Cuốn sách Tuần khủng hoảng được viết với mục đích cung cấp thông tin cho các bậc phụ huynh, nhằm giảm và tránh stress cho cả cha mẹ và con, khi các con thay đổi tính nết theo quá trình phát triển tự nhiên của mình. Cuốn sách là cẩm nang giúp cha mẹ tìm hiểu thêm về sự phát triển của con trong 20 tháng đầu đời, mà cụ thể là các giai đoạn phát triển kỹ năng và tinh thần (Wonder weeks).
Con không phải chỉ qua đêm đã biết lẫy, không phải trong nháy mắt đã biết bò, không phải chỉ quay đi ngoảnh lại mà đã lò dò biết đi. Tất cả mọi bước đó đều là cả một quá trình tập luyện, cả khi thức lẫn khi ngủ của con.
Các bậc phụ huynh hãy đọc sách để hiểu những cơ sở khoa học của tuần khủng hoảng, cũng như sự kỳ diệu của nó; để hiểu và thông cảm cho con khi con trải qua thời kỳ tập trung phát triển kỹ năng và tinh thần từ bên trong nên quên hết cả ăn và ngủ; để nhận biết khi các con học cách hóng chuyện, học lẫy, học bò, học ngồi hoặc học đi.
Đây chính là lý giải cho những thời khắc mẹ vò đầu bứt tai bởi các con cực cáu bẳn, không ăn không ngủ, thời khắc mà mẹ những tưởng con bị ốm, bị “phải vía” hay “bị làm sao”. Từ những hiểu biết đó mà các mẹ có thể tránh được những “trục trặc” không đáng có, để hiểu và không ép con ăn.
Hãy cùng đọc và tìm hiểu Tuần khủng hoảng để trở thành những ông bố bà mẹ thông thái!
Với mỗi bước nhảy vọt về trí tuệ, trẻ sẽ có được khả năng nhận thức mới. Khả năng ấy cho phép trẻ nhận thức, nhìn, nghe, nếm, ngửi và cảm nhận nhiều điều mới mẻ, những điều mà trước đây trẻ không thể nhận thức được. Với nhận thức và những kỹ năng mới, toàn bộ cuộc sống của trẻ sẽ thay đổi, như thể trẻ đang khám phá lại thế giới vậy, và em bé có thể sẽ cần bạn giúp đỡ trong việc này đấy!
Cuốn sách của chúng tôi sẽ phác thảo 10 bước nhảy vọt trong sự phát triển trí tuệ mà mọi em bé sơ sinh đều trải qua trong 20 tháng đầu đời. Nó sẽ cho bạn biết mỗi bước nhảy vọt này có ý nghĩa gì đối với sự hiểu biết của bé về thế giới xung quanh, và cách mà bé sử dụng sự hiểu biết này để phát triển những kỹ năng mới, những kỹ năng cần cho sự phát triển hơn nữa về sau.
Với cuốn sách này, các bậc cha mẹ có thể:
- Sử dụng kiến thức về những bước phát triển nhảy vọt của con mình để giúp bản thân vượt qua những khoảng thời gian khủng hoảng trong buổi đầu làm cha mẹ.
- Hiểu rõ hơn cách trẻ đang suy nghĩ và tại sao trẻ lại hành động như vậy vào những thời điểm nhất định.
- Lựa chọn được hình thức hỗ trợ phù hợp với trẻ khi cần thiết và loại môi trường phù hợp để giúp trẻ tận dụng tối đa mọi cơ hội phát triển nhảy vọt.
Đây không phải là cuốn sách “dạy con thành thiên tài” mà là một cuốn sách về cách hiểu và đối phó với những giai đoạn trẻ gặp khó khăn và cách tận hưởng nhiều nhất khoảng thời gian mà trẻ dần lớn lên. Đó là tất cả những niềm vui nỗi buồn khi trưởng thành cùng bé.
Mục lục sách Tuần Khủng Hoảng - 10 Bước Nhảy Vọt Diệu Kỳ Trong Những Tháng Đầu Đời Của Trẻ
Lưu ý quan trọng
Lời nói đầu của ấn bản thứ sáu
Giới thiệu
10 Bước phát triển trí tuệ nhảy vọt của bé
Phước lành và căng thẳng
Em bé sơ sinh, chào mừng con đến với thế giới!
Giấc ngủ và những bước nhảy vọt
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 1
Thế giới của những cảm giác thay đổi
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 2
Thế giới của các hình mẫu
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 3
Thế giới của những sự chuyển tiếp mượt mà
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 4
Thế giới của các sự kiện
10 điều quan trọng bạn cần biết!
