Sự Đầy Của Cái Không
Chúng ta đứng giữa hai cái vô hạn, vô cùng bé và vô cùng lớn, hai cột mốc hiểu biết đã thách thức con người xuyên suốt chiều dài lịch sử. Và cũng như vô hạn, cái không không ngừng xuất hiện dưới nhiều hình thức trong các lĩnh vực khác nhau của tư tưởng con người. Sự sợ hãi cái hư vô, hay chân không, thể hiện rất rõ trong tư tưởng phương Tây, mà rõ nét nhất là việc số 0, biểu hiện của cái không trong toán học, đã ra đời ở phương Đông bất chấp những tiến bộ lớn lao trong toán học phương Tây. Con người sợ chân không, tự nhiên sợ chân không, vậy chân không thật sự là gì? Nó có thật sự trống rỗng? Không gian trong vũ trụ có phải là chân không? Làm thế nào mà vũ trụ lại chuyển từ không tồn tại thành tồn tại, từ hư vô thành một cái gì đó? Vai trò của chân không trong sự ra đời của vũ trụ là gì?
Trong cuốn Sự đầy của cái không, tác giả Trịnh Xuân Thuận đưa độc giả đi qua lịch sử phát triển của khoa học và triết học về chân không, từ thuyết tương đối đến lý thuyết lượng tử, từ khái niệm chân không trong Đạo giáo đến các mặt đối lập bổ sung cho nhau trong Phật giáo. Đây là cuốn sách dành cho tất cả những ai muốn hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, và do đó hiểu hơn về nguồn gốc của chính loài người, những sinh vật có ý thức để đặt câu hỏi về cõi hư vô đã sinh ra vũ trụ này.
Thông tin tác giả Trịnh Xuân Thuận
Trịnh Xuân Thuận sinh ngày 20 tháng 8 năm 1948 là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, ông đồng thời là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của bản thân trong mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động vì môi trường và hòa bình. Hiện ông đang là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ.
Những năm phổ thông ông học hoàn toàn bằng tiếng Pháp, sau khi đậu tú tài, ông rời khỏi Sài Gòn sang Thụy Sỹ du học, sau đó được học bổng đến Hoa Kỳ. Ông đã bảo vệ luận án tiến sỹ ngành vật lý thiên văn tại trường Đại học Princeton.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được độc giả trong nước biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc…
Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến với mọi người, đặc biệt tư tưởng Phật giáo xuyên suốt các tác phẩm đã tạo cho chúng nét hấp dẫn riêng. Các tác phẩm này đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng về sách như: giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn Lâm Pháp (2007), giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học; giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc (2012) và giải Louis Pauwels (2012).