Tôi Chết Bắt Đầu Một Thế Giới Sống
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực gìn giữ hòa bình, hàn gắn vết
thương chiến tranh, xây dựng, phát triển đất nước. Cũng từng ấy thời gian, người Mỹ, dù vẫn ở vị trí hàng đầu về tiềm
lực quân sự, nhưng họ không ngừng tự hỏi: Tại sao một đất nước hùng mạnh như Mỹ lại thua ở Việt Nam?
Người Mỹ đã có nhiều cách để lý giải, nhưng nguồn cội sâu xa nhất làm nên sức mạnh chiến thắng ở trong nhân cách người
Việt, thì họ khó lòng mà hiểu hết.
TÔI CHẾT, BẮT ĐẦU MỘT THẾ GIỚI SỐNG của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về bác sĩ Trần Văn Bản, chứng nhân lịch
sử có mặt ở chiến trường ác liệt Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Anh đã sống, chiến đấu và tận tay cứu
chữa cho bao nhiêu đồng chí bị thương, tự tay chôn xác, đánh dấu vị trí chôn cất đồng đội mình. Chiến tranh kết thúc,
người bác sĩ nặng nghĩa tình đồng đội đã lặng thầm trong 20 năm đi tìm hài cốt đồng đội và đưa các anh về với quê nhà,
mẹ cha. Từ việc làm nhân ái của những con người đi qua chiến tranh và nặng lòng với đồng đội còn nằm lại ở những cánh
rừng như bác sĩ Trần Văn Bản, phong trào đền ơn đáp nghĩa rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân đã lan tỏa, minh chứng
cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm đã được trao giải thưởng Văn học năm 1997 của Hội Nhà văn Việt Nam và được Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố
Hồ Chí Minh chọn vào bộ sách Một thế kỷ Văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh 1900 - 2000.