Những Con Chữ Biết Hát
Sau cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào và dự án dịch sách “Tôi tư duy - Tôi thành đạt”, tác giả nhí Đỗ Nhật Nam lại ấp ủ một cuốn sách mới viết về những ký ức ấu thơ vừa chơi vừa học đầy thú vị của mình. Và thế là Những con chữ biết hát ra đời. Đây là cuốn tự truyện thứ hai của cậu bé - là những dòng tâm sự của cậu về quá trình mình lớn lên bên bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những gì cậu học được từ những năm tháng chập chững đầu đời ấy. Ta sẽ lại được gặp một Nhật Nam gần gũi và đáng yêu qua những chia sẻ chân thành, pha chút “già dặn” của cậu bé.
Những con chữ biết hát đầy ắp những kỉ niệm của bé Nam về tuổi thơ ở Nhật - nơi có những chiếc xe Bus “sặc sỡ”, những chuyến tàu cao tốc, những bức tường biết hát, những giáng sinh tuyết phủ trắng xóa … Đó cũng là những trang viết về các bài học cuộc sống mà Nhật Nam nhận được từ bố, từ mẹ, từ thầy cô và từ chính những người bạn cùng lớp của mình. Cuốn sách giúp ta có cái nhìn gần hơn với Đỗ Nhật Nam, cậu bé không phải là một thần đồng, cậu chỉ là một cậu bé bình thường, sớm được tiếp nhận được một nền giáo dục phù hợp, nghiêm khắc nhưng không gò bó mà đong đầy yêu thương. Bé vừa học vừa được thỏa sức vui chơi và khám phá thế giới quanh mình. Cũng chính vì thế, cả cuốn sách tràn ngập những tưởng tượng của Nam, những điều bình dị của cuộc sống được nhìn qua lăng kính trẻ thơ của bé hiện lên thật sống động, đầy màu sắc:
“Lúc còn nhỏ, tớ không nghĩ đến những điều cao siêu đó, cũng chẳng nghĩ những gì mình mơ mộng chính là tưởng tượng. Tớ tin mọi điều sẽ trở thành sự thật. Bằng cách đó, tớ thấy mình không nhỏ nhoi, không chỉ là đứa bé ba tuổi chạy lon ton theo chân mẹ. Tớ thấy mình được là nhiều nhân vật khác nhau. Nhờ tưởng tượng mà tớ tự làm được nhiều việc, thấy mình có nhiều khả năng. Chỉ mong người lớn hãy để trẻ được tự do với những tưởng tượng của mình. Đó là một thế giới riêng mà chỉ những đứa trẻ cùng tuổi mới biết. Tớ cũng ước ao, mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà có một không gian riêng, bé thôi, nhỏ xíu thôi nhưng là nơi mà trẻ được đứng đó, tần ngần và bâng khuâng. Từ cái thế giới nhỏ xíu ấy, mỗi đứa trẻ sẽ được chắp đôi cánh của mơ ước và tưởng tượng để bay đến những không gian rộng lớn, những vùng trời mà chỉ riêng trẻ mới biết. Những khuông nhạc gắn hai bên con đường ngầm nhà ga Umeda, nếu có dịp quay lại chắc tớ sẽ nhận ra chúng không to lớn như hồi bé thường nghĩ nhưng chúng đã ở lại trong trí nhớ như thể cả nhà ga thành bản nhạc vĩ đại mà tớ là người nhạc trưởng tài ba.”
(Trích “Những con chữ biết hát” - Đỗ Nhật Nam)