Tắt Đèn là một tác phẩm quen thuộc với các bạn đọc Việt Nam, và được xem là một trong những thiên “kinh điển” của nền văn chương thế kỉ XX. Bằng ngòi bút hiện thực đặc sắc, Ngô Tất Tố đã xây dựng nên câu chuyện về gia đình Chị Dậu, đại diện cho tầng lớp bần cùng dưới nạn sưu thuế ở nông thôn thời bấy giờ. Từng dòng chữ trong tác phẩm, đặc biệt cảnh chị Dậu bán con đã khiến người đọc bao thế hệ không thể kìm nước mắt. Qua tác phẩm của mình, nhà văn đã phản ánh được hiện trạng xã hội một cách sâu sắc, tình cảnh khốn đốn của người dân dưới chế độ xã hội cũ và cũng thấy được sự phản kháng của đạo lý, chính nghĩa. Bởi vậy, tiểu thuyết Tắt đèn, được đánh giá là thành công nhất, có giá trị nhất của nhà văn Ngô Tất Tố, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn hiện thực của văn chương nước ta giai đoạn 1930-1945.
Bản Tắt đèn này, được khôi phục theo nguyên tác xuất bản lần đầu, 1939, do Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch sưu tầm, khảo dị, chú giải. Tác phẩm gồm có 27 phần, đánh theo số La Mã (I – XXVII) và 4 phụ lục là các bài viết Tắt đèn đăng trên các báo.