Giới thiệu sách
Tư Trị Thông Giám tập 2
Tư trị thông giám, là bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, viết theo thể biên niên. Tập 1 của bộ sử này đã được NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Tri thức trẻ phát hành vào cuối tháng 11 năm 2017. Và sau nhiều tháng miệt mài, tập 2 của bộ sử này cũng đã được hoàn thành, gửi tới tay bạn đọc.
Tư trị thông giám tập 2 chép nhiều về thời cai trị của Hán Vũ đế, vị hoàng đế để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Trung Quốc, thường được so sánh với Tần Thuỷ Hoàng, đặc biệt là chính sách "Độc tôn Nho thuật" vừa khiến Nho học trở thành nền tảng tinh thần cho tất cả các triều đại từ đó về sau, vừa biến Nho học trở thành một phương tiện truyền bá tri thức chủ đạo, chi phối mọi mặt đời sống xã hội đến tận đầu thế kỷ thứ 20 ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Các chính sách khác như "Thôi ân lệnh" nhằm chia nhỏ nước chư hầu để trị, đặt chức Mậu tài để đi săn đầu người, đặt chức Thứ sử để đi thanh tra quan lại từ Thái thú trở xuống đều là các chính sách có tác dụng hoàn thiện và củng cố hệ thống chính trị, thâu tóm quyền lực vào tay triều đình trung ương, mang tính định hướng làm khuôn mẫu cho đời sau, đều được Tư trị thông giám tập 2 trần thuật, định giá xác đáng.
Tư trị thông giám tập 2 ghi chép rất đầy đủ và chi tiết về lĩnh vực ngoại giao. Từ thúc đẩy hoạt động thương mại, tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, xây Đô hộ phủ, đặt quân đồn trú tại các nước Tây Vực, cho đến việc thay đổi chủ trương hòa thân với Hung Nô chuyển sang chủ động tấn công; từ thủ đoạn xúi giục, ly gián, mua chuộc, tác động, xâm lấn, đồng hóa từng bước, cho đến chiến tranh quy mô lớn thôn tính lãnh thổ các nước Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Dạ Lang ở phía tây và phía nam. Tất thảy bạn đọc đều có thể tìm thấy ở Tư trị thông giám tập 2.
Cũng như tập 1, Tư trị thông giám tập 2 nêu tấm gương soi tỏ bài học thành bại được mất, làm rõ lý lẽ hưng thịnh suy vong, ngoài ra còn giúp bạn đọc có thể hình dung được chiến lược đối ngoại căn bản và xuyên suốt của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng; nắm được cách tư duy, suy nghĩ và phương thức thực hiện, những mục tiêu ngắn và dài hạn của chính sách này. Quan trọng không kém, chúng ta bắt đầu nhìn thấy những tư liệu đầu tiên liên quan đến lịch sử Việt Nam được ghi chép trong một bộ sử chính thống của Trung Quốc. Những dấu vết này sẽ giúp chúng ta hình dung được về hình hài đất nước ở giai đoạn sơ khai thông qua các câu chuyện về Nam Việt vương Triệu Đà, Tể tướng Lã Gia…
Tư trị thông giám tập 2 với chất lượng cả về hình thức và nội dung được thực hiện ở mức tốt nhất có thể. Bìa được in tốt hơn, hạn chế vấn đề bay nhũ, bản đặc biệt được làm đúng là đặc biệt, 11 bản đồ thời Chiến Quốc, Hán Sở, Tây Hán... được bổ sung cho cả tập 1 và tập 2 để độc giả tiện theo dõi diễn biến...
Hy vọng rằng Quý độc giả sẽ đón nhận Tư Trị Thông Giám 2 với tâm thế cởi mở, bao dung và sẵn sàng đồng hành cùng Tri thức trẻ books trong dự án dài hơi này.
Thông tin tác giả Tư Mã Quang
Tư Mã Quang (1019 - 1086), tự Quân Thực, lấy hiệu là Vu Phu, sau khi lớn tuổi xưng là Vu Tẩu, người đời gọi ông là Tốc Thủy tiên sinh.
Tư Mã Quang truyện trong Tống sử kể rằng: “Khi Quang lên bảy, nghe người khác giảng sách Tả thi Xuân Thu, lắng nghe đê mê, khi quay về, giảng giải lại cho người nhà , truyền thuật được hết các chỗ cốt yếu. Từ đấy về sau, tay không rời sách, đến mức quên cả đói khát, nóng lạnh.”
Năm Bảo Nguyên nguyên niên đời Tống Nhân Tông (1038), Tư Mã Quang mới 20 tuổi, thi đỗ tiến sĩ hạng Giáp khoa (hạng nhất), được bổ nhiệm làm Phụng lễ lang, bắt đầu tham gia chính sự. Trong thời gian tham gia chính sự, Tư Mã Quang thường luận bàn chính sách quốc gia, dần dần trở thành nhân vật quan trọng trên chính trường. Ông từng dâng sớ bàn về ba điều trọng yếu của việc tu thân là: Nhân, Minh, Vũ; ba điều trọng yếu trong việc trị quốc là: Quan Nhân, Tín thực, Tất phạt. Những luận bàn ấy được đánh giá là khá thấu đáo. Chủ trương của Tư Mã Quang mang nặng tư tưởng Khổng, Mạnh, là thủ lĩnh nhóm bảo thủ.
Tư Mã Quang là một tấm gương sang về lối sống, được dân chúng đương thời kính ngưỡng. Khi Tư Mã Quang qua đời, Tống Triết tông ra lệnh cho thần dân dừng hết mọi công việc, đề tang ba ngày. Tương truyền dân chúng tại kinh sư nghe tin Tư Mã Quang chết, thương khóc thống thiết như khóc người thân, đám tang của ông có hơn vạn người đến dự.
Thông tin dịch giả
Nhóm Cổ Thư Lâu bao gồm những thành viên: Bùi Thông, Phạm Thành Long, Nguyễn Đức Vịnh, Võ Hoàng Giang, Lê Hải An, Cao Thế Khải, Nguyễn Đỗ Thuyên, Trần Minh Tiến.
Mùa hè năm 2016, bộ sử Tam Quốc Chí (Trần Thọ) lần đầu được giới thiệu đầy đủ, hệ thống tại Việt Nam. Điều gây ngỡ ngàng ở chỗ bộ sách đồ sộ này được ra đời từ những người bạn quen nhau qua mạng, gắn kết bởi có chung sự quan tâm tới cổ sử, quyết tâm làm bộ sách vì tình yêu với lịch sử.
Cuối tháng 11 năm 2017, nhóm dịch tiếp tục mang tới bất ngờ mới: họ chuyển ngữ và cho ra mắt tập một bộ Tư trị thông giám (Tư Mã Quang chủ biên). Đây là bộ sử đồ sộ, trong nguyên tác có tới 294 cuốn và ba triệu chữ Hán cổ.
Về lí do thực hiện bộ sách, dịch giả Bùi Thông – thành viên trụ cột của nhóm chia sẻ: “…Như một guồng máy đang chạy, chững lại một thời gian bỗng thấy hụt hẫng. Lại cũng vì ham thích nghiên cứu cổ sử, nhóm muốn dịch một bộ sách nữa, liên quan ít nhiều với sử Việt, để gọi là có ích với cộng đồng.
Tư trị thông giám được chọn sau một thời gian bàn bạc và cân nhắc. Đây là bộ sử bao hàm những giá trị rộng lớn, cho ta hiểu thêm về tư duy và phương cách trị quốc truyền thống của giới lãnh đạo Trung Quốc, đáng để người Việt xem, ngẫm, ghi nhớ. Song, cũng phải nói đây là một sự liều lĩnh, bởi lẽ đây là một bộ sử đồ sộ bậc nhất của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm rằng núi dẫu cao, bước kiên trì vẫn có thể lên tới đỉnh.”
Nói về việc phân chia công việc, dịch giả Bùi Thông cũng chia sẻ: Vì bộ sách dài, nhóm phân chia mỗi người dịch một số kỷ nhất định. Một số người phụ trách sưu tầm sử liệu, nguồn dịch, các tài liệu đối chứng rải rác trong “Nhị thập tứ sử” so sánh với tư liệu gốc, tránh sai sót.
Sau khi dịch xong vài cuốn nhỏ, sẽ chuyển sang cho một người hiệu đính, loại bỏ câu tối nghĩa, hoặc dịch chưa tròn ý, bổ sung chú thích cần thiết còn thiếu.
Hiệu đính xong, một số người khác sẽ tập trung rà soát từng câu, đảm bảo ngữ nghĩa thông suốt, thoát ý, câu văn không bị vấp váp, sửa lỗi chính tả. Cứ thế dần dần hoàn thành từng tập.
Ông Phạm Thành Long, một thành viên khác trong nhóm chia sẻ thêm: “Có thể nói là nhờ sự xuất hiện của Tam Quốc chí, nhóm dịch ban đầu chỉ gồm ba người đã kết nối được với nhiều bạn bè mới cũ cùng sở thích để hình thành nhóm Cổ Thư Lâu. Mỗi người phụ trách một công đoạn.”
Nói về việc bộ sách này, nhóm Cổ Thư Lâu từng có lần lên tiếng: Bắt tay vào việc chuyển ngữ pho sử đồ sộ này, nói là một thu chơi, hoặc một việc làm “không tự lượng sức”, đối với nhóm dịch và biên soạn, thế nào cũng đúng.
Sách Tư Trị Thông Giám tập 2 của tác giả Tư Mã Quang, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark