Suy cho cùng, bằng mọi sự tổng hòa có thể, “Suối Nguồn” là lời tuyên ngôn dõng dạc của Ayn Rand cho thời đại với mọi thế hệ về lòng tự trị trong danh dự và giá trị sống cao đẹp của mỗi cá nhân. Mỗi hình tượng nhân vật mà nhà văn khắc họa đều là một bức chân dung tô vẽ đời thực để làm đà nổi bật giá trị của bài học về tình yêu đích thực, sự sống đích thực, mục đích sống đích thực, sự vĩ đại đích thực và cái tôi đích thực!
Hình Netabooks.vn
Nhiều khi tôi nhìn thấy đại chúng và số đông, thấy loạt người và thấy dòng người; nhưng chưa bao giờ tôi ý thức về bản thân tôi trong hệ giá trị tự nhận.
Tôi mơ hồ.
Tôi luôn nghi vấn và ngờ vực về tâm điểm của chính mình liệu có đánh giá trong xã hội hay chí ít là trong bản thể đơn độc của cuộc đời tôi.
Nhiều khi, tôi cùng tầng lớp giới trẻ, ký thác mọi thứ về tính nguyên bản của mình vào những đêm trằn trọc không ngủ - không thể ngủ!
Một đêm chẳng gì đặc biệt, chẳng gì rầm rộ, tôi tìm cuốn sách nào đó. Tôi thấy “Suối Nguồn”. Ấn tượng đầu tiên, không là cái bìa đặc sắc, không là cái tên hàm súc gợi suy; tôi ấn tượng về nó trong độ dài 1199 trang sách, hắt mạnh vào đồng tử tôi một luồng cảm khí ve vuốt tròn xoe đôi mí mắt và bất ngờ.
Click. Hơn 3 hay 4 ngày sau đó, tôi mở quyển sách vừa giao và bắt đầu chuyện làm thân, làm bạn với nó.
“Suối Nguồn” dày thật, cầm lâu sẽ mỏi, giữ lâu sẽ cộm tay. Nhưng hãy đánh đổi vì có thể, bạn sẽ như tôi, chấp nhận cộm khá nhiều lần để ôm ấp nó và thả dạt suy tư trong cốt truyện. Giản đơn thôi, người ta hăng hái trong một quá trình thu nạp lợi ích cho bản thân, đọc “Suối Nguồn” là đọc những manh mối để thâu tóm vụn vỡ của lời hồi đáp cho cái nghi vấn đầu đề về chính mỗi bản thân chúng ta.
“Suối Nguồn” là một tiểu thuyết mà nữ nhà văn kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga – Ayn Rand, viết với mục đích tuyên bố lời kêu gọi mỗi con người sống chân thực trong hệ tư tưởng và nấc thang giá trị cá nhân, phải khẳng định một ý niềm tương đối về việc mình là ai trước khi có thể sống hòa vào đại chúng.
Các nhân vật mà Ayn Rand phác thảo đều là tuổi trẻ.
Tuổi trẻ vừa là tiêu điểm chú trọng hướng về, mặt khác, vừa là tiềm lực thúc đẩy nhà văn xây dựng cốt truyện và hình mẫu nhân vật được mình lý tưởng hóa.
Một mặt, về chuyện tiêu điểm, chỉ khi người ta còn trẻ, suy ngẫm và hành động mới hoàn toàn nhất quán. Nói theo chiều hướng thực dụng hơn, là khi ý tưởng có thể đột khởi nên thành hành động, từ đó người trẻ dám nghĩ, dám làm, xây dựng cho mình bản lĩnh và kiên trì đặt chân theo đuổi mục đích mình đề ra. Tuổi trẻ dám ngông cuồng, bộc phá và tịnh tiến khỏi mọi giới hạn. Đó là nguyên khí, sinh khí để Ayn Rand hướng đến trong tác phẩm của mình – tuổi trẻ, trẻ sao cho đích đáng!
Mặt còn lại, cần phân định dựa vào chiều sâu từng cá tính độc lập của nhân vật. Howard Roark là tâm thể nhất quán với lý tưởng của Ayn Rand. Chàng trai trẻ tài năng trong trí thức của một kiến trúc sư đại tài. Việc anh bị đuổi học từ sớm khỏi một giảng đường của học viện danh giá đã đặt ra những chiều hướng tương đồng với hiện thực cuộc sống. Anh bị gắn cho cái mác kẻ ngông cuồng tự kiêu, kẻ bản lĩnh hèn hạ. Nhưng chỉ có thể trong bối cảnh đó, trong mạch truyện đó, nhân vật mới được khai thác ở một bình diện có độ sâu. Thái độ mà anh bị cho là tự cao lại là biểu hiện khinh bỉ của anh trước sự biến thể tuột dốc của môi trường giáo dục, biểu hiện cho một cái tôi tự ý thức về giá trị cá nhân mà nghĩa vụ của việc giác ngộ chân lý ấy, đối với một người trẻ như anh, là khai thác ngược lại trong tâm hồn mình để đi đến sự trác việt tận cùng mình đang có. Việc anh bị đuổi học, nên được xem là sự giải phóng khỏi thiết chế suy đoài mà nhà trường mang với tư cách giáo dục con người.
Quyển tiểu thuyết viết đủ một độ dày, khai thác trọn vẹn độ dài hành trình đi tìm nguyên bản cái tôi của Roark qua những cuộc gặp gỡ với người thầy kiến trúc sư vĩ đại, cô bạn gái Dominique Francon với bản lĩnh và tố chất nữ quyền đáng nể, người bạn Gail Wyand với khát vọng thực hiện cuộc thập tự chinh đi tìm bản thể hạnh phúc của chính mình; đến cả những người làm trì trệ quá trình tìm kiếm con người thật của anh bằng thứ khái niệm “vị nhân sinh” lệch lạc Như Ellsworth Toohey hay cậu bạn sa vào lối trụy lạc danh vọng Peter Keating. Đích đến mà Roark tìm được không phải là thảm đỏ trải rộng với ánh đèn ca-me-ra và lời tuyên dương xáo rỗng chỉ đáng dành cho những kẻ sống thứ sinh, đích đến ấy lại là một chiều ngược vào nội hướng, đi vào bên trong và thành công ở chỗ nó vì lý tưởng cá nhân mà tìm cách sống trọn vẹn một cuộc đời đích thực là sống.
Suy cho cùng, bằng mọi sự tổng hòa có thể, “Suối Nguồn” là lời tuyên ngôn dõng dạc của Ayn Rand cho thời đại với mọi thế hệ về lòng tự trị trong danh dự và giá trị sống cao đẹp của mỗi cá nhân. Mỗi hình tượng nhân vật mà nhà văn khắc họa đều là một bức chân dung tô vẽ đời thực để làm đà nổi bật giá trị của bài học về tình yêu đích thực, sự sống đích thực, mục đích sống đích thực, sự vĩ đại đích thực và cái tôi đích thực!
Võ Lập Phúc