“Tổ chức mafia củng cố uy quyền bằng luật omerta nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh. Trong nội bộ mafia có tội nào đáng chết bằng tội mật báo cảnh sát? Dù chỉ đi thưa lính, tố cáo một thằng vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích. Sau cùng luật omerta trở thành một đạo sống của mọi giới. Chồng con bị giết, con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi thưa lính, nhờ nhà nước giải quyết. Vì nhà nước không có quyền đó. Phải là mafia!” (Trích Bố già – Ngọc Thứ Lang dịch)
Cái luật im lặng cổ xưa ấy chính là bức tường thành của mafia suốt mấy trăm năm. Nhưng đó là ở nơi đất máu Sicily nhiều năm trước. Trên đất Mỹ, khi nhân loại sắp bước sang thiên niên kỷ mới, liệu omerta có còn cái quyền năng vô song để bảo vệ các ông trùm?
Đánh giá tác phẩm Luật Im Lặng
“Cuốn tiểu thuyết cuối cùng tuyệt vời và lôi cuốn từ Balzac của thể loại trinh thám.” - Time
“Một tác phẩm hấp dẫn, cấu tứ tuyệt vời, có thể làm thỏa lòng kể cả những độc giả khó tính nhất. Luật im lặng là tác phẩm cuối cùng của nhà văn quá cố Puzo, là một cái kết hoàn hảo cho một sự nghiệp đáng nhớ.” - Booklist
“Cuốn tiểu thuyết xuất sắc về đề tài tội phạm… Một cái kết đẹp cho một sự nghiệp lớn… Puzo rất biết cách giữ lửa từ đầu tới cuối tác phẩm, và khiến người đọc mê mệt các nhân vật cũng như câu chuyện của ông.” - The Denver Post
Thông tin tác giả
Sinh (1920 - 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ gốc Italy nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết về mafia và tội phạm. Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết của ông là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Với cấu tứ hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, tác phẩm của Mario Puzo đã làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.
Sau khi tốt nghiệp trường City College of New York, ông gia nhập binh chủng Không quân Hoa Kỳ trong Thế Chiến II, nhưng sau đó do thị lực kém nên được điều về làm nhân viên quan hệ công chúng tại Đức. Năm 1950, ông ra mắt truyện ngắn đầu tay The Last Christmas. Năm năm sau, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, The Dark Arena, trong lúc đang đảm nhiệm vị trí biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman. Thời gian này, ông còn tham gia viết bài cho một số tạp chí dành cho đàn ông như Male, True Action và Swank. Những ký ức về Thế Chiến II được ông tái hiện qua các bài báo đăng trên tờ True Action dưới bút danh Mario Cleri. Năm 1965, ông xuất bản The Fortunate Pilgrim (Đất tiền đất bạc). Năm 1969, tiểu thuyết The Godfather (Bố già), tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, nhanh chóng được chuyển thể thành phim và đạt ba giải Oscar sau đó. Mario Puzo tiếp tục phát triển sự nghiệp văn chương và xuất bản nhiều tiểu thuyết ăn khách như Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1990), The Last Don (1996). Năm 1999, ông đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Hai bản thảo cuối cùng của Puzo được xuất bản sau khi ông mất là Omertà (2000) và The Family (2001).