Truyện Kiều Văn Xuôi Dành Cho Người Trẻ
Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất trong nền thi ca Việt Nam. Người nào trong thời gian học trung học cũng có dịp được nghe, được học một ít về Truyện Kiều. Tuy nhiên đối với người trẻ, Kiều là một tác phẩm cổ điển, được kể bằng văn vần và có nhiều điển tích nên để thưởng thức hết được cái hay là một điều không dễ.
Để giúp người trẻ tiếp cận, thưởng thức những cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều, cũng như khơi nguồn cảm hứng tiếp cận với nguyên tác, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dày công biên soạn tác phẩm này dưới dạng văn xuôi, gần gũi hơn với phong cách đọc của bạn trẻ.
Bên cạnh đó, sách còn trích lại bài nói chuyện của sư ông tại San Jose, California vào tháng 10/1993 về chủ đề "KIều và văn nghệ đứt ruột", phân tích nguyên căn những đau khổ mà Thuý Kiều phải chịu đựng suốt mười lăm năm dài và "văn nghệ đứt ruột" ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống.
Thông tin tác giả Thích Nhất Hạnh
Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, là một thiền sư, giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam. Ông sinh ra ở Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, ông đã sống tại Pháp hơn 40 năm. Ông đã về nước và hiện sống tại Huế kể từ năm 2018.
Thích Nhất Hạnh được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Việt Nam: Hoa sen trong Biển lửa (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) của ông xuất bản năm 1967. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.