Bao giờ nỗi buồn mới trở nên đáng giá?
Và khi nào sự cô đơn chẳng còn là một “mầm bệnh” mà ai cũng muốn trốn chạy?
Những câu hỏi dường như không ai có đáp án chính xác đã mở ra cuốn sách “Tìm mình giữa từng lớp đau thương” của 52.0Hz - một chuyến hành trình xuyên qua những cung bậc cảm xúc sâu thẳm, khó nói nhất của con người. Bởi nếu chưa từng nếm trải vị đắng của nỗi buồn, ta làm sao thấu hiểu được vị ngọt ngào của hạnh phúc?
Nhóm tác giả 52.0Hz tựa như những chú cá voi xanh cất lên thanh âm đơn độc giữa đại dương mênh mông, tưởng chừng lạc lõng nhưng lại vô tình tìm thấy nhau qua văn chương. Họ dùng ngôn từ để hóa giải những dằn vặt nội tâm, khắc họa nỗi đau và chứng minh sự hiện hữu. Mỗi tác giả là một thanh âm riêng biệt, mang trong mình những vết xước của cuộc đời, để rồi chuyển hóa chúng thành những câu chữ đầy mê hoặc, vừa sầu bi, vừa chân thật của tâm hồn người trẻ.
“Tìm mình giữa từng lớp đau thương” được chia thành 5 chương, tương ứng với 5 tầng sâu của biển cả, cũng là đại diện cho những cung bậc khác nhau của nỗi đau trong đời người. Nơi ấy có nỗi đau chung cho cả một thế hệ, có sự tan vỡ của một đứa trẻ lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, là giọt nước mắt của một mối tình dang dở và cuối cùng là những tổn thương ẩn sâu trong tâm trí của mỗi “tần số cô đơn trong 52.0hz”...
“một cuộc đời của con
một cuộc đời của bạn
một cuộc đời mình nghĩ rằng xứng đáng
một cuộc đời nhân thế muốn trở thành.
nhưng rồi mình thấm mệt vì cứ phải lao nhanh,
mình sống hai tư giờ không giờ nào ngơi nghỉ.”
Những câu chữ trong “Tìm mình giữa từng lớp đau thương” như tiếng lòng thầm lặng của những người trẻ giữa cuộc sống hối hả, bộn bề - nơi dễ lạc lối và chìm khuất trong những kỳ vọng của thế gian và xúc cảm của chính chúng ta. Chính từ nỗi buồn ẩn sâu trong mỗi trang viết, bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm mà bấy lâu nay chưa một lần dám thổ lộ. Để rồi từ đó, bạn cũng sẽ tìm thấy trong mình khả năng biến nỗi đau thành dũng khí, biến những giọt nước mắt thành hạnh phúc, để có thể mỉm cười và nói “cảm ơn tôi vì đã được sinh ra”.