Giới thiệu sách
Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận hệ thống - Liên ngành
Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận hệ thống – Liên ngành
Từ thập niên 1990, môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam đã được hình thành, là một môn học thuộc khối kiến thức đại cương, bắt buộc, dành cho sinh viên năm thứ nhất của các trường đại học. Đáp ứng nhu cầu học tập đó, các giáo trình và sách tham khảo Cơ sở văn hóa Việt Nam đã lần lượt ra đời, cung cấp cho người học cách tiếp cận và những kiến thức cơ bản mang tính hệ thống về văn hóa Việt Nam. Tác giả của các sách ấy, tùy vào chuyên môn, sở trường của mình, đều cố gắng cung cấp những tri thức tinh lọc cả về lý luận và về thực tiễn để người học có thể lấy đó làm cơ sở cho việc học tập, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, biển học vốn bao la. Tri thức về văn hóa Việt Nam là một vùng biển nhỏ trong cái biển bao la đó. Các công trình nghiên cứu dù công phu đến mấy cũng chỉ mô tả được một phần nào vùng biển ấy thôi. Và ngay trong lúc nhà nghiên cứu đang gắng công mô tả thì vùng biển ấy cũng đã biến đổi rồi, khiến cho các bức tranh mô tả nó mau chóng bị thực tiễn bỏ lại phía sau. Huống chi, ngày nay đất nước Việt Nam đang mở cửa và hội nhập, tiếp nhận bao nhiêu là lý thuyết khoa học, phát minh khoa học và công nghệ, không lý gì chúng ta không tiếp tục chọn lọc, tiếp thu những lý thuyết khoa học đã được cộng đồng khoa học công nhận để vận dụng vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Đó là những suy nghĩ thúc đẩy chúng tôi nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm để biên soạn cuốn sách này.
Mục đích của cuốn sách này là cung cấp những tri thức cơ bản và cập nhật về văn hóa Việt Nam, được chọn lọc từ thành quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác nhau, và được hệ thống hóa sao cho các bình diện văn hóa Việt Nam thể hiện được quan hệ tương tác của chúng với nhau. Để đạt được mục đích ấy, chúng tôi phải tham khảo các lý thuyết khoa học liên quan đến văn hóa của các nhà nghiên cứu, và phải đối chiếu, sàng lọc, sắp xếp các thành tựu nghiên cứu liên quan đến văn hóa Việt Nam của các ngành khoa học. Người dẫn đạo cho chúng tôi trong hướng đi này là GS.TS. Phạm Đức Dương. Trong một báo cáo chuyên đề tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, ông phát biểu: “Hiện nay tư duy của giới nghiên cứu chúng ta không theo kịp sự phát triển của thế giới, cần đổi mới tư duy. Thế giới đang biến đổi liên tục. Cần có những cỗ xe thích nghi với sự biến đổi khó lường của thế giới. Cần đổi mới cách nhìn. Thực tế đó đặt ra ba yêu cầu về kiến thức: (1) kiến thức cần đồng bộ, không thể chuyên về một chuyên ngành mà ngu dốt về những lĩnh vực khác; (2) cần có tư duy phức hợp, thay thế tư duy cơ giới, phân tích – về vấn đề này, chúng ta nên tìm đọc Leslie A. White, Edgar Morin; (3) cần sáng tạo những khoa học mới” [Phạm Đức Dương, 2011]. Và trong các sinh hoạt học thuật tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng tiếp thu những gợi ý về lý thuyết nghiên cứu và tri thức văn hóa Việt Nam của các nhà khoa học đàn anh như GS.TS. Ngô Văn Lệ, PGS.TS. Trần Văn Ánh, PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, PGS.TS. Huỳnh Văn Tới, và các nhà khoa học khác. Dựa theo các gợi ý ấy, chúng tôi đã tìm đọc và chọn lọc vận dụng các lý thuyết hệ thống, các lý thuyết địa lý học văn hóa và sinh thái học văn hóa, các lý thuyết vùng văn hóa và khu vực lịch sử - văn hóa, các lý thuyết tiếp biến văn hóa, các lý thuyết tương đối luận văn hóa và đa dạng văn hóa của các nhà khoa học phương Tây để làm cơ sở lý luận nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Đây là những lý thuyết mà giá trị khoa học đã được thừa nhận rộng rãi nhưng chưa bao giờ được giới thiệu và vận dụng một cách đầy đủ và đồng bộ trong các giáo trình và sách chuyên khảo về văn hóa Việt Nam trước đây.
Các nguồn tư liệu được chọn lọc đưa vào sách trước hết là các công trình nghiên cứu có liên quan của các nhà nghiên cứu văn hóa học, văn hóa dân gian, dân tộc học, nhân học, sử học, khảo cổ học, dân tộc - ngôn ngữ học, v.v... Nguồn tư liệu kế tiếp là các tư liệu sơ cấp về văn hóa và ngôn ngữ của các tộc người mà chúng tôi đã trực tiếp thu thập từ 35 chuyến khảo sát điền dã tại 22 tỉnh thành ở ba miền Bắc - Trung - Nam từ năm 1983 đến năm 2014: Việt, Brũ, Sedang, Bahnar, Jrai, Êđê, M’nông, Chrau, Chăm, Khmer. Từ nguồn tư liệu ấy, trong thời gian từ năm 1994 đến nay chúng tôi đã biên soạn và công bố hơn 40 công trình nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ tộc người và lịch sử địa phương, có liên quan đến nội dung cuốn sách. Do lượng tài liệu tham khảo quá lớn, trong Thư mục cuối sách chúng tôi chỉ nêu hơn 300 tài liệu được trích dẫn hoặc tham khảo nhiều hơn cả.
Về hình thức, cuốn sách có bốn chương,
Lời nói đầu, Kết luận, và Thư mục.
Chương I: Giới thiệu cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu văn hóa Việt Nam;
Chương II: Trình bày về các giai đoạn văn hóa Việt Nam;
Chương III: Trình bày về các vùng văn hóa Việt Nam;
Chương IV: Trình bày các thành tố của cấu trúc văn hóa Việt Nam.
Sách Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận hệ thống - Liên ngành của tác giả TS Lý Tùng Hiếu, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark