“Tất cả những truyện viết trong không dưới 10 lần (!), nhưng đến khi đọc văn vẫn thấy có cái gì như Đảo Chìm, Khoa đã kể cho tôi nghe mình mới khám phá, như mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần. Mà chuyện thì rõ ràng là đã nghe kể đến thuộc làu rồi. Theo tôi, Đảo Chìm là thần bút, vì những chuyện thông thường, ai ra đảo cũng thấy thế hoặc không thấy thế mà tự nhiên có và vẫn thấy như là có thật. Ví dụ như chuyện ông tướng ngồi gác, mổ ruột thừa bằng panh sa lam có thể là Khoa bịa, nhưng vẫn chấp nhận được. Ý tưởng của tác phẩm đã vượt ra ngoài những chuyện cụ thể, tưởng như rất vụn vặt. Chính vì thế, nó có sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Và dù khe khắt thế nào, tôi vẫn phải đánh giá đây là những trang văn tuyệt vời…” - Nhà văn Lê Lựu
“Còn về ngôn ngữ tiểu thuyết Đảo Chìm. Có thể nói rất tài tình, điêu luyện trong kĩ nghệ dẫn truyện, kể chuyện. Là nhà thơ, tác giả Trần Đăng Khoa đã dùng thế mạnh của mình, là dùng ngôn ngữ thơ để viết văn xuôi và kể chuyện rồi khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ thơ nên chắt lọc, không dàn trải. Tả hay kể đều chấm phá, cốt gợi chứ không nói hết. Ta hiểu vì sao tiểu thuyết rất ngắn, mỗi chương cũng rất ngắn. Có chương chỉ hai hay ba trang. Rất kiệm lời, chắt lọc đến từng chữ một. Không có câu độn, từ thừa. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và có sức dư ba. Ngay cả những đoạn tả cảnh cũng rất ấn tượng và có sức ám ảnh… Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lớn Lê Lựu, một người rất khó tính về nghề, đã cho rằng Đảo Chìm là Thần bút. Còn tôi thì coi đó là một kiệt tác...” - Nhà văn, nhà phê bình khảo cứu Nguyễn Chu Nhạc