“Ngoại vốn dĩ chẳng sợ gì cả, chỉ lo một chiều ngả lưng mãi mãi, để con ngắm trăm triệu bình minh một mình…”
Cuốn sách “Đường về nhà có ngoại chờ mong” của tác giả Ốc như một cỗ máy thời gian đưa chúng ta về với những miền kí ức tuổi thơ xinh đẹp. Ở nơi đó có vòng tay thân thương của Ông, có Bà, có chái bếp luôn ấm lửa, có con đường làng quanh co, có những cánh đồng bất tận xanh ngát trải dài tới tận chân trời và có cả những nụ cười thơ ngây giòn tan.
Đọc cuốn sách, ta như được trở về nhà, nơi ta có thể cởi bỏ hết những vỏ bọc gai góc mà cuộc đời bắt phải khoác lên. Có thể khóc, có thể mệt, tha hồ “làm nũng”… mà vẫn được yêu thương. Bởi Nhà là nơi như thế, nơi chỉ cần ta còn hiện diện là đủ để ai đó hạnh phúc.
Nhưng “Đường về nhà có ngoại chờ mong” không chỉ có hồi ức tuổi thơ, mà còn là tiếng nói lặng thầm của người trưởng thành đang vật lộn với cuộc sống. Tác giả Ốc kể về những ngày chông chênh - khi những người trẻ chúng ta bắt đầu lớn lên, phải tự học cách ổn định cảm xúc, vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi, gồng mình giữa bộn bề trách nhiệm, dù có muôn vàn nỗi đau cũng chỉ có thể ngậm ngùi giữ kín riêng mình. Bằng ngôn từ mộc mạc, không cầu kỳ nhưng đầy sức nặng cảm xúc - từng câu chuyện nhỏ trong sách đều khiến người đọc thấy mình trong đó: là người lớn không hoàn hảo, nhưng vẫn đang cố gắng từng chút một vì những người mà ta yêu thương.
Mong rằng sau tất cả, mỗi chúng ta vẫn còn một nơi để quay về. Có căn nhà luôn ấm bếp, có nồi cá kho, cà muối, canh rau, cơm nhà sắp sẵn và có Ngoại đứng chờ trước ngõ, cười hiền đón chờ đứa cháu xa quê:
“Về rồi đó hả con?”