Giới thiệu sách
Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Của Người Việt - Những Công Trình Nghiên Cứu (Bìa Cứng)
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ biến, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam. Thờ Mẫu chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ; được người đời cho rằng có quyền năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: trời, đất, sông nước, rừng núi….; thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Trải qua hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ; Tứ phủ, ngoài ba phủ trên có thêm Địa phủ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu gần gũi với thiên nhiên, đất trời, gắn với thân phận của người phụ nữ Việt Nam … Người ta đến với Mẫu để tìm chỗ dựa về tinh thần, tìm được sự che chở của người mẹ…dẫu biết rằng khi đến với tín ngưỡng này con người cầu xin từ những cái vô hình, để hy vọng có thể nhận được những cái hữu hình. Tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo tồn qua lễ hội, qua niềm tin và qua đời sống tâm linh để tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, ngay từ khi hình thành, văn hóa Việt Nam đã mang tính thống nhất, nhưng vẫn có những nét riêng về văn hóa của mỗi tộc người sống trên cộng đồng lãnh thổ Việt Nam, đánh dấu sự khác biệt giữa tộc người này với tộc người khác.
Thờ Mẫu là một hiện tượng xã hội tương tương đối phức tạp và khó nghiên cứu, vì nó dung hợp nhiều tín ngưỡng và tôn giáo và được biểu hiện qua nhiều hình thái khác nhau. Về phương diện thánh thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành một hệ thống thánh thần với nhiều chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Về phương diện điện thần thì thờ Mẫu bước đầu đã hình thành một hệ thống không gian thờ và có những nghi lễ điển hình như hầu bóng (hầu đồng)… mà các tín ngưỡng dân gian khác không có. Có quan điểm cho rằng thờ Mẫu đã trở thành một tôn giáo sơ khai, nhưng lại có những quan điểm không đồng tình, chỉ khẳng định thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian… Điều này càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là những người quan tâm đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá.
Tín ngưỡng thờ Mẫu giữ một vị trí đặc biệt trong sinh hoạt tinh thần của người dân Việt; nó là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đã tồn tại trong lịch sử và cả thời đại ngày nay. “Mẫu” là hình tượng, một biểu trưng và là sự kết tinh sống động của đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam. “Mẫu” có sức hấp dẫn đặc biệt, nhưng cũng đặt ra không ít các vấn đề cho nhiều nhà khoa học, nhiều người nghiên cứu quan tâm theo nhiều hướng khác nhau trong toàn xã hội. Đến với “Mẫu” không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn có sức lôi cuốn con người. Người ta đến với “Mẫu” còn có cả sự đồng cảm về giá trị văn hóa và góp phần củng cố ý thức cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Đã không ít người lầm tưởng rằng, nền văn hóa Việt Nam nói chung, tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nói riêng chẳng qua chỉ là sự sao chép, chụp lại của những nền văn hoá và tôn giáo lớn thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc…
Tất cả những gì của Việt Nam đó chẳng qua chỉ là một biểu hiện khác của Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không nằm ngoài quan điểm đó. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Mặt khác, chúng ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc tiếp thu những thành tựu khoa học – kỹ thuật thế giới đang là cơ hội để chúng ta tiếp thu những thành quả trí tuệ của loài người. Một vấn đề đặt ra là muốn đa dạng văn hóa thì phải mở rộng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác để tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, khi giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, độc đáo cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Công cuộc đổi mới đất nước gần ba mươi năm qua, ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Ở lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng có những biến đổi căn bản, trên cả phương diện nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của công tác tôn giáo.
Trong Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) của Đảng, đưa ra quan điểm chỉ đạo cơ bản: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội” và “nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc biệt, vào ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì thế, việc nghiên cứu vấn đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam tôi cho là cần thiết, để hiểu thêm về các hiện tượng, các quan niệm xã hội…, từ đó hiểu được một phần nguồn gốc, đặc thù của tư tưởng, tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các giá trị văn hoá truyền thống mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng. Thông qua việc nghiên cứu này để đóng góp một phần vào việc xác định những nhân tố tích cực, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Của Người Việt - Những Công Trình Nghiên Cứu (Bìa Cứng) của tác giả Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Nam Định, Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Quốc Gia Việt Nam, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark