Sống 24h Một Ngày - Nguyễn Hiến Lê
Có thời gian bạn có thể làm ra tiền bạc nhưng khi có nhiều tiền bạc, giàu có tới mức nào bạn cũng không thể mua được dù chỉ 1 giây thời gian. Mỗi ngày đồng hồ quay tròn 24 tiếng, mỗi phút, mỗi giây, mỗi tích tắc chúng ta đều có thể làm được rất nhiều điều có ích cho bản thân và xã hội. Vì vậy đừng để phí hoài một phút giây nào khi cơ thể bạn còn có thể cống hiến. Hãy học cách quý trọng quỹ thời gian 24h mỗi ngày của bạn.
Mỗi ngày có 24h, nhiều người luôn biết cân đo đong đếm mọi việc cho hợp lý, bận rộn đến mấy họ vẫn có thời gian vui chơi, giải trí. Còn bạn:
• Có phải bạn đang lãng phí thời gian mỗi ngày trôi qua?
• Mỗi ngày bạn đều vội vàng, chẳng kịp ăn sáng, đi học hay đi làm đều đến muộn giờ?
• Mỗi tối tới tận 12h đêm bạn vẫn còn thao thức, chẳng thể đi ngủ nổi?
• Thời gian chẳng còn bao lâu mà deadline này dồn dập deadline kia?
Bạn phải sống với số thời gian là 24 giờ một ngày. Bạn phải dùng thời gian đó để tạo sức khỏe, niềm vui, tiền bạc, danh vọng và tu dưỡng tâm hồn. Dùng thời gian đó cho hợp lý, cho hiệu quả là vấn đề cấp bách của tất cả những ai chưa biết cách quản lý tài sản thời gian của mình.
Nếu bạn vẫn đang hoang mang chưa biết cách sắp xếp thời gian để cân bằng mọi việc. A.Bennett sẽ giúp bạn làm điều đó thông qua cuốn sách “How to live on 24 hours a day” được dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Sống 24h mỗi ngày”.
Nguyễn Hiến Lê là một tác giả, dịch giả đã quá quen thuộc với những người Việt yêu sách, những tác phẩm của ông đều được đánh giá cao và có sức lan truyền mạnh mẽ cho tới tận ngày nay. Nhưng có lẽ dấu son nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông chính là Đắc Nhân Tâm. Nguyễn Hiến Lê là người Việt đầu tiên dịch, đặt ra cái tên Đắc Nhân Tâm và mang nó tới tay độc giả Việt. Những bản dịch khác đều lấy cái tên Đắc Nhân Tâm do ông đặt ra, tuy nhiên bản dịch sát nhất và đầy đủ nhất, được nhiều người yêu thích nhất vẫn là bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
Cuốn sách “Sống 24h mỗi ngày” sẽ giúp bạn tận dụng triệt để quỹ thời gian trong ngày thông qua 12 chương sau:
• Chương I : Phép màu mỗi ngày
• Chương II : Ý muốn làm quá chương trình
• Chương III : Phải cẩn thận trước khi bắt đầu
• Chương IV : Nguyên nhân của sự bất mãn
• Chương V : Chơi quần vợt với luyện linh hồn
• Chương VI : Đừng quên bản chất của ta
• Chương VII : Kiểm soát trí óc
• Chương VIII : Tập suy nghĩ
• Chương IX : Tìm hiểu nghệ thuật
• Chương X : Đời không có gì đáng chán
• Chương XI : Đọc sách một cách nghiêm túc
• Chương XII : Nguy hiểm phải tránh
Thông qua 12 chương của “Sống 24 giờ mỗi ngày”, bạn đọc sẽ kiểm soát được thời gian mỗi ngày của mình bằng các phương pháp đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện được bao gồm:
• Thấu hiểu bản thân
• Luyện tinh thần
• Luyện trí óc, tập suy nghĩ
• Tìm hiểu nghệ thuật
• Cách đọc sách nghiêm túc
Phương pháp sẽ mãi là phương pháp và sẽ chẳng có tác dụng nếu bạn chỉ cho chúng ngủ yên trên giấy mà không thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian là thứ vô giá, qua đi không một lần lặp lại, muốn níu kéo cũng là điều không thể vì vậy hãy tự rèn luyện cho bản thân mình phương pháp quản lý thời gian hợp lý mà “Sống 24 giờ mỗi ngày” cung cấp cho bạn.
Thời gian là một chế độ dân chủ lí tưởng, giàu nghèo, sang hèn tất cả đều bình đẳng như nhau, đều được cấp một quỹ thời gian ngang bằng. Chỉ có một điểm duy nhất khác nhau là ai quản lý thời gian hiệu quả hơn mà thôi. Hãy sống mà không phải hối tiếc về quãng thời gian mà mình đã trải qua, sống tích cực và khoa học cùng “Sống 24 giờ mỗi ngày” của A.Bennett do dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt.
Thông tin tác giả Nguyễn Hiến Lê
Sinh (ngày 20 tháng 11 năm 1912 – ngày 22 tháng 12 năm 1984) là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập Việt Nam, có 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, v.v. Trong hồi ký, Nguyễn Hiến Lê viết: "...Tôi sinh ngày 20 tháng 11 ta, giờ Dậu, năm Tân Hợi (nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1912). Đổi ra bát tự để lấy lá số Tử Bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng canh tý, ngày Quý Mùi, giờ Tân Dậu".
Nguyễn Hiến Lê quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội). Thân phụ ông tên Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như, là con trai út của một nhà Nho. Thân mẫu ông tên Sâm, làng Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo. Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.
Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.