Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Wikipedia
Qua hồi ký của Vũ Hoàng Chương, ta có thể hình dung không khí sinh hoạt văn nghệ của một thế hệ nhà văn trước và sau năm 1945, được tác giả tái hiện sống động đến từng chi tiết. Bằng một văn phong giàu cảm xúc, mang ít nhiều chất cổ phong, chân dung tự họa của Vũ Hoàng Chương cũng như nhiều khuôn mặt văn nghệ khác và những người đã đi qua đời ông hiện ra rất sinh động. Qua những hồi đoạn có phần như đứt nối, lắp ghép, lần lượt chân dung các nhà văn khác hiện ra với một khoảng cách rất gần, rất cụ thể trong dáng điệu, giọng nói: Đỗ Đức Thu, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Lê Trọng Quỹ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Phan Khôi, Đông Hồ…
….
Việc tái bản hồi ký của Vũ Hoàng Chương, nguyên chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam, người đã được xưng tụng là thi bá của miền Nam; bên cạnh hồi ký của Anh Thơ, Mộng Tuyết, Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Quách Tấn, sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn đa chiều về một giai đoạn văn học phát triển rất phong phú nhưng không kém phần phức tạp trước 1945, về một thế hệ nhà văn vàng sau này khó có thể tìm lại. Đặc biệt là qua hồi ký này, ta hiểu thêm về sinh hoạt văn nghệ của Hà Nội trong giai đoạn 1945 – 1954, một mảng văn học đến giờ vẫn còn chưa được nghiên cứu thấu đáo.
TS. Võ Văn Nhơn