Sư Đệ - Học Phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền
Điều mà tác giả dồn hết tâm lực chính là qua câu chuyện võ để nói về người thầy, qua câu chuyện người thầy để nói về sự dạy và sự học.
Trong cuốn sách, chúng ta sẽ gặp Tám, một học sinh Hà Nội trong suốt quãng đường trưởng thành hơn 40 năm. Từ những đụng độ kiểu học trò, khảng khái và nghĩa hiệp, tuy không tránh khỏi nóng nảy hay liều lĩnh, đến một đệ tử học võ hết sức thành tâm, nghiêm cẩn, trang trọng và cuối cùng trở thành một võ sư với nhiều học trò có số phận éo le, khắc khoải nhưng luôn giữ vững đạo nghĩa của một môn phái, Tám rút ra bài học cốt tử:"Giá trị tinh túy của võ chính là đào tạo con người hoàn thiện trong thời hiện đại". Võ là một trong những con đường để người ta đi tới cội nguồn của con người và cuộc đời.
Trong "Sư đệ Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền", sư là sư phụ, đệ là đệ tử, chứ không phải sư huynh, sư đệ như thoạt xem chúng ta có thể hiểu nhầm. Đấy là những nhân vật chủ yếu tạo nên nền giáo dục: thầy và trò. Cái mà tác giả muốn nói đến qua việc học và dạy võ chính là việc dạy và học làm người.Những nhân vật gắn bó với nhau ở đạo nghĩa làm người, thấu hiểu trong quá trình học võ, hiểu võ và dụng võ. Nhưng rất nổi bật, là những hình ảnh Tám luôn trân trọng, ghi tâm khắc cốt về những người thầy, những bậc Minh sư.
Trong sự học, Tám là một học trò vừa có cốt cách lại vừa gặp nhiều cơ duyên. Anh biết ơn và khắc ghi trong tâm khảm hình ảnh người thầy, đấy cũng là tính cách con nhà võ. Võ học tồn tại và lưu truyền, ngày một dài lâu, ngày một đông đảo và chờ đợi một đỉnh cao chói sáng khi có một tài năng xuất chúng xuất hiện. Tất cả là nhờ ở sự dạy và sự học.Có thể nói Sư Đệ Dưỡng sinh Nhu quyền là phần tiếp theo của Quyền sư - cuốn sách nổi tiếng trong làng võ và bestseller trong làng văn.