Thế kỷ XV và XVI chứng kiến châu Âu bừng tỉnh khỏi giấc ngủ Trung Cổ dài đằng đẵng. Họ bắt đầu nhìn lại chính mình, không còn qua lăng kính giáo lý khắc khổ mà bằng con mắt thán phục trước cái đẹp của hình thể, sự phức tạp của tâm hồn và sức mạnh của lý trí. Phục Hưng không chỉ là thời đại của những tên tuổi lớn như Leonardo, Michelangelo, hay Raphael, mà còn là một khoảnh khắc lịch sử nơi con người tái phát hiện sự phong phú của cảm xúc, sự tự do trong suy tư, và khao khát được sống với tất cả vẻ đẹp của thế gian.
Lịch sử đã viết nhiều về thời kỳ Phục Hưng như một chương rực rỡ trong tiến trình văn minh phương Tây. Chỉ có Walter Pater, bằng văn phong mềm như nhung mà sắc như dao, mới dám mở một cánh cửa khác: cánh cửa dẫn vào cảm quan nội tại, vào sự rung động của tâm hồn trước cái đẹp - nơi sự “phục hưng” thực sự bắt đầu. Hơn ba thế kỷ sau Phục Hưng, The Renaissance của Walter Pater ra đời như một khúc trầm lặng và tinh tế. Không phải là một biên niên sử hay một khảo cứu hàn lâm, cuốn sách là hành trình cá nhân, nơi Pater thắp sáng lại thời Phục Hưng bằng chính những ấn tượng sâu sắc mà ông nhận được từ hội họa, thơ ca, triết học - những kết tinh của một thời đại từng sống mãnh liệt bằng cảm quan.
Đi ngược lại truyền thống phê bình tìm kiếm định nghĩa chung cho “cái đẹp,” Pater chọn một lối viết riêng tư, mảnh mai, đầy ám ảnh: ông lần theo những ấn tượng cá nhân khi tiếp xúc với một bức họa, một bài thơ, một nhân vật lịch sử, để từ đó dựng nên một không gian thẩm mỹ sâu lắng. Với ông, điều quan trọng không nằm ở chân lý tuyệt đối, mà ở cách một tác phẩm đánh thức được những rung động tinh vi nhất trong tâm hồn người tiếp nhận. Trong những tiểu luận của mình, Pater mời gọi độc giả gặp lại Leonardo không chỉ là thiên tài hội họa, mà là một biểu tượng của cảm thức mơ hồ và vẻ đẹp không thể nắm bắt; gặp Pico della Mirandola như một hiện thân của khao khát hòa giải mọi đối cực - giữa tri thức và đức tin, giữa Hy Lạp và Kitô. Những nhân vật và biểu tượng ấy không được trình bày như tài liệu lịch sử, mà như những mảnh cảm xúc sống động, lấp lánh và đầy dư vang.
Vượt xa khung cảnh của thế kỷ XV, The Renaissance chính là một “thời Phục Hưng” thu nhỏ - không nằm trong lịch sử, mà trong chính cách chúng ta nhìn thế giới hôm nay. Walter Pater mỗi người, dù ở thế kỷ nào, cũng có thể tự tạo nên một thời Phục Hưng của riêng mình - bắt đầu từ cảm quan sống tinh tế, từ ánh nhìn biết thưởng thức, và từ trái tim không ngừng rung động trước cái đẹp.
Mục lục sách The Renaissance - Tác Phẩm Phê Bình Lý Luận Kinh Điển Về Văn Hóa Thời Phục Hưng
- Lời nói đầu
- Hai câu chuyện Pháp cổ
- Pico della Mirandola
- Sandro Botticelli
- Leonardo da Vinci
- Joachim du Bellay
- Michelangelo
- Luca della Robbia
- Tình yêu trong thơ ca
- Winckelmann
- Kết luận