khác, xa xôi, một “mặc khải”, một “phó chúc” nào đó, chớ không phải từ tấm thân tứ đại ngũ uẩn mong manh này. Cho nên khi viết những dòng này, hôm nay, tôi lại nhớ người bạn nhạc sĩ họ Trịnh và lại mượn những ca từ của anh như một đề dẫn…
Những dòng viết này góp nhặt từ những trang nhật kỳ rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi kia, chỉ để sẻ chia cùng bè bạn thân thiết, những bè bạn cùng trang lứa, cùng tâm trạng.
Rất riêng tư, và rất chủ quan…
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 2.2019)
Thông tin tác giả Đỗ Hồng Ngọc
Bs. Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Bình Thuận. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969. Ông là bác sĩ chuyên khoa Nhi bệnh viên Nhi đồng 1 Tp.HCM, giảng viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM đồng thời cũng là nhà văn lớn với bút hiệu Đỗ Nghê.
Bs. Đỗ Hồng Ngọc người dành 32 năm tuổi trẻ cứu chữa, dạy học cho hàng trăm nghìn lớp trẻ, tuy đã đến tuổi “hưởng phúc” nhưng vẫn tận tụy truyền lửa cho lớp trẻ qua thơ văn của mình… Với hơn 32 năm chăm sóc, cứu chữa cộng đồng, hiện nay ông đã về hưu. Tuy nhiên, đó chỉ là gác lại công việc cứu chữa trực tiếp trên bàn mổ thôi! Bây giờ, ông vẫn là 1 vị bác sĩ, bác sĩ chữa trị các bệnh về tâm hồn. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ… Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn…
Sách "Về thu xếp lại..." của tác giả Đỗ Hồng Ngọc, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark