Trần Nhân Tông (1258-1308) là một vị vua anh minh, nhân vật lịch sử nổi bật trong triều đại nhà Trần. Ngài còn là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam, ngài đã sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm, vẫn phát triển cho đến ngày nay. Bên cạnh việc triều chính, ngài không chọn hẳn chỉ con đường tâm linh (Đạo) ngay từ đầu bằng cách xuất gia, cũng không chỉ chọn hẳn con đường xã hội (Đời), ở mãi với đời. Hai con đường ấy đi song song với nhau, đến tuổi trưởng thành thì hòa hợp với nhau, đến tuổi trung niên thì hợp nhất với nhau cho tới khi ra đi khỏi thế gian. Qua bình giảng các bài thơ của ngài, cuốn sách Trần Nhân Tông, Đời - Đạo không hai đã nói lên được điều đó.
Cuốn sách đặc biệt ở chỗ, tác giả cũng là một tu sĩ Phật giáo, vừa là một nhà tu hành vừa là một người sống trong đời sống, nên cái nhìn Đời - Đạo không hai của tác giả với ngài Trần Nhân Tông có sự thông giao nhau. Tác giả cảm, thấu, hiểu, bình giảng thơ của ngài với cùng một cái thấy ra “khuôn mặt chúa xuân nay khám phá”.
Với lối bình thơ gần gũi, dễ hiểu, lật mỗi trang sách lại cho người đọc chạm vào những ngày tháng từ “đãi cát kén vàng” cho đến ngày thấy ra “khuôn mặt chúa xuân” của ngài. Nhìn vào cuộc đời cao đẹp đó, chúng ta thấy rằng mình cũng cần “rèn lòng làm Bụt, chỉ cần chuyên nhất dồi mài” thì có ngày chúng ta thấy Trần Nhân Tông ở trong mình.
Có thể nói, Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị nhìn xa trông rộng mà còn là nhà quân sự có tài; không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ; không chỉ là bậc quân vương mà còn là nhà tu hành; không chỉ là nhà văn hoá mà còn là vị thiền sư lỗi lạc. Thời đại oanh liệt đã sản sinh ra ngài và ngài đã làm cho thời Trần càng thêm oanh liệt.