Cuốn sách Nghệ thuật Sống và Chết của Osho giúp con người hiểu rằng sống trọn vẹn và chấp nhận cái chết là hai mặt của cùng một vấn đề. Osho nhấn mạnh rằng nỗi sợ cái chết xuất phát từ việc chưa thực sự sống, và chỉ khi sống hết mình trong hiện tại, con người mới có thể đối diện với cái chết một cách thanh thản.
Ông giải thích rằng sống và chết không tách rời nhau - chúng ta đang chết dần mỗi ngày, và thay vì trốn tránh, hãy chấp nhận sự vô thường của cuộc sống. Cái chết không phải là kết thúc, mà là một quá trình tự nhiên, một sự buông bỏ cần thiết để chuyển sang trạng thái mới.
Thông qua triết lý phương Đông và các phương pháp thiền định, Osho hướng dẫn cách buông bỏ sợ hãi, sống tỉnh thức, không bám víu vào vật chất hay danh vọng. Ông khuyến khích con người tiếp cận cái chết như một trải nghiệm, không phải điều đáng sợ.
Cuốn sách không chỉ giúp ta hiểu về cái chết, mà còn dạy cách sống tự do, hạnh phúc và ý nghĩa ngay từ bây giờ.
Mục lục sách Nghệ Thuật Sống Và Chết
- Dẫn nhập
- Phần 1: Nhìn vào điều cấm kỵ lớn nhất
- Phần 2: Hành trình chưa được biết đến
- Phần 3: Những dấu mốc trên cuộc hành trình
- Phần 4: Giờ chia ly đã điểm
- Lời cuối
Trích đoạn sách Nghệ Thuật Sống Và Chết
Thực ra trọng tâm tìm hiểu của tôn giáo không phải là Thượng đế mà là cái chết. Không có sự chết thì sẽ chẳng có tôn giáo nào hết. Chính cái chết làm cho con người đi tìm thứ vượt lên trên nó, sự bất tử.
Cái chết bủa vây chúng ta như đại dương bao quanh hòn đảo nhỏ. Đảo có thể bị nước nhấn chìm bất kỳ lúc nào. Khoảnh khắc tiếp theo có thể chẳng bao giờ đến, ngày mai có thể chẳng bao giờ tới nữa. Các con vật không theo đạo vì lý do đơn giản là chúng không biết gì về cái chết. Dù nhìn thấy những con vật khác chết trước mắt mình, chúng vẫn không nhận thức được việc mình sẽ chết. Từ chỗ nhìn thấy người khác chết đến chỗ kết luận “Tôi cũng sẽ phải chết” là cả một bước nhảy vọt lượng tử. Con vật không đủ nhận thức để đưa ra được một kết luận như vậy.
Và phần lớn loài người cũng vẫn còn nằm ở dưới mức con người. Con người chỉ thực sự đạt đến “độ chín” của mình khi đã đi đến được kết luận: “Nếu cái chết sẽ đến với người khác thì chắc chắn tôi cũng không phải là ngoại lệ”. Khi nhận định này đã khắc sâu vào tâm khảm bạn, cuộc sống của bạn sẽ vĩnh viễn thay đổi. Bạn không thể bám chấp vào sự sống như trước nữa. Nếu trước sau nó cũng sẽ bị lấy đi khỏi bạn thì khư khư bám giữ nó như thế có ích gì? Nếu nó sẽ có ngày mất đi thì tại sao phải níu kéo, phải đau khổ? Nếu đời sống không phải là vĩnh hằng, tại sao phải khổ sở, đau đớn và lo âu đến thế? Nếu nó sẽ ra đi tức là nó sẽ ra đi - chuyện nó đi vào lúc nào không quan trọng nữa. Lúc ấy thời gian cũng không còn quá quan trọng nữa…