Lịch sử là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống của chúng ta. Hiện nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp trên Facebook, X hay bất kỳ nền tảng nào khác những câu chuyện thú vị về lịch sử. Nhưng liệu những câu chuyện này có đúng hay không, chúng ta phải làm sao để không bị lừa, có cách nào giúp chúng ta tự kiểm định thông tin để tự bảo vệ bản thân khỏi những mẩu chuyện bịa đặt về lịch sử không?
Thông qua cuốn sách, tác giả không những chỉ ra cho chúng ta 101 câu chuyện về lịch sử tưởng thật nhưng hóa ra không, mà còn chỉ ra cho chúng ta phương pháp và các công cụ hữu ích để kiểm định bất kỳ câu chuyện lịch sử nào mà ta bắt gặp. Không chỉ dừng lại ở lịch sử thôi đâu, cuốn sách còn là một cẩm nang tốt để chúng ta xác định tính đúng sai của các nguồn thông tin, giúp chúng ta an toàn trong thời buổi bùng nổ của tin tức như ngày nay.
Trích dẫn sách Sử Bịa - 101 Điều Chưa Từng Xảy Ra Trong Lịch Sử
1. Einstein không hề nói: “Sự điên rồ là làm đi làm lại cùng một việc và mong đợi những kết quả khác nhau”. Ông cũng không nói: “Mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây, thì nó sẽ sống cả đời và tin rằng mình thật ngu ngốc”.
2. Tất cả chúng ta đều lớn lên với những câu chuyện về mụ phù thủy cùng hình ảnh một người đàn bà đội chiếc mũ nhọn, có một cái mụn cóc đầy lông trên mũi, bay ngang bầu trời trên một cây chổi. Chúng là một phần của văn hóa phương Tây, thế nên, hầu như chúng ta đều đã nghe kể về những vụ xét xử phù thủy gây ra bao đau khổ khủng khiếp cho nhiều người như thế nào. Nhưng điều này thực sự không xảy ra vào thời Trung cổ.
3. Cà rốt đã xuất hiện và có nhiều màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là màu trắng, vàng, tím. Sau đó, cà rốt màu cam đã trở nên cực kỳ phổ biến và gần như đẩy những màu khác sang một bên, đến mức nhiều người thậm chí còn không biết cà rốt cũng có loại không phải màu cam.
4. Chỉ cần tưởng tượng ra cảnh: Nhà vua đang phát biểu về trận chiến sắp tới với quần thần, thì đột nhiên căn phòng tối thui, rồi một người hầu nào đó với những cây đuốc mới bước vào, bắt đầu thay thế những cây đuốc cũ, đồng thời lầm bầm xin lỗi vì đã làm phiền. Cuối cùng anh ta rời đi, ánh sáng quay lại, bài phát biểu tiếp tục, những người đàn ông cổ vũ, đến lúc nhìn vào bản đồ và chuẩn bị cho trận chiến thì… ồ không, đuốc lại tắt, căn phòng lại tối và anh chàng người hầu lại cáu kỉnh… Mỗi ngọn đuốc sẽ phải được thay thế sau 30 phút hoặc một giờ, suốt buổi tối, cả đêm. Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn đang làm phim và có đội ngũ trợ lý hiệu ứng đặc biệt – tôi biết vì tôi đã từng như vậy. Tôi là người lao đi giật lấy những ngọn đuốc đang cháy của các diễn viên, dập tắt chúng rồi thắp những ngọn đuốc mới cho cảnh tiếp theo. Thành thật mà nói, thì việc này khá đáng sợ bởi tất cả những nhân vật đều đội những chiếc mũ lạ mắt và tóc thì được xịt rất nhiều keo. Chỉ cần một hành động ngu ngốc, thì các diễn viên ngay lập tức sẽ biến thành những ngọn đuốc. Ngoài ra, còn một vấn đề khác: bạn phải đốt lửa ở độ cao ngang đầu người khiến đôi khi nó ở gần trần và dầm gỗ một cách đáng sợ. Việc này chỉ chuốc thêm rắc rối, nhất là khi mọi người đi lại với giáo, mũ sắt, áo choàng và mũ nhọn.