Giới thiệu sách
Tự Học Để Thành Công
Tự Học Để Thành Công
Hồi mới ở trường ra, tôi được bổ vào làm sở công chánh Nam-Việt. Người ta đưa tôi xuống Long Xuyên, giao cho công việc đo mực đất và mực nước ở khắp miền Hậu Giang và Tiền Giang.
Vì những lẽ về kĩ thuật, chúng tôi phải đo ban đêm. Bạn nào ở những tỉnh từ Châu Đốc tới Bạc Liêu trong mấy năm trước chiến tranh chắc được thấy cứ lâu lâu lại có một bọn 6-7 người, kẻ cầm đèn pha, kẻ xách thước, hoặc máy, đi nhắm theo các đường cái và bờ kinh. Bọn đó là chúng tôi. Chúng tôi làm việc từ 6giờ chiều đến 12giờ khuya, hoặc từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng.
Đời sống khác thường ấy tất nhiên là không thú gì, trong khi thiên hạ yên giấc thì mình phải lặn lội; gặp những đêm trăng thanh gió mát còn dễ chịu chứ vào mùa mưa thì cực khổ vô cùng, nhất là những khi phải len lỏi trong những đám lau sậy ở Đồng Tháp Mười, đã nhiều muỗi lại nhiều đỉa. Tuy nhiên, đời sống của loài vạc đó cũng có cái lợi là chúng tôi có nhiều thì giờ rãnh lắm. Mỗi ngày được 18 giờ tự do, biết dùng vào việc gì ? Đi chơi - chùa nào cũng vào chợ nào cũng ghé - rồi chụp hình, nói chuyện phiếm, viết nhật kí... mà vẫn không hết ngày. Đành phải đọc sách.
Có hồi mưa gió liên tiếp 9-10 ngày, chúng tôi phải nằm co trong một chiếc ghe hầu cửa đóng kín mít và đậu ở trên những kênh Xà No hoặc Phụng Hiệp, xa chợ, xa quận, xa bạn, xa nhà. Buồn ôi là buồn ! Những lúc đó, không có sách đọc, chắc tôi loạn óc mất, nên gặp sách gì tôi cũng đọc, đọc bậy bạ, hỗn độn, vô phương pháp, vô mục đích, đọc từ những phóng sự của Maurice Dekobra, truyện trinh thám của Conan Doyle đến những sách về Phật học, Thông thiên học, và Tiểu thuyết thứ bảy của nhà Tân Dân...
Hán tự hồi ấy tôi mới biết lem nhem được vài nghìn chữ mà cũng mua của một Huê Kiều gần cầu tàu Cần Thơ một bộ “Văn tâm điêu long”. Đem về ghe, coi trọn một ngày chẳng hiểu chút gì, đành phải bỏ. Hiểu làm sao nổi! Sách thì khó mà lại in sai be bét và không chú thích.
Thành thử trong hai năm trời lênh đênh trên sông rạch, đọc hàng trăm cuốn sách mà thật là có ích lợi thì chỉ có mỗi một bộ, tức bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim mà một ngày mưa dầm, vào trú chân trong một quán tạp hoá ở Bạc Liêu, tôi tình cờ kiếm được trong một tủ kính ở góc tiệm, bên cạnh những hộp nhung và đèn cầy.
Bây giờ nghĩ lại mà tiếc! Thi giờ nhiều mà không biết dùng, chịu đọc sách mà không biết cách đọc.
Nói cho đúng, tôi cũng có mờ mờ một mục đích đấy là trau giồi Việt ngữ, nhưng trau giồi ra làm sao và nên đọc những sách nào thì xin thú thật là hồi đó tôi không nghĩ tới. Thậm chí, tôi không biết mua sách ở đâu nữa. Tôi không nói ngoa đâu, thưa bạn. Có lần nghe một người giới thiệu cuốn L’Art d’écrire của A. Albaiat, tôi lại nhà sách Hậu Giang ở Cần Thơ hỏi mua, không có rồi thôi, chứ không biết hỏi những nhà sách lớn ở Sài Gòn hoặc ngay nhà xuất bản ở bên Pháp. Tới sách xuất bản trong nước tôi cũng không rõ có những loại gì mà sách xuất bản 20 năm trước có nhiều gì đâu chứ !
Tình cảnh của tôi quả như một người muốn qua một khu rừng mà không biết phương hướng cứ bước càn, đương đi về phương Bắc lại quay xuống phương Nam rồi rẽ qua Đông, qua Tây...
Thông tin tác giả Nguyễn Hiến Lê
Sinh (ngày 20 tháng 11 năm 1912 – ngày 22 tháng 12 năm 1984) là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập Việt Nam, có 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, v.v. Trong hồi ký, Nguyễn Hiến Lê viết: "...Tôi sinh ngày 20 tháng 11 ta, giờ Dậu, năm Tân Hợi (nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1912). Đổi ra bát tự để lấy lá số Tử Bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng canh tý, ngày Quý Mùi, giờ Tân Dậu".
Nguyễn Hiến Lê quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội). Thân phụ ông tên Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như, là con trai út của một nhà Nho. Thân mẫu ông tên Sâm, làng Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo. Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.
Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.
Sách Tự Học Để Thành Công của tác giả Nguyễn Hiến Lê, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark