Tôi Nghe Tôi Hát
Nếu bạn đã đọc “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hay “Truyện và ký" của Dương Thị Xuân Quý thì bạn đã có được những hiểu biết phần nào về công việc và đức hy sinh của các chiến sĩ là nhà văn, nhà báo, nhà trí thức cách mạng thời gian khó ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ từ Bắc vô Nam, và đặc biệt trên chiến trường khu Năm. Có lẽ đó là ba cuốn sách tiêu biểu của ba người chiến sĩ tiêu biểu được hình thành từ trong chiến đấu và công tác, được “viết bằng máu và nước mắt” và được bạn đọc cả nước đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt được các bạn trẻ nhiều năm qua học tập và nêu gương sáng về lòng yêu nước, yêu đời, yêu cuộc sống. Đó là những ấn phẩm được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tổ chức in ấn và phát hành sau những năm chiến tranh, với một tình cảm tri ân sâu sắc và lòng ngưỡng mộ tha thiết.
Chiến tranh đã lùi xa ba mươi tám năm rồi, nhưng những ký ức, những điều đã diễn ra trong cuộc đời mỗi một người chiến sĩ thời chiến tranh, dù ở chiến trường nào, mặt trận nào, dù ở lĩnh vực nào, cương vị nào, rồi cũng đều được lần lượt ghi lại trên mặt báo và trên trang sách, trên những thước phim tư liệu và cả trên văn đàn. Cuốn sách được tác giả khiêm tốn đặt tên là Tôi Nghe Tôi Hát, một trong những cuốn sách đặc biệt nhất của một chiến sĩ, một con người đặc biệt. Chị là Trần Duy Phương.
Trần Duy Phương là tên cha mẹ đặt, nhưng khi bị địch bắt trong lúc làm nhiệm vụ và bị làm tù binh, trong lần “khai báo” tên tuổi đầu tiên, chị đã buột miệng thốt ra một cái tên tình cờ, như là định mệnh: Trần Thị Mai. Thế là từ ấy cho đến khi được trao trả, chị mang tên tù là Trần Thị Mai và mãi cho tới bây giờ, qua bao năm tháng cùng hàng ngàn chị em tù tranh đấu với mọi thủ đoạn âm mưu độc ác, với các trận tra tấn đòn thù tàn bạo của nhà tù chế độ Việt Nam Cộng hòa từ nhà tù Non Nước (Đà Nẵng), đến Phú Tài (Quy Nhơn), từ Cần Thơ đến Lộc Ninh. Suốt chừng ấy năm lao tù chị vẫn phải di chuyển trên cáng, được các chị em bạn tù - đồng đội của chị đùm bọc và chia sẻ. Bây giờ chị nhớ lại và kể cho chúng ta hay với giọng kể trầm tĩnh, chân tình, nhẹ nhàng, dung dị. Chị kể như kể cho mình, cho bạn bè người thân của mình nghe. Chị kể giống như trong gian khổ ác liệt của lao tù năm nào các chị lấy lời ca tiếng hát làm khiên che đỡ, làm vũ khí chiến đấu để chiến thắng. Toàn bộ tuổi trẻ của Trần Duy Phương - Trần Thị Mai là chiến đấu và chiến thắng. Chị luôn luôn đã và đang chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cũng như chiến đấu và chiến thắng thương tật, bệnh tật.
Sức sống kỳ lạ của một con người kỳ lạ. Đó là sự bất tử của tinh thần kiêu hãnh và kiên trung mà chỉ có tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ chúng ta mói có được.
“Cuốn tự truyện của Trần Duy Phương, nguyên nữ sinh Trung học Trần Quý Cáp, Hội An mà trong tù tình cờ có tên là Trần Thị Mai thuyết phục người đọc bời lời văn giản dị, các sự kiện được trình bày chi tiết, trung thực, không lên gân, gần gũi với suy nghĩ của mọi người. Cuộc đời của nữ chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi cứ hiện lên bình dị trong khốc liệt, nỗi đau và niềm vui đan xen nhau như đời thường trong cái bất thường của cuộc sống.” - Nhà văn THÁI BÁ LỢI