Giới thiệu sách
Tròng Trành Và Lệch Chuẩn
Sách Tròng trành và lệch chuẩn là một bộ đôi: Viết như nội tâm hóa tham dự văn chương và Viết như nội tâm hóa tham dự văn hóa. Sự phân biệt giữa văn chương và văn hóa, quả thực, ít nhiều có tính hình thức. Bởi, nhà văn học nào tiến ra khỏi lĩnh vực của mình, dù chỉ một bước, là đã chuyển sang văn hóa. Hơn nữa, với phương pháp nghiên cứu liên/xuyên ngành hiện nay, thì bản thân phê bình văn học không còn là văn học thuần túy nữa, mà đã là phê bình văn hóa. Tuy vậy, dựa vào nét trội, tôi vẫn cứ tạm phân loại như vậy. Con người vốn là một động vật phân loại. Viết như nội tâm hóa tham dự văn chương gồm hai phần Tròng trành phương pháp và Lệch chuẩn phê bình. Phê bình văn học Việt Nam đi sau thế giới vài ba nhịp. Sự lỗi nhịp này khiến nó ít có sáng tạo lý thuyết, mà chủ yếu là ứng dụng, dù là ứng dụng sáng tạo. Dù sao, trải qua gần một thế kỷ, các lý thuyết và phương pháp phê bình cũng đã tạo nên một lịch sử tư tưởng văn học. Tuy vậy, ở cuốn sách này tôi không trình bày lịch sử đó một cách tuyến tính, thứ lịch sử hàng ngang, mà theo lối chồng tầng của lý thuyết hệ hình, một thứ lịch sử hàng dọc. Điều này trước hết phù hợp với thực tế phát triển gối tiếp của phê bình nói riêng và sáng tác nói chung. Đồng thời, khiến bạn đọc cùng lúc nhìn thấy các hệ hình phê bình khác nhau xuất hiện trên diện đồng đại, để hy vọng làm nổi lên những cấu trúc tâm thức tiềm ẩn. Lịch sử tư tưởng phê bình còn được tôi trình hiện qua các nhà văn - phê bình. Tôi không viết về tiểu sử cá nhân hay con người xã hội của họ, mà coi họ như một nhân vật, một chiều kích nhân học, nhân học văn hóa, của tác phẩm phê bình. Chính các nhân vật này, với hoàn cảnh riêng biệt và cá tính đặc sắc của mình đã làm cho các nhà văn - phê bình đi lệch khuôn mẫu, cơ sở cho sự sáng tạo cá nhân. Để phù hợp với sự lệch chuẩn đó, tôi viết tùy bút chân dung, chân dung nhìn nghiêng, chân dung học thuật. Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng, sự thực hành phê bình tốt nhất là đúng in với các nguyên mẫu lý thuyết. Nhưng lý thuyết, một khi du hành/di thực sang cộng đồng mới, thì bản thân nó không còn nguyên vẹn nữa. Vả lại, các cộng đồng phê bình với những chân trời đón nhận khác nhau cũng sẽ tạo ra các lý thuyết khác nhau, gây nên sự tròng trành phương pháp và lệch chuẩn phê bình. Sự không khớp này trong chủ nghĩa hiện đại bị coi là nhược điểm, là điểm yếu, nhưng trong hậu hiện đại, từ cái nhìn giải/hậu thuộc địa thì lại là ưu điểm, một yếu điểm. Bởi, độ chênh này lý giải được nhiều điều. Hơn nữa, cái bị coi là lai căng ngày xưa, lai ghép ngày nay chính là cơ sở để phát triển, một phát triển khác. Như vậy, phê bình, với tôi, là trải nghiệm. Trải nghiệm là nội hóa những đối tượng ngoại tại. Khi ấy, viết ra thì viết không còn là quan sát nữa, mà đã là tham dự, một tham dự huyền bí, không còn phân biệt tôi và phi tôi. Thậm chí, viết tạo ra tôi, như một nhân - vật - chữ
Sách Tròng Trành Và Lệch Chuẩn của tác giả Đỗ Lai Thúy, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark