TẤT CẢ DANH MỤC

Review Sách - Cẩm Nang Kinh Tế Học - Tác giả Ha-Joon Chang (Bài viết của Thanh Trúc)

Nếu ai đã từng học ở các trường kinh tế chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với những khái niệm về kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lạm phát, thất nghiệp, đầu tư,…

Thế nhưng, liệu bạn có chắc rằng mình hoàn toàn hiểu đúng và đầy đủ về kinh tế học cũng như những khái niệm trong kinh tế học chưa? Là một cựu sinh viên ngành kinh tế, sau nhiều năm đi làm, tiếp xúc với thực tiễn, mình cảm thấy những gì mình đã được dạy trong nhà trường chưa bao giờ là đủ. Mình tìm đọc lại những quyển sách kinh tế học như một cách để ôn lại kiến thức cũ, cập nhật kiến thức mới, đồng thời gom góp thêm những ý kiến và góc nhìn từ nhiều học giả khác nhau về bộ môn khoa học xã hội này.

“Cẩm nang Kinh tế học” của tác giả Ha-Joon Chang là một trong những quyển sách chủ đề Kinh tế học mà mình tìm đọc. Quyển sách không những cung cấp cho mình những kiến thức nền tảng của kinh tế học mà còn gợi lên những chiêm nghiệm sâu sắc: Kinh tế học nên được định nghĩa như thế nào? Làm sao chúng ta có thể ứng dụng kinh tế học?...

Sách Cẩm Nang Kinh Tế Học. Tác giả Ha-Joon Chang
Sách Cẩm Nang Kinh Tế Học. Tác giả Ha-Joon Chang

1. Chúng ta nên hiểu về kinh tế học như thế nào?

Có nhiều cách khác nhau để định nghĩa kinh tế học, chẳng hạn như thông qua phương pháp luận, thông qua cách tiếp cận lý thuyết,… Riêng tác giả Ha-Joon Chang, ông định nghĩa kinh tế học thông qua đối tượng của bộ môn này – nền kinh tế - bao gồm tiền tệ, việc làm, công nghệ, thương mại, thuế và tất cả những gì có liên quan đến quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, quá trình phân phối thu nhập...

Tại sao nên định nghĩa kinh tế học như vậy? Bởi vì những định nghĩa khác (theo phương pháp luận chẳng hạn) dễ dàng dẫn đến suy nghĩ sai lầm rằng chỉ có duy nhất một cách thức đúng để “làm kinh tế”. Tiếp cận kinh tế học theo đối tượng nghiên cứu của nó, ta sẽ có một góc nhìn khách quan nhất, rằng trên thực tế, có rất nhiều cách khác nhau để học, hiểu và làm kinh tế.

Trong lịch sử phát triển của bộ môn kinh tế học, có nhiều trường phái kinh tế học khác nhau: trường phái cổ điển, tân cổ điển, trường phái kinh tế học Marxist, Schumpeter, Keynes, kinh tế học Áo, kinh tế phát triển, kinh tế học thể chế, kinh tế học hành vi,... Mỗi trường phái sẽ có những điểm nhấn, điểm mạnh, điểm mù, điểm yếu riêng. Đồng thời, mỗi trường phái sẽ chú trọng vào một số khía cạnh khác nhau, đưa ra những quan điểm dưới các góc nhìn khác nhau. Do đó, hiểu biết đúng và đầy đủ về các trường phái kinh tế học giúp ta có cách tiếp cận đa chiều hơn về một thực thể phức tạp – nền kinh tế.

Nếu như trong sinh học, một quần thể có các nhóm gen đa dạng hơn sẽ có sức đề kháng tốt hơn thì trong kinh tế học, việc tồn tại đồng thời nhiều cách tiếp cận lý thuyết khác nhau giúp bộ môn này có thể ứng phó tốt hơn với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Có thể chúng ta đã từng nghe, hoặc đọc đâu đó, về những cuộc tranh luận gay gắt giữa các trường phái kinh tế học mang tư tưởng đối kháng nhau. Thế nhưng, thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, các trường phái kinh tế học hoàn toàn có thể tương tác lẫn nhau, bổ sung cho nhau và cộng sinh với nhau để cùng nhau phát triển.

Rốt cuộc thì, kinh tế học không phải là một bộ môn cung cấp cho ta những chân lý bất biến giải thích được mọi thứ xảy ra trong vũ trụ này. Một lý thuyết kinh tế học, dù vĩ đại đến đâu, cũng chỉ đúng trong một thời gian và không gian nhất định. Để ứng dụng kinh tế học hiệu quả, ta cần có tư duy phức hợp và cách tiếp cận đa ngành, cần đặt sự kiện kinh tế vào bối cảnh chung của thị trường, ngành và quốc gia cụ thể mà ta đang phân tích, cộng với những hiểu biết tổng quát về thể chế và công nghệ đặc trưng của quốc gia đó.

2. Những khía cạnh của kinh tế học

Sản lượng, thu nhập và hạnh phúc: Chúng ta vẫn hay dùng những chỉ tiêu về sản lượng (như GDP) hay về thu nhập (như GDI) để đánh giá về nền kinh tế của một quốc gia. Nhưng liệu rằng những chỉ tiêu đó đã đủ để nói lên chất lượng cuộc sống của người dân ở quốc gia đó chưa? Liệu rằng người dân ở quốc gia có sản lượng hoặc thu nhập cao hơn sẽ hạnh phúc hơn người dân ở quốc gia có sản lượng hoặc thu nhập thấp hơn? Thực tế là, không dễ dàng gì để đo lường mức độ hạnh phúc của một quốc gia. Ngay cả những nghiên cứu về hạnh phúc cũng mắc phải một số vấn đề liên quan đến những chỉ tiêu không thể đo lường được, chẳng hạn vấn đề sở thích thích nghi (đặc biệt là khi có sự can dự của các dạng nhận thức lệch lạc). Vậy thì, điều này chứng minh là chúng ta chẳng cần quan tâm đến các số liệu kinh tế học hay sao? Chúng ta vẫn cần đến những số liệu để giúp chúng ta hiểu biết về nền kinh tế. Nhưng chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng những số liệu đó nói và không nói cho chúng ta biết điều gì.

Tăng trưởng và phát triển kinh tế: Những diễn ngôn kinh tế học thời gian gần đây nhấn mạnh vào dịch vụ như là một động lực chính cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo giáo sư Ha-Joon Chang, khu vực dịch vụ không thể phát triển nếu thiếu một khu vực công nghiệp vững mạnh. Ngay cả những quốc gia vốn được biết đến là đã phát triển thịnh vượng nhờ vào dịch vụ, như Thụy Sĩ và Singapore, cũng chính là hai trong ba quốc gia công nghiệp hóa nhất trên thế giới. Bài học dành cho các quốc gia đang phát triển là: chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, bởi vì đó chính là nền tảng, là động lực chính yếu của phát triển kinh tế.

Tài chính: Trong những thập niên vừa qua, ngành tài chính đã trỗi dậy mạnh mẽ và chứng tỏ tầm quan trọng cũng như sức mạnh tác động của nó đến nền kinh tế. Thế nhưng, sự trỗi dậy này cũng mang đến những ảnh hưởng tiêu cực. Mục tiêu lợi nhuận đã thúc đẩy các công ty tài chính tạo ra những bong bóng tài sản khổng lồ, mà một khi những bong bóng này vỡ, khủng hoảng tài chính là điều không thể tránh khỏi. Do đó, cần phải có những biện pháp chặt chẽ hơn để điều tiết và kiểm soát hệ thống tài chính.

Sự can thiệp của nhà nước: Các nhà kinh tế học ủng hộ thị trường tự do đã cố gắng thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng nên hạn chế vai trò của nhà nước càng ít càng tốt. Tuy nhiên, những câu chuyện về sự thành công trong phát triển kinh tế đều được chứng minh là có bàn tay của một nhà nước tích cực. “Nhưng thực tế là nhà nước vẫn là công nghệ tổ chức mạnh mẽ nhất mà loài người đã phát minh ra và do đó những thay đổi lớn về kinh tế (và xã hội) rất khó đạt được nếu không có nó.” – giáo sư Ha-Joon Chang viết.

Thương mại quốc tế: Trong vài thập niên qua, người ta không ngừng tuyên bố rằng toàn cầu hóa là một quá trình không thể tránh khỏi, không thể ngăn cản được. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không phải là hệ quả tất yếu của tiến bộ công nghệ. Toàn cầu hóa càng không phải là động lực để tạo ra một thế giới tốt nhất. Việc một quốc gia nên hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực nào và mức độ hội nhập bao nhiêu còn tùy thuộc vào mục tiêu và năng lực lâu dài của quốc gia đó.

3. Chúng ta nên “thực hành” kinh tế học như thế nào?

Với tất cả những kiến thức mà quyển sách này cung cấp, ngay cả khi đồng tình với quan điểm của tác giả, nhiều độc giả vẫn sẽ tự hỏi: biết những điều này thì có ích gì cho tôi?

Đằng sau mọi chính sách kinh tế đã và đang tác động đến cuộc sống của chúng ta là một lý thuyết kinh tế nào đó hoặc là truyền cảm hứng, hoặc là trở thành lý luận cho hành động chính sách mà những người cầm quyền muốn thực hiện. Nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân thụ động của những quyết định từ người khác, việc hiểu biết một chút gì đó về kinh tế học là điều cần thiết.

Vậy thì, thay vì phải tự học mớ kiến thức này, sẽ ra sao nếu tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào các chuyên gia kinh tế? Thực tế là, các nhà kinh tế không phải lúc nào cũng đúng. Việc sở hữu kiến thức chuyên môn trong một phạm vi hẹp sẽ giới hạn tầm nhìn của họ khiến đôi khi, họ đưa ra những đánh giá sai lệch về một vấn đề kinh tế vốn liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Chúng ta không nên giao nền kinh tế vào tay các nhà kinh tế hay các chính trị gia. Tất cả chúng ta đều có thể tham gia vào nền kinh tế. Khi bạn đã có những hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của nền kinh tế, việc theo dõi những vấn đề kinh tế đang diễn ra không còn là vấn đề quá thách thức nữa.

Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây

Theo Thanh Trúc (Omega+)

Cẩm Nang Kinh Tế Học

Cẩm Nang Kinh Tế Học

  • Giá bìa: 234.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 187.200 ₫
Mua ngay
 

Hơn 30.000 tựa sách hay

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

Miễn phí giao hàng

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

Quà tặng miễn phí

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

Đổi trả nhanh chóng

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng