Nhắc đến những con số, người ta nghĩ ngay đến triết gia, nhà toán học vĩ đại Pythagoras, cha đẻ của “Học thuyết Pythagoras”, “Trường phái Pythagoras”.
Những học trò về sau này của ông, dựa vào các con số để sáng tạo ra những học thuyết mới. Một trong những nghiên cứu mới nhất được công bố vào giữa thế kỷ XX là của tiến sĩ David A. Phillips (1934- 1993) với tác phẩm “The Complete Book of Numerology” (tạm dịch: Cuốn sách toàn diện về Nhân số học).
Tại Việt Nam, Lê Đỗ Quỳnh Hương, một Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng đã dựa trên tác phẩm của tiến sĩ David cùng với 500 trường hợp nghiên cứu thực tế của con người Việt Nam (tính tới tháng 5/2020) đã cho ra đời cuốn sách “Thay đổi cuộc sống với Nhân số học”.
Cuốn sách được Quỳnh Hương phát triển từ tác phẩm gốc của tiến sĩ David và dựa trên nền tảng của học thuyết Pythgoras: Con người và đời sống của họ đều đã được sắp xếp bởi toán học và mọi sự việc đều có thể tiên đoán được theo quy luật qua các chu kỳ.
Tôi là ai? Tôi có thể làm gì? Tôi sẽ trở thành thế nào?
Cuốn sách sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi này không cần phải đọc những triết thuyết vĩ đại cao siêu mà chỉ bằng những phép tính và sự quan sát bản thân. Vì vậy, để tận hưởng cuộc đời mình, bạn cần có một cái tên, ngày tháng năm sinh (dương lịch) chính xác. Chính danh là một cách bạn hiển hiện ở cuộc đời này sáng rõ nhất. Nhưng ngược lại, nếu bạn có hơn một cái tên hay ngày tháng năm sinh, thì bạn càng cần đọc cuốn sách này, bởi tự đi tìm thân phận mình là một hành trình trải nghiệm, hồi tưởng, hiện hữu và tiên tri cho bản thân rất đáng giá mà rất hiếm người có thể làm được. Bài toán càng khó càng gây hứng thú.
“Thay đời cuộc sống với Nhân số học” là một cẩm nang “bật mí” cho các bạn biết chính cuộc đời mình và cả biết người khác. Chúng ta đều biết loài người có nền khoa học về nhân học từ ngàn năm trước khi biên soạn ra Tử vi đẩu số dựa trên sự tính toán và chiêm tinh học (điều thú vị là các môn học cơ bản của người Tây Phương cũng tương tự, đặc biệt là số học, hình học, thiên văn, địa lý, y học, tư tưởng và triết học).
Cuốn sách hơn 400 trang với 12 phần chính được trình bày dễ hiểu thông qua các “nhân chứng” và những trải nghiệm có thật. Mỗi phần đều liên kết với các phần khác. Vì vậy, chúng ta đừng nóng lòng bỏ qua cho dù có đạt được một phần điều mình muốn là biết mình, bởi những phần còn lại là kết nối, bổ trợ, thậm chí giúp cho bạn những chi tiết đắt giá để thay đổi cuộc đời.
Hiểu quy luật để không sợ sự thay đổi
Tôi xin trích vài đoạn trong Phần 9 là phần nói về chu kỳ 9 năm của con người. Mỗi sự thay đổi đều khởi đi từ đầu chu kỳ này. Đây là phần quan trọng nhất, theo tôi. Tuy nhiên, nếu trong tâm thế ráo riết để biết về mình, bạn có thể sẽ bỏ qua những luận bàn rất sâu sắc của tiến sĩ David, vì vậy, tôi xin điểm lại một số đoạn để bạn xem lại và hãy coi đây là cách dẫn đường để đi vào “số phận” của mình sâu hơn.
“Từ quan điểm Nhân số học, thầy David khẳng định đặc điểm tính cách của con người luôn có nhiều khía cạnh tiềm ẩn. Bên cạnh con số Chủ đạo (số cộng của ngày tháng năm sinh) – sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là nền tảng của các đặc điểm này - sự tác động của Con số ngày sinh, sự xuất hiện (hoặc vắng mặt) của những con số trong Biểu đồ ngày sinh, cùng với Con số năm cá nhân sẽ tạo thành Bốn đỉnh cao của đời người” (trang 288). 4 đỉnh cao này là để bạn hồi tưởng và hoạch định cho mình sự thay đổi cần thiết cho bản thân và những gì mình đang chuẩn bị làm cho người xung quanh. Tuy nhiên để đọc cuốn sách, bạn cần nhớ rõ “Nhân số học có hai phần- hai khía cạnh khác nhau để thấu hiểu một người: 1- Phần cơ bản (4 đỉnh cao) và 2- Phần linh hoạt, thêm thắt hoặc có khả năng biến thiên”.
Chính “khả năng biến thiên” này cho ta hiểu thêm về vấn đề mà tiến sĩ David luận bàn về sự thay đổi, ông có cái nhìn “hóm hỉnh khi ví cuộc sống chúng ta là một cuốn sách thú vị mang tên “cuộc sống trên trái đất”, một cuốn sách đọc hoài không hết, mà thông qua việc lật giở từng trang sách này, chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ để tiến hóa về hướng của sự hoàn thiện. Hiển nhiên, để phát triển thì ắt phải có sự thay đổi. Nhận thức này vô cùng quan trọng, vì một khi hiểu sự thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống, của quá trình phát triển, chúng ta sẽ không còn cảm thấy sợ hãi sự thay đổi nữa” (trang 289).
Và vì thế, “nếu chúng ta có cơ hội biết đến Nhân số học, biết đến những Chu kỳ thay đổi và những Con số năm cá nhân, ta cũng hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh của bản thân để đạt được những thành công”, đồng thời tiến sĩ David cũng khẳng định: “Tất cả chúng ta đều được sinh ra làm người chiến thắng, chỉ tiếc là có quá ít người sẵn sàng cho điều đó”.
Nắm bắt quy luật là một việc, nhưng để hiểu rộng hơn về tiến trình thay đổi này, chúng ta sẽ cần luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho quy trình đó. “Hãy nhìn cây táo đơm hoa kết trái theo mùa, chúng không đợi đến tháng đơm hoa theo quy định, thay vào đó, chúng cứ chuẩn bị sẵn sàng, khi nào thời tiết thuận lợi thì chúng bung nụ. Cuộc sống chính là vậy. Chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi, và khi nào các tín hiệu tới thì chúng ta nương theo con sóng của mình”.
Nguồn dantri