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 5
Thế giới của các mối tương quan
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 6
Thế giới của các thể loại
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 7
Thế giới của những chuỗi trình tự
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 8
Thế giới của các chương trình
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 9
Thế giới của các nguyên tắc
BƯỚC NHẢY VỌT THỨ 10
Thế giới của các hệ thống
Tài liệu tham khảo
Trích đoạn sách Tuần Khủng Hoảng - 10 Bước Nhảy Vọt Diệu Kỳ Trong Những Tháng Đầu Đời Của Trẻ
Dạy bé bò: Đôi khi bạn sẽ thành công đấy
Trẻ thường cố gắng tập bò ở độ tuổi này. Vấn đề lớn nhất là phần di chuyển về phía trước. Hầu hết các bé đều thích tiến về phía trước và sẽ hết sức cố gắng. Một số trẻ vào đúng tư thế ban đầu - co đầu gối đặt dưới cơ thể, đưa mông lên và đẩy ra - nhưng vẫn không thành công. Những bé khác thì chống tay, chống gối và dịch chuyển trọng tâm theo hướng trước - sau. Cũng có những bé uốn éo rồi tự đẩy mình trượt về phía sau. Còn có những bé chỉ đẩy bằng một chân, nên cứ xoay vòng tròn. Một số bé may mắn dò dẫm xung quanh một lúc và vô tình di chuyển được về phía trước. Đây chỉ là trường hợp ngoại lệ, chứ không phải là quy chuẩn ở độ tuổi này.
Nhiều bậc cha mẹ cố gắng giúp con mình bò. Họ nhẹ nhàng đẩy chiếc mông xinh đang ngọ nguậy của bé về phía trước, hoặc để tất cả các loại đồ vật hấp dẫn ra xa tầm tay bé, nhằm dỗ dành con tiến về phía trước. Đôi khi, những cách thức này sẽ hiệu quả, và bằng cách nào đó em bé có thể chuyển động được một chút. Một số bé sẽ làm điều này bằng cách ném mình về phía trước một cái uỵch. Những bé khác thì nằm sấp và đẩy mình về phía trước bằng chân, đồng thời sử dụng cánh tay để điều khiển cơ thể đi đúng hướng.
Nếu bạn bắt chước những hành động của con, bé có thể thấy điều đó thật buồn cười. Bé cũng có thể thực sự thích nhìn bạn chỉ mình cách bò sao cho đúng. Gần như tất cả những em bé đang gặp vấn đề với việc tập bò, sẽ bị mê hoặc bởi những nỗ lực của bạn. Hãy cứ thử và quan sát con nhé!
Đừng so sánh kỹ năng thể chất của con bạn với những đứa bé khác
Con bạn vẫn chưa biết đi ư? Thôi chết! Và bé cũng không bò à? Những câu hỏi như vậy khiến bạn phát điên và cảm thấy bất an. Hơn thế nữa, ngay cả những bậc cha mẹ tự tin nhất cũng ghét phải nghe những nhận xét này (hay chúng ta nên gọi chúng là “những câu hỏi ác ý” nhỉ?). Để giảm bớt phần nào những nghi ngờ và sự bất an của bạn, hãy nhớ rằng con người có bảy loại trí thông minh, và trí thông minh thể chất chỉ là một trong số đó. Xã hội có xu hướng chú trọng đến khả năng thể chất, không phải vì nó quan trọng hơn các hình thức khác, mà vì nó dễ quan sát và so sánh nhất.
Sẽ khó hơn rất nhiều để nhìn thấy một em bé sử dụng các kỹ năng cơ bản nhằm khám phá thế giới thông qua xúc giác. Hoặc nói một cách dễ hiểu: hãy nhìn cách bé lướt ngón tay trên mép của vật gì đó, để trải nghiệm cảm giác của vật ấy. Nhưng bởi vì, với tư cách là một xã hội, chúng ta không chú ý đến những điều “nhỏ nhặt” (nhưng thật ra rất quan trọng) này, nên chúng ta có xu hướng tập trung vào những thứ dễ quan sát và so sánh hơn: đó là những kỹ năng thể chất.
Xin hãy hiểu rằng: tất cả những em bé khỏe mạnh bình thường đều sẽ tập đi. Và sau này khi lớn lên, việc con bạn biết đi sớm hay muộn hơn một chút cũng không có gì khác biệt. Hãy tập trung vào các kỹ năng phi thể chất có lẽ còn quan trọng hơn trong sự phát triển của con…