Trong năm đại gia tiểu thuyết võ hiệp tân phái, Kim Dung là người có số lượng tác phẩm ít nhất.
Nhưng đại hiệp Kim Dung lại được giới hâm mộ và các nhà nghiên cứu phê bình công nhận là võ lâm minh chủ. Nguyên nhân chủ yếu của sự nhất trí này là do tiểu thuyết của Kim Dung đều là những tinh phẩm thượng thừa của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Trong những tinh phẩm thượng thừa đó, Thiên Long Bát Bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.
Do thị hiếu khác nhau, có người thích Lộc Đỉnh Ký, có người thích Tiếu ngạo giang hồ, có người lại thiên ái Xạ điêu anh hùng, Y thiên đồ long ký hoặc Thần điêu hiệp lữ, nhưng ai cũng thừa nhận Thiên Long bát bộ là một kỳ thư.
Nhà nghiên cứu Trần Mặc cho rằng: có thể coi Thiên Long Bát Bộ là một Lục quốc diễn nghĩa kể về các mối quan hệ phức tạp của sáu nước gồm Đại Lý ở phương Nam, Đại Tống ở Trung Nguyên, Đại Liêu ở phương Bắc cùng với Tây Hạ, Đại Kim và còn một Đại yên đã bị xóa sổ đang nuôi chí phục quốc. Đành rằng Thiên Long Bát Bộ là tiểu thuyết võ hiệp chứ không phải là tiểu thuyết lịch sử.
Trong cái mớ bòng bong mâu thuẫn ấy nổi bật lên xung đột Tống - Liêu. Với tầm nhìn bao quát cục diện bao la vạn trượng, tác giả đã tạo dựng lên một thế giới nhân vật giang hồ khác nhau về dân tộc, quốc tịch, cảnh ngộ, tính cách... ai cũng gửi thân giang hồ mà trù liệu việc giang sơn. Nhưng cái cao minh của tác giả là ở chỗ tập trung đỉnh điểm của mọi xung đột vào một nhân vật Tiêu Phong với số phận tận cùng bất hạnh và nhân cách tuyệt vời cao thượng.
Có thể nói, với hình tượng Tiêu Phong và sự hy sinh cao cả của chàng trên Nhạn Môn quan, Thiên Long Bát Bộ đã có phần vượt qua giới hạn của tiểu thuyết lịch sử trong truyền thống, đồng thời cũng vượt qua giới hạn của tiểu thuyết võ hiệp.
Sách thuộc kho sách cũ, sách tồn kho, không đổi trả. Khách hàng vui lòng cân nhắc trước khi mua.