Kinh đô Thăng Long thời suy vi nhưng vẫn có những đêm hội Long Trì lộng lẫy. Những số phận bị giằng xé trong thời li loạn như Bảo Kim, Quỳnh Hoa; những mưu mô, thủ đoạn của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Đặng Mậu Lân được khắc họa đặc sắc.
"Đêm hội Long Trì, những sinh hoạt xưa ở kinh kỳ mà trong đó, huyên náo những cảnh lộng hành bạo ngược của chị em bà Chúa Chè người Kinh Bắc. Những đau khổ của người dân phải chịu đựng mọi thói ăn chơi vô độ của các triều đại vua chúa. Nhưng chồng chất giữa những oan khiên này, vẫn thấy được đời sống người Kẻ Chợ cùng mọi quang cảnh phố phường sinh sôi. Đấy là sức sống âm thầm mãnh liệt của bách tính đã làm nên bao đời Kẻ Chợ. Thăng Long nhộn nhịp suốt sáng không biết có đêm trong những đêm hội Long Trì quanh Hồ Gươm, Hồ Tây...
(Tô Hoài)
Thông tin tác giả
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6.5.1912 trong một gia đình Nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội). Những năm tháng tuổi trẻ, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8.1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Do mắc bệnh hiểm nghèo, ông mất ngày 25.7.1960 tại Hà Nội. Trong cuộc đời sáng tác văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.