Giới thiệu sách
Tình yêu ở toa thứ bảy
Giới thiệu tác giả:
Olga Aleksandrovna Slavnikova sinh năm 1957 tại Sverdlovsk (hiện là Yekaterinburg – LB Nga), nữ nhà văn Nga, giải thưởng Booker Nga (2006). Tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Tổng hợp quốc gia Ural năm 1981, làm việc một thời gian trong ngành xuất bản trước khi bắt đầu viết cuối thập niên 1980. Hiện là điều phối viên mảng văn xuôi của giải thưởng văn học trẻ “Debut”. Bà đang sống và làm việc ở Moskva.
Olga Slavnikova - tiểu thuyết gia nổi tiếng, từng đoạt giải thưởng “Booker Nga”, xuất hiện trong cuốn sách này như một người kể chuyện tuyệt vời. Những câu chuyện trong tuyển tập hấp dẫn và đa dạng: Tình yêu, trinh thám, viễn tưởng, dân gian…
Tất cả được liên kết bằng chủ đề đường sắt, nguồn vô tận của những cốt truyện và nhân vật. Và theo tác giả, cái chính là bạn hãy chuẩn bị để nhìn ra bên ngoài những giới hạn của thực tiễn mỗi ngày, bất kể bạn đọc cuốn sách này khi ngồi ở nhà, trên một chiếc ghế thoải mái hay đang nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, mà lướt qua đó đang lao đi như một chuyến tàu nhanh.
Viễn tưởng xác thực
Tôi thích đi tàu lửa. Thích hơn nhiều so với đi máy bay. Không phải vì tôi sợ độ cao (ở bảy ngàn mét trên mặt đất thì chẳng cảm nhận được độ cao nào, đúng hơn chỉ có cảm giác người ta đang chở bạn bằng xe kéo trên con đường gồ ghề). Vấn đề ở chỗ hàng không dân dụng đang lừa dối: tưởng như từ Moskva đến quê hương Yekaterinburg của tôi chỉ bay hết hai tiếng mười lăm phút, nhưng thực tế bạn phải mất một tiếng rưỡi để tới được sân bay (vì kẹt xe), nửa tiếng ở phi trường (đăng ký, kiểm tra), sau đó bạn bay, nhận hành lý, rồi mất một tiếng để về nhà... Kết quả – bạn mất cả ngày trong cảnh bận rộn vô ích, lại còn phải hạ cánh hoàn toàn không phải ở Koltsovo vì điều kiện thời tiết. Còn ngồi vào chuyến tàu “Ural” ở nhà ga Kazansky, và thế là hầu hết khoảng thời gian đó, ngoại trừ lúc ngủ, hoàn toàn là của bạn.
Với tôi, quãng thời gian trên các chuyến tàu có một giá trị đặc biệt. Thông thường, sau các sắp xếp đầu tiên, trong khoang bắt đầu những cuộc trò chuyện. Thật tình thì người ta kể về mình cho những người đồng hành ngẫu nhiên nghe còn nhiều hơn là cho họ hàng hay người thân. Đường sắt là nguồn của những cốt truyện. Và cũng là nguồn của những nhân vật. Kể cả khi người đồng hành không nói gì suốt đoạn đường, nhưng bề ngoài của anh ta, cách anh ta lật tờ tạp chí hay vỗ vỗ cái gối dẹt vốn là của chung để nó phồng lên, cũng tạo ra một cú hích cho ý tưởng của tác giả. Một số nhân vật các tiểu thuyết của tôi đã có căn nguyên đường sắt như thế đấy. Tôi tóm chặt họ theo mình, như những hành khách tính toán khác vớ lấy xà phòng từ bộ vệ sinh cấp cho hành khách hay một tí đường gói trong ống in thương hiệu công ty.
Ngoài ra, những gì diễn ra bên ngoài cửa sổ toa tàu luôn thú vị. Thuở nhỏ, khi đi tàu, tôi và cha thường chơi trò “Thấy – không thấy” của chúng tôi. Theo luật chơi, bạn phải là người đầu tiên nhận ra gì đó buồn cười hay hấp dẫn. Cha luôn nhận ra trước tôi các ô tô với những người ngồi sau tay lái, xe đạp và những người đạp xe, còn tôi thì nhận ra mèo, chó và những gì bán trên các ga xép, quả trái dọc đường. Từ dạo đó, cảnh trí mà con tàu chúng tôi lao qua luôn chiếm trong tôi chiều sâu và mối quan tâm ấy, vốn đặc trưng cho những minh họa trong những quyển sách thiếu nhi yêu thích nhất.
“Đường sắt – đó là nơi lãng mạn. Bạn thiếp đi ở một nơi và thức giấc ở chốn khác...”, – Aleksandr Kabakov đã nói như thế khi đề nghị tôi viết một loạt các truyện ngắn cho tạp chí Túi du lịch SV. Ý tưởng này cuốn hút tôi. Mà nếu nói thật thì trong bất kỳ câu chuyện nào, tôi luôn ưu tiên cho mối quan tâm sáng tạo của tôi, tức cuối cùng vẫn là mối quan tâm của độc giả tương lai quyển sách, hơn là những lợi ích của tạp chí này. Từ phía khác,tạp chí này linh động và đôi khi uyển chuyển một cách bất ngờ: có khi để đăng một câu chuyện quá dài, Túi du lịch SV đã phải gác một số chuyên mục của mình, điều tôi chân thành biết ơn.
Những chuyện kể trong quyển sách này được viết cho các độc giả sẵn sàng nhìn xa hơn thực tiễn đời thường một chút. Dưới bìa sách là sự pha trộn các thể loại khác nhau, từ phản địa đàng đến trinh thám, từ tình yêu đến thần bí. Tôi xác định tất cả chúng như thể loại viễn tưởng xác thực. Có nghĩa, ví dụ như, quả có hiện hữu các dự án về những con tàu siêu tốc được mô tả trong “Viên đạn Nga”, nhưng chúng đã bị kết liễu vì những lý do không rõ. Hay những cơn vòi rồng khổng lồ còn chưa tới Vologodchina, như trong truyện viết về “ẩn sĩ”, nhưng tác giả đã lục lọi những bài báo khoa học, xem những đoạn phim nghiệp dư, trò chuyện với các nhân chứng từng quan sát vòi rồng ở Mỹ, và cam đoan về tính chân thực của nhân vật đáng gờm này. Nếu trong truyện ngắn “Tình yêu ở toa thứ bảy” xuất hiện mụ phù thủy Yakutsk, lúc thì con quạ đen đầu trắng, lúc thì dây cung căng dài giữa những đỉnh núi, – đó là cốt lõi của những yếu tố thực hành thần bí của các phù thủy, cần cho một cốt truyện hư cấu. Một giả định viễn tưởng chỉ có thể hoạt động toàn lực trên cơ sở tính xác thực. Thứ vũ khí, được treo trên tường ở buổi đầu hành động và bắn ra ở đoạn kết, không phải là một vũ khí trừu tượng, mà là khẩu hai nòng sản xuất ở Tula hay súng tiểu liên Kalashnikov. Khi đó phát súng mới trúng mục tiêu.
Cuối cùng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Aleksandr Kabakov, người đã khích lệ tôi viết quyển sách này. Tôi cũng cảm ơn Leonid Nikolayevich Slavnikov, nhiều năm làm trưởng bộ phận tài chính Đường sắt Sverdlovsk mà những tư vấn của ông đã bảo đảm tính chính xác cho những chất liệu nền.
Olga Slavnikova
Trích đoạn Vật chất
"Tất cả chung quanh, tới đâu mà tầm mắt còn nhìn thấy, mang màu xanh lá, mềm mại, an nhiên, đầy nắng ban trưa. Chân trời thấp miền trung Nga, với những đám mây xanh u ám nằm ngang ở tận rìa, để lại rất nhiều khoảng trống cho bầu trời mở, trong đó hót vang tận trên cao chú sơn ca vô hình. Những cây táo sần sùi nở hoa, đám cò tu sửa những cái tổ cũ kềnh càng, nén đầy những nhành rêu bám sau mùa đông; con rái cá lớn có ria quẩy nước tung tóe trong con song Surogzha tĩnh lặng, đang cố trôi khỏi tầm mắt đến những bụi cây; hai thị trấn, Goroshin và Lgovsk, nằm cách xa nhau giữa những ngọn đồi mờ ảo, giống những tấm chăn bông chần của trẻ em, trên đó ném những món đồ chơi vương vãi.
Vào ban trưa của ngày lạ thường đó, trong số những thứ đôi khi rơi xuống số phận của miền đất không phải hạnh phúc lắm này, có một ảo ảnh đỏ gầm rú, xé tung thực tại. Cháy, run rẩy và tỏa lan những luồng không khí nóng những toa lật của một tàu hàng bị trật đường ray. Dường như những trận mưa xuân xa xỉ, tưới tắm và vực dậy toàn bộ cỏ cây nở rộ này, đã làm xói mòn nền đường. Lũ cũng góp phần: năm nay tuyết dầy đến độ những hành khách đường sắt tưởng ở chỗ các ngôi làng bị vùi lấp chẳng có gì,chỉ như bị xẻng đào bới. Băng tan nhanh; những con suối như những sợi xích gầm rú, cắt nát sườn những khe xói; con song Surogzha lầm lì cũng đã cuốn đi và đánh tan tành bốn chiếc thuyền đánh cá. Tất cả những diễn biến ấy đã dẫn đến việc con tàu hàng nặng bị chệch khỏi bước đi đều ở chỗ rẽ, nảy lên, như cây phong cầm say".
Sách Tình yêu ở toa thứ bảy của tác giả Olga Slavnikova, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark