Một cuốn sách dày khiếp chứa đựng những câu chuyện khủng khiếp! Sách đậm tính phản địa đàng (dystopia) mà không hề giả tưởng.
Cuốn sách này giống như Lều đỏ của Anita Diamant vậy – “viết lại” lịch sử dưới góc nhìn của nữ giới. Trăm năm biến động chính trị-xã hội của Trung Quốc được mô tả gắn với 03 thế hệ phụ nữ trong một gia đình (1870~1978). Những sự kiện lịch sử khô khan trở nên chân thực và chi tiết và đầy bất ngờ trong mắt người đọc: cuộc nội chiến Trung Quốc, chống Nhật, cải cách ruộng đất, Cách mạng Văn hóa và rồi mở cửa hội nhập.
Suốt thời gian đọc cuốn sách này, mình cảm giác như bị cuốn vào một cơn bão. Cơn bão ấy xới tung giá trị bao đời, đảo lộn thế giới quan và chân lý , vùi dập văn hóa nghệ thuật, làm lộ những gì xấu xa nhất của lòng người, tung hê lên trời những lối sống và tư tưởng bệnh hoạn. Người còn chút đạo đức cố giữ mình không bị cuốn theo cơn cuồng loạn, rồi cũng phải phát điên và chết trong uất ức.
Những ngang trái, bất công của xã hội Trung Quốc thời đó để lại dấu ấn đậm nét hơn cả trên cuộc sống của những người phụ nữ. Sách không sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào, đơn giản là trần thuật bình bình, nhưng bản thân những sự kiện trong truyện đã đủ để cuốn hút người đọc. Mình đã phải cố gắng vượt qua cảm giác kinh hãi khi chứng kiến số phận đen tối và bi thảm của các nhân vật, để theo đọc đến những trang cuối cùng, với hi vọng có sự đổi thay tốt đẹp nào hơn cho họ không.
Cái chết được nhắc đến liên tục nhưng với giọng kể nhàn nhạt, giống như người vừa tỉnh dậy từ một cơn ác mộng dài, và đến giờ còn không dám đào sâu các chi tiết của ác mộng ấy. Việc viết ra tác phẩm này hẳn cũng là một cách để tác giả tự nhắc nhớ bản thân, để những đau thương của các thế hệ trong gia đình và cả dân tộc không bị vùi lấp trong những trang sử đã được tô hồng.
Cuốn sách đến cho mình những kiến thức đa chiều hơn về một thời kì nhiễu loạn và nhiều tranh cãi. Sách khẳng định một nền giáo dục chất lượng luôn có sức thay đổi số phận con người – cho dù ở bất kì thời kì nào; nhất là việc được tiếp cận tri thức, chân thiện mỹ qua việc đọc sách. Và trên hết là cách nhìn sâu sắc và nhân ái hơn – khi đánh giá những sự kiện chính trị- xã hội, không đơn thuần ảnh hưởng chung của nó trên một quốc gia, mà phải xem xét sức chuyển dời của nó đến từng nhóm người sống trong xã hội đó, nhất là những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, nông dân mù chữ…
Bài viết của Nguyễn Tuyết Lan trên Nhã Nam
Tủ sách “Văn Học Nước Ngoài“ cực kỳ đa dạng về thể loại, từ văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế đến văn học hiện đại, trinh thám, viễn tương… Xem tại đây