“Nhiều người cho rằng, một trong những đặc sắc của ngòi bút Nam Cao là đã mạnh dạn đưa cái “hằng ngày” vào văn học, nghĩa là chẳng cần sự kiện gì quan trọng, chẳng cần kịch tính gì lớn lao, tác phẩm chỉ dệt toàn bằng những chi tiết vặt vãnh, những xung đột vô nghĩa giữa những con người bé nhỏ tội nghiệp. Nhưng tôi nghĩ, viết được như thế thực là khó…” - Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh
Thông tin tác giả Nam Cao
Nhà văn Nam Cao (1915-1951), tên thật là Trần Hữu Tri, bút danh khác: Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt. Quê quán: Làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bút danh Nam Cao được ghép hai chữ đầu của tên tổng và huyện quê hương ông.
Ông là một nhà văn hiện thực phê phán (trước Cách mạng) và được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỉ XX. Nam Cao còn là người có đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách viết truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XX, có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông viết nhiều và có những tác phẩm đặc sắc: Chí Phèo, Dì Hảo, Lão Hạc, Lang Rận, Tư cách mõ, Mò sâm banh, Đôi mắt, Sống mòn... Với những cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà, năm 1996, Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật.