“Việt sử tân ước toàn biên” in năm 1906 là bộ sách toàn biên về lịch sử Việt Nam được biên soạn theo cách thức mới. Bộ toàn biên tân ước này được biên soạn nhằm phục vụ cho việc phổ cập lịch sử Việt Nam, đồng thời trực tiếp liên quan đến môn Việt sử thuộc chương trình Cải lương giáo dục khoa cử lúc bấy giờ. Bộ sách còn giúp tìm hiểu thêm về quá trình phổ cập lịch sử Việt Nam cũng như chương trình cải lương giáo dục chữ Hán đầu thế kỷ 20 (1906).
Khảo cứu và dịch phẩm “Việt sử tân ước toàn biên” của tác giả Hoàng Đạo Thành ra đời nhằm giải quyết các vấn đề, thứ nhất, là giới thiệu một cách có hệ thống về bộ sách “Việt sử tân ước toàn biên” ( 越史新約全編 ); thứ hai là cung cấp toàn bộ bản dịch thuộc văn bản làm cơ sở tư liệu cho các nhà nghiên cứu khác có nhu cầu nghiên cứu đến các vấn đề liên quan. Ngoài ra, bản dịch cũng góp phần vào việc tìm hiểu chương trình cải cách giáo dục đầu thế kỷ 20 diễn ra tại Việt Nam. Đây cũng là bản dịch đầy đủ của bộ sách này.
Cấu trúc của bản dịch gồm có ba phần:
- Phần mở đầu: Với tiêu đề “Khảo sát văn bản Hán Nôm - Việt sử tân ước toàn biên” nhằm khái quát nhiệm vụ đề tài và giới thiệu tổng quát về bộ sách “Việt sử tân ước toàn biên” (越史新約全編).
-
Phần dẫn nhập: Gồm có 2 chương chính:
- Chương 1: Với tiêu đề “Việt sử tân ước toàn biên từ góc nhìn văn bản học”, nhằm giới thiệu tác giả và văn bản Việt sử tân ước toàn biên, trong đó chú trọng đến việc miêu tả hình thức và kết cấu của văn bản; nguyên nhân, mục đích và nguyên tắc biên soạn bộ sách thông qua hệ thống bài Tựa và Ba quy tắc được ghi lại ở đầu bộ sách.
- Chương 2: Với tiêu đề “Phong cách biên soạn và những quan điểm mới được thể hiện trong Việt sử tân ước toàn biên”, trong đó giới thiệu khái quát về hệ thống giáo dục của Việt Nam thời phong kiến, chương trình cải lương giáo dục năm 1906, sau đó đi sâu vào nghiên cứu phong cách biên soạn sách lịch sử, so sánh và tìm ra những điểm mới trong việc biên soạn Việt sử tân ước toàn biên cũng như những luận điểm, quan điểm mới mà bộ sách chứa đựng.
- Phần kết luận: Nhằm tổng kết lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc biên soạn và nội dung của văn bản Việt sử tân ước toàn biên, chỉ ra những điểm tiến bộ và ý nghĩa của nó đối với lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam.
Với mục đích nhằm phổ biến lịch sử Việt Nam cho mọi người, “Việt sử tân ước toàn biên” (越史新約全編) đề cao tính phổ cập, phổ thông. Tính phổ cập được thể hiện ngay ở tên của nó: Việt sử 越史: tức là sử Việt Nam. Nó mang tính gần gũi bởi đây là bộ sách viết về lịch sử dân tộc Việt Nam, dành cho các đối tượng là người Việt Nam, sinh sống hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, bộ sách cũng là dành cho cấp học Tiểu học, cùng với đó là nhằm mục đích phổ biến kiến thức về lịch sử Việt Nam, nên được biên soạn một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Số chương mục không nhiều, sự kiện được ghi giản lược, chủ yếu nêu lên các sự kiện chính, tiêu biểu; tên các đời Vua được đặt làm tên của chương mục để người đọc có thể nắm được tiến trình của lịch sử. Đặc biệt, bộ sách cũng lược bớt những câu chuyện huyền thoại chưa được chứng thực hoặc dài dòng, nặng nề để giảm khối lượng kiến thức. Tất cả nhằm mục đích mang đến sự giản lược, dễ hiểu và khoa học nhất